Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường vừa phê duyệt đề án "Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn".
Theo đó, giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ có khoảng 38 dự án du thuyền được ưu tiên đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 7.260 tỉ đồng, gồm 5 bến du thuyền quốc tế và 33 bến du thuyền thông thường.
Các hoạt động công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền sẽ tạo ra khoảng 8.800 việc làm mới ở giai đoạn đến năm 2025; 35.000 việc làm ở giai đoạn 2025-2030 và 57.000 việc làm cho giai đoạn sau 2030.
Các dự án du thuyền đáng chú ý gồm bến du thuyền quốc tế trên sông Hàn ở phía đường Bạch Đằng với diện tích 1ha, bến du thuyền quốc tế tại khu đô thị Đa Phước với diện tích 3ha giai đoạn 1, bến du thuyền Bạch Đằng ở gần cầu Nguyễn Văn Trỗi, bến du thuyền ở khu vực chân cầu Rồng… (quận Hải Châu).
Quận Sơn Trà có bến du thuyền quốc tế Thuận Phước, bến du thuyền khu vực cảng biển Tiên Sa, bến du thuyền DHC Marina, bến du thuyền Euro Village, bến du thuyền tại khu nghỉ dưỡng InterContinental Peninsula Resort ở bán đảo Sơn Trà… Bến du thuyền tại khu du lịch Làng Vân (quận Liên Chiểu)…
Với định hướng này, Đà Nẵng lựa chọn lộ trình phát triển phù hợp, lấy công nghiệp du thuyền làm nền tảng và định hướng phát triển bền vững, xây dựng các dịch vụ du thuyền theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng cao và từng bước trở thành sản phẩm đặc trưng gắn liền với thương hiệu TP Đà Nẵng.
Dự kiến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ phát triển các ngành công nghiệp đóng mới du thuyền; công nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa du thuyền, thay thế phụ tùng nội thất du thuyền; công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu ưu tiên đầu tư xây dựng bến du thuyền, thuyền buồm cỡ nhỏ tại khu du lịch làng Vân, khu vực InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (bán đảo Sơn Trà), khu vực đô thị ven sông Cổ Cò và trên sông Hàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận