Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trao đổi với các đại biểu trong một hội thảo về giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại với phụ nữ, trẻ em - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Dựa trên kết quả dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng", TP triển khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh và tư vấn về bảo vệ trẻ em.
Có 4 đầu mối thông tin mà phụ huynh và các em có thể liên hệ gồm: tổng đài thoại (0236) 1022 - nhánh số 6: hoạt động 24/24 giờ; cổng Góp ý Đà Nẵng (https://gopy.danang.gov.vn/); fanpage Zalo "Tổng đài 1022 Đà Nẵng" (chuyên mục Bảo vệ trẻ em) và fanpage Facebook "Tổng đài 1022" với ứng dụng Chatbot tương tác, cung cấp thông tin tự động.
Theo bà Nguyễn Lê Hồng Phúc - quản lý dự án của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, việc có nhiều kênh tương tác đa dạng, đặc biệt là các kênh online (mạng xã hội Facebook, Zalo…) rất phù hợp với xu hướng tương tác trên mạng của thanh thiếu niên hiện nay.
"Internet mang đến cơ hội và đổi thay tất cả mọi người, thế nhưng cũng chính nơi đây là môi trường để rất nhiều kẻ có ý xấu tác động đến trẻ con. Nếu chẳng may những điều không hay ho về trẻ được đưa lên mạng thì nó sẽ ảnh hưởng đến các cháu suốt đời về sau. Do vậy, việc phòng ngừa, hướng dẫn các cháu sử dụng mạng xã hội đúng cách là một trong những nội dung rất quan trọng", bà Phúc nói.
Mô hình hoạt động của Đà Nẵng là tổng đài 1022 sẽ cung cấp, tư vấn, giải đáp thông tin các văn bản, quy định, chính sách, các hướng dẫn, khuyến nghị về công tác bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền lợi trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em…
Đồng thời, tư vấn cho các bậc phụ huynh về các ứng dụng phần mềm quản lý việc truy cập Internet của con em mình nhằm ngăn ngừa trẻ em và thanh thiếu niên tiếp cận các thông tin xấu, có hại, góp phần bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng.
Riêng đối với các yêu cầu cần sự tư vấn, tham vấn chuyên sâu về tâm lý, pháp luật, các trường hợp trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trường hợp trẻ cần được áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp thì tổng đài 1022 sẽ liên thông với Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tại Đà Nẵng để phối hợp xử lý.
64 vụ xâm hại trẻ em
Đà Nẵng được đánh giá là địa phương "điểm sáng" so với các nơi về việc thực hiện các chương trình phòng chống xâm hại trẻ em, là 1 trong 2 địa phương có trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội hoạt động tốt trên cả nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo trong buổi làm việc với đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em từ năm 2015 đến tháng 6-2019, tại địa phương này xảy ra 64 vụ xâm hại trẻ em, tập trung ở các hình thức cố ý gây thương tích và xâm hại tình dục. Có 65 trẻ em là nạn nhân bị xâm hại (49 trẻ em gái).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận