Bà Nguyễn Thu Phương - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng - cho biết:
- Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, nhằm phát huy khai thác công dụng, hiệu quả, tiện ích của Internet, mạng xã hội trong công tác bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, ngày 5-12-2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Sở Thông tin và Truyền thông xác định việc triển khai thực hiện đề án là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện các giải pháp tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội trên địa bàn thành phố.
Năm 2023, Sở đã tham mưu xây dựng và trình Thường trực Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND TP, Ban Chỉ đạo 35 thành phố kế hoạch triển khai đề án.
Với phương châm lấy "xây" để "chống", "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", phủ xanh thông tin chính thống, tích cực lấn át thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc, sở đã phối hợp các cơ quan chức năng viết, đăng tải gần 1.000 tin, bài "phủ xanh thông tin", đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 thành phố.
Thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện, thẩm định nội dung, báo cáo việc xử lý thông tin đăng tải trên mạng xã hội liên quan đến thành phố; phối hợp rà soát, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, khắc phục lỗ hổng bảo mật trong hệ thống mạng thông tin của các cơ quan, đơn vị.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các trang mạng xã hội đăng tải thông tin sai trái và kiên quyết xử lý thông tin sai sự thật; phối hợp đề nghị xử lý một số cá nhân, cơ quan báo chí vi phạm quy định sử dụng mạng xã hội, đưa thông tin thiếu khách quan… tác động xấu đến dư luận xã hội.
Rà soát các trang mạng xã hội liên quan thành phố có lượt theo dõi từ 20.000 người trở lên nhằm bổ sung các thông tin liên quan chủ sở hữu của các trang này…
* Xin bà cho biết một số mô hình hay, sáng tạo về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực?
- Ban Chỉ đạo 35 các địa phương, đơn vị đã triển khai tốt hoạt động trong thời gian qua. Trong đó, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo như Ban Chỉ đạo 35 huyện Hòa Vang tổ chức ra mắt mô hình "Hội, nhóm, trang mạng xã hội hành động vì môi trường mạng Hòa Vang an toàn, lành mạnh"; tổ chức cho đại diện ban quản trị của 50 hội, nhóm, trang mạng xã hội nằm ngoài hệ thống chính trị trên địa bàn huyện ký cam kết thực hiện mô hình.
Ban Chỉ đạo 35 quận Hải Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các trang mạng xã hội thông qua các cuộc thi nhằm phủ "xanh" thông tin, thu hút lượt tương tác trên trang của Ban Chỉ đạo 35 quận.
Ban Chỉ đạo 35 các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ... thường xuyên chỉ đạo tổ chức các hội nghị chuyên đề về công tác đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Theo đó, các địa phương, đơn vị duy trì hoạt động các trang fanpage, Facebook của Ban Chỉ đạo 35; cập nhật, đăng tải gần 150.000 tin, bài viết, hình ảnh, video trên các fanpage, group Facebook những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, thành phố và xử lý việc đăng tải sai sự thật trên mạng xã hội.
* Bà đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan báo chí trong việc triển khai thực hiện đề án?
- Qua gần một năm thực hiện đề án, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố, đặc biệt là cơ quan báo, đài địa phương đã giữ vững và phát huy vai trò chủ động, tiên phong, định hướng, lan tỏa thông tin tích cực của báo chí cách mạng.
Đặc biệt nhờ công tác chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND TP chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí thành phố trong thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích và nội dung thông tin…
Các cơ quan báo chí địa phương bước đầu đã chú trọng công tác chuyển đổi số báo chí, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đầu tư, thực hiện từ nay đến hết năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các cơ quan báo chí địa phương, Trang thông tin điện tử Đảng bộ thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phố xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chủ động, tăng cường thông tin tích cực, định hướng dư luận xã hội...
Đồng thời các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác đóng chân trên địa bàn đã tích cực, quan tâm hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung quan trọng trước, trong và sau các kỳ họp HĐND TP, phiên họp UBND TP, nhất là trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; tham gia các buổi giao ban, làm việc định kỳ của Ban Tuyên giáo Thành ủy; họp báo của UBND TP để trao đổi, làm rõ các vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm; chung tay, đồng hành cùng Đảng bộ và chính quyền thành phố thực hiện các nhiệm vụ về thông tin, tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên Internet, mạng xã hội.
Tích cực tham gia các cuộc thi viết, các giải báo chí thành phố; thực hiện, đăng phát những thông tin có giá trị định hướng nhận thức, tư tưởng, vun bồi tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp, đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận