16/04/2025 18:20 GMT+7

Đà Nẵng sẽ là thành phố rộng nhất trong 6 thành phố trực thuộc trung ương

Đà Nẵng mới sau khi sáp nhập sẽ là thành phố rộng nhất nước. Đây cũng là thành phố có bờ biển dài nhất và có tới 2 sân bay.

ĐÀ NẴNG - Ảnh 1.

Đà Nẵng mới sau khi hợp nhất sẽ được bổ sung nhiều nguồn lực, tỉ trọng các khu vực kinh tế sẽ cân đối lại, không phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch, dịch vụ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Diện tích Đà Nẵng sau sáp nhập sẽ gấp đôi TP.HCM

Hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng mới là thành phố rộng nhất nước ta.

Với việc nhập toàn bộ tỉnh có diện tích lớn thứ 6 cả nước (Quảng Nam có diện tích 10.574,86km²), diện tích Đà Nẵng sẽ lên tới hơn 12.869km².

Với các thành phố mới hợp nhất từ 3 tỉnh, thành diện tích cũng không bằng thành phố Đà Nẵng.

Theo nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, TP.HCM mới sau khi hợp nhất với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương (diện tích khoảng 6.772km²) cũng chỉ bằng khoảng 1/2 diện tích Đà Nẵng.

Hay trường hợp thành phố Cần Thơ mới sau khi hợp nhất với tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang, diện tích cũng khoảng 6.360km².

Thành phố Hải Phòng sau khi hợp nhất tỉnh Hải Dương có diện tích 3.194km².

ĐÀ NẴNG - Ảnh 2.

Đà Nẵng không chỉ là thành phố có bờ biển dài nhất nước ta, mà còn là thành phố có diện tích rộng nhất nước - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thành phố có 2 sân bay ở trung tâm và ngoại ô

Không những diện tích tự nhiên lớn, Đà Nẵng cũng sẽ là thành phố có bờ biển dài nhất nước ta với chiều dài khoảng 200km (nếu tính luôn đường quanh bán đảo Sơn Trà) nối từ Lăng Cô tới Bình Sơn.

Đà Nẵng cũng sẽ có tới 2 sân bay lớn gồm sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Nếu tính theo quy mô kinh tế năm 2024, Đà Nẵng mới có quy mô hơn 280.000 tỉ đồng.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc sáp nhập thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ tạo ra một khu vực kinh tế rộng lớn với các lợi thế về công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp. Nếu sáp nhập theo phương án nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Đà Nẵng sẽ là địa phương có nền kinh tế lớn nhất miền Trung.

ĐÀ NẴNG - Ảnh 3.

Một góc Khu kinh tế Chu Lai, sẽ bổ sung nguồn lực công nghiệp lớn cho Đà Nẵng mới - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bổ trợ nguồn lực cho Đà Nẵng vốn nghiêng về du lịch, dịch vụ

Theo các chuyên gia, với quy mô kinh tế không quá chênh lệch nhau, tuy nhiên có khác biệt lớn về tỉ trọng thì khi sáp nhập sẽ bổ sung nguồn lực cho nhau để phát triển.

Cụ thể, Quảng Nam có quy mô gần 129.000 tỉ đồng với cơ cấu dịch vụ chiếm tỉ trọng 34,7%, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 13,8%, công nghiệp và xây dựng chiếm tỉ trọng 33,5%, thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm chiếm tỉ trọng 17,9%.

Đà Nẵng có quy mô hơn 151.000 tỉ đồng với tỉ trọng nghiêng về khu vực dịch vụ, du lịch với tỉ trọng lên tới 71,14%; khu vực công nghiệp - xây dựng 18,50%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,59%.

Đà Nẵng sẽ 'không phải dạng vừa' thế nào sau khi nhập với Quảng Nam? - Ảnh 5.Thành phố Đà Nẵng mới sẽ có tới 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận

Thành phố Đà Nẵng mới sau khi sáp nhập tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng hiện nay có 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên