Trong tháng 6 này, nước tại Cầu Đỏ liên tục nhiễm mặn khiến nguồn sản xuất nước thô gặp khó. Đà Nẵng cũng nhiều lần có văn bản kêu cứu - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trong hai tháng qua, nguồn nước thô tại cửa thu nước ở sông Cẩm Lệ, đoạn qua Cầu Đỏ liên tiếp bị khiến việc sản xuất nước thô cho Đà Nẵng gặp khó. Nhiều nơi trong thành phố phải triển khai đặt các bồn cố định để người dân lấy nước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Lê Công Thành đã có công văn gửi các chủ hồ chứa nêu rõ nội dung, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng về việc chỉ đạo các thủy điện đầu nguồn vận hành xả nước theo lịch đến hết tháng 8.
Cụ thể, đối với hồ thủy điện A Vương, mỗi ngày vận hành liên tục không ít hơn 12 giờ/ngày với lưu lượng 20-30m3/s (từ ngày 27-5 đến 10-6) và lưu lượng trung bình ngày từ 15-20m3/s (từ 11-6 đến 31-8).
Thủy điện A Vương tích nước - Video: NGÔ QUANG
Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng cho biết qua theo dõi số liệu vận hành các hồ chứa thủy điện từ đầu tháng 6 đến nay cho thấy hồ thủy điện A Vương nhiều ngày vận hành không đúng quy định.
Trong đó, một số ngày tổng lưu lượng xả rất nhỏ, chỉ ở các mức 2,6m3/s; 3,2m3/s; 5m3/s; hoặc 10,2m3/s - tức thấp hơn nhiều lần so với chỉ đạo của bộ.
Sở nhận định do triều cường kết hợp vận hành hồ chứa thủy điện A Vương không đúng quy định đã gây nhiễm mặn nặng nguồn nước cấp sinh hoạt tại TP Đà Nẵng.
Trong tháng 6, có nhiều thời điểm TP Đà Nẵng phụ thuộc vào nguồn nước thô từ trạm bơm An Trạch. Nguồn nước này ở xa nhà máy, nhiều thời điểm năng suất không đủ đáp nhu cầu dùng nước thô cho toàn thành phố - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Xuân Thế - phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương - thừa nhận có việc hồ chứa không xả nước đúng như chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - môi trường.
Theo ông Thế, hiện nay Bộ Công thương quy định không được tách nhà máy phát điện nào ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh.
Việc chạy phát điện, hòa lưới như thế nào đều phụ thuộc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) dựa trên mức độ tính toán cân đối an ninh năng lượng trên toàn quốc.
"Không đợi đến khi tỉnh Quảng Nam hay Bộ Tài nguyên - môi trường có công văn chúng tôi mới hành động. Lâu nay giữa chúng tôi và Dawaco cũng thường xuyên trao đổi qua lại bằng điện thoại mỗi khi hạ du gặp khó về nguồn nước.
Mỗi khi họ đề nghị, chúng tôi cũng đã báo cáo lên A0 để họ tính toán, hỗ trợ hạ du. Nhưng trong tình thế hiện nay việc vận hành phải theo chỉ đạo của A0" - ông Thế nói.
Bồn tiếp nước được triển khai ở một địa điểm thiếu nước quận Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ông Thế cho rằng việc chọn "nghe" theo bộ và địa phương "đứng chân" hay theo A0 trong trường hợp này vẫn là một khiếm khuyết cần bổ sung trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn 1537 của Thủ tướng Chính phủ mà thủy điện A Vương nhiều lần kiến nghị.
Trước tình hình nắng nóng, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố, ngày 19-6 vừa qua A Vương đã có công văn gửi A0 báo cáo về tình hình nguồn nước hiện có tại hồ A Vương và đề nghị A0 hỗ trợ lập kế hoạch vận hành với lưu lượng trung bình ngày tối thiểu 25m3/s nhằm mục đích khai thác hiệu quả nguồn nước trong hồ và tăng cường nâng cao mực nước Ái Nghĩa phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận