05/09/2018 14:33 GMT+7

Đà Nẵng - những ngày thu 1945: Từ Tòa thị chính đến Bảo tàng Lịch sử

TRƯỜNG TRUNG - ĐĂNG NAM
TRƯỜNG TRUNG - ĐĂNG NAM

TTO - Mùa thu năm 1945, lần đầu tiên tại Tòa thị chính (số 42 đường Bạch Đằng - Đà Nẵng) lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đánh dấu ngày chính quyền về tay nhân dân.

Đà Nẵng - những ngày thu 1945: Từ Tòa thị chính đến Bảo tàng Lịch sử - Ảnh 1.

Tranh khắc họa cuộc khởi nghĩa màu thu 1945 tại Đà Nẵng - Ảnh: T.TRUNG chụp lại

Tòa thị chính được xây dựng sớm trong khoảng thời gian 1898-1900 và là công trình có vai trò quan trọng bậc nhất về thể chế chính trị (của ).

TS LÊ MINH SƠN

70 năm sau ngày lịch sử đó, sứ mệnh của tòa nhà trong vai trò là "đầu não chính quyền" đã khép lại để trở thành nơi lưu giữ ký ức của thành phố.

Tòa nhà biểu tượng

Nằm ngay trên đường Bạch Đằng sát cạnh sông Hàn, (cách gọi của người dân Đà Nẵng để phân biệt với tòa nhà Trung tâm hành chính mới xây tại số 24 Trần Phú) tồn tại như một chứng nhân lịch sử.

Dù là thành phố trẻ nhưng so với các công trình kiến trúc mà người Pháp xây trên đất Việt thì Tòa thị chính này lại có phần "già". Bởi trong lịch sử xâm lăng đất Việt, người Pháp đã chọn Đà Nẵng làm nơi nổ phát súng đầu tiên, đặt nền móng cho sự hiện diện lâu dài về sau của họ.

Trong khoảng cuối thế kỷ 19, đầu những năm thế kỷ 20, với cái tên Tourane, đô thị nằm bên sông Hàn này được người Pháp đặt tên và quy hoạch theo chức năng và mô hình của phương Tây.

Đường Quai Courbet (nay là đường Bạch Đằng) được hình thành đầu tiên với sự hiện diện của hàng loạt công trình công quyền như Tòa thị chính (Đốc lý), Ty kiểm toán thuế, Tòa án, Nhà dây thép, Ty hành thu quan thuế, Sở Quan thuế và công quản Trung Kỳ, Phòng thương mại Đà Nẵng...

Theo tiến sĩ Lê Minh Sơn (khoa kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng) thì hầu hết công trình công cộng đều được người Pháp chọn xây dựng tại các vị trí thuận lợi dọc theo trục đường Bạch Đằng, Trần Phú (Rue de Musée), Phan Châu Trinh, Lê Lợi (Marc Pourpe).

Trong đó Tòa thị chính được xây dựng sớm trong khoảng thời gian 1898-1900 và là công trình có vai trò quan trọng bậc nhất về thể chế chính trị, sự hiện diện của nó được xem là dấu mốc xác định vị trí xuất phát điểm đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Sơn, công trình này được thiết kế theo phong cách tân cổ điển với hình thức đối xứng đơn giản. Tọa lạc trên vị trí chiến lược của tuyến đường Bạch Đằng, mặt đứng tòa nhà hướng thẳng ra bờ sông với một không gian thoáng đãng phía trước.

"Đây là một công trình mang tính đại diện trong một giai đoạn phát triển của thành phố" - tiến sĩ Sơn nhận định.

Tòa nhà còn mang tính biểu tượng - chứng nhân cho những thời khắc lịch sử.

Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền tại thành phố này, đây là nơi mà những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn do Nhật lập ra, nơi cắm lá cờ "đánh dấu" thời điểm cả vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng đã hoàn thành cuộc nổi dậy giành chính quyền vào mùa thu 1945.

Với vai trò là tòa nhà "đầu não", suốt thời kỳ Pháp thuộc cho đến mãi sau này, dù trải qua bao binh biến, địa chỉ này vẫn được chọn làm trụ sở của bộ máy công quyền. Chức năng của Tòa thị chính chỉ được thay thế từ năm 2014 khi trung tâm hành chính cao tầng được xây dựng xong.

Đà Nẵng - những ngày thu 1945: Từ Tòa thị chính đến Bảo tàng Lịch sử - Ảnh 3.

Du khách tìm đến Bảo tàng Đà Nẵng cũ (trên đường Thành Điện Hải) để tìm hiểu lịch sử Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bảo tàng Lịch sử

Cuối năm 2016, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương biến nơi đây trở thành bảo tàng của thành phố (thay thế cho bảo tàng đang hiện diện tại khu vực thành Điện Hải).

Theo ông Huỳnh Văn Hùng - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng, việc hình thành chức năng mới cho Tòa thị chính là rất phù hợp, bởi bản thân tòa nhà này là một hiện vật lịch sử có giá trị của Đà Nẵng.

"Về giá trị lịch sử, đây là nơi được người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước để làm trụ sở bộ máy công quyền. Năm 1937, hàng nghìn người dân đã kéo về đây gặp đại diện chính quyền Pháp để đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Mùa thu năm 1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tòa nhà này. Rồi khi quân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ 2, trung đoàn 96 đã ngoan cường đánh trả địch tại đây. Đến ngày 29-3-1975, lá cờ giải phóng lại một lần nữa được cắm trên Tòa thị chính này..." - ông Hùng nói.

Còn theo ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, bản thân tòa nhà số 42 Bạch Đằng là một di tích lịch sử - một bảo tàng ngoài trời, với phong cách kiến trúc cho đến nay vẫn chưa hề lạc hậu.

Vì thế, khi chuyển về vị trí này sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động mà còn có cơ hội phát huy vai trò giới thiệu những hiện vật, tư liệu lịch sử đến với số đông công chúng.

Đà Nẵng - những ngày thu 1945: Từ Tòa thị chính đến Bảo tàng Lịch sử - Ảnh 4.

Tòa thị chính đã được chính quyền chuyển đổi công năng thành Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cải tạo để trưng bày

Đầu tháng 8-2018, bàn về phương án trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng tại vị trí Tòa thị chính, đơn vị tư vấn đề nghị giữ nguyên hội trường, cải tạo toàn bộ dãy nhà làm việc; xây mới khối nhà với diện tích gần 800m2; tháo dỡ dãy nhà xuống cấp phía mặt đường Trần Phú; xây dựng tầng hầm giữ xe và làm kho chứa hiện vật.

Bốn nội dung trưng bày trong bảo tàng gồm: 1) Tổng quan về Đà Nẵng; 2) Lịch sử thiên nhiên, con người Đà Nẵng; 3) Lịch sử phát triển đô thị, kiến trúc, quy hoạch, giao thông, các ngành tiểu thủ công nghiệp; 4) Văn hóa, nhấn mạnh văn hóa biển Đà Nẵng.

TRƯỜNG TRUNG - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên