11/10/2015 05:44 GMT+7

​Đà Nẵng không mất sân Chi Lăng

VIỆT HÙNG - ĐẶNG NAM
VIỆT HÙNG - ĐẶNG NAM

TT - Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng Đà Nẵng sau hơn bốn năm “trôi nổi”, mới đây chính quyền TP này mới phát đi thông báo giữ lại sân Chi Lăng để phục vụ các hoạt động thể thao.

SVĐ Chi Lăng đang xuống cấp sẽ được sửa chữa để đưa vào thi đấu ở V-League 2016    - Ảnh: V.Hùng
SVĐ Chi Lăng đang xuống cấp sẽ được sửa chữa để đưa vào thi đấu ở V-League 2016 - Ảnh: V.Hùng

Thông tin trên làm nức lòng người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng. Thế nhưng hiện vấn đề nan giải, khiến nhiều quan chức của TP này đau đầu là quyền sở hữu sân Chi Lăng (sân này đã bán cho Tập đoàn Thiên Thanh và hiện là tài sản trong một vụ án). Trong khi đó khu liên hợp thể thao Hòa Xuân với quy hoạch hai SVĐ lại đang trong cảnh trễ nải.

Khi nghe tin TP cho giữ lại sân Chi Lăng, người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng vui không thể tả xiết vì đó là mong muốn của người Đà Nẵng nhiều năm nay
Ông TRẦN VĂN HỒNG (chủ tịch Hội CĐV bóng đá SHB Đà Nẵng)

Vui vì sân Chi Lăng không mất

Đầu năm 2011, chính quyền TP Đà Nẵng quyết định chuyển giao khu đất “vàng” sân Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh để xây dựng trung tâm thương mại... khiến người dân không đồng tình. Quyết định bán sân Chi Lăng đã khiến đội bóng SHB Đà Nẵng rơi vào cảnh thấp thỏm bởi nỗi lo không biết mùa giải sau họ có còn được thi đấu trên sân Chi Lăng hay không.

Sau khi mua, Tập đoàn Thiên Thanh đã lấy khu hành chính của sân Chi Lăng làm trụ sở, đồng thời các hoạt động tập luyện điền kinh, nơi ở của VĐV đều được thu hồi. Sân Chi Lăng từ đó không được tu bổ, sửa sang nên từng ngày xuống cấp, xập xệ, mái ngói khán đài A bong tróc không ai ngó ngàng sửa chữa. Đùng một cái, tháng 7-2014 chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt, sân Chi Lăng trở thành tài sản liên quan vụ án và bị phong tỏa.

Giờ đây số phận sân Chi Lăng không rõ sẽ đi về đâu. Và hằng ngày người Đà Nẵng vẫn hóng tin về số phận của sân Chi Lăng mỗi khi có thông tin về Tập đoàn Thiên Thanh. Bất ngờ, cuối tháng 9 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thông báo TP sẽ sử dụng sân Chi Lăng ít nhất năm năm nữa. Theo đó, TP cũng chỉ đạo cho lắp đặt lại mái che, ghế ngồi và cải tạo một số hạng mục cơ bản của sân để tiếp tục khai thác. 

Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Nguyễn Phúc Linh cho biết quyết định giữ lại “thánh địa” Chi Lăng của lãnh đạo TP rất hợp lòng dân, là ước muốn của hàng vạn người hâm mộ và nhận được sự đồng tình cao của nhiều cán bộ, nhân dân Đà Nẵng. 

Hiện sở đang lên dự toán kinh phí sửa chữa để vào mùa giải mới sân Chi Lăng khang trang hơn.

Chi Lăng không mất, Đà Nẵng “bội thực” sân vận động

Ngay sau khi bán sân Chi Lăng vào năm 2011, chính quyền TP đã lập dự án khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) với tổng vốn đầu tư lên đến gần 4.500 tỉ đồng, bao gồm hai SVĐ (một sân 20.000 chỗ ngồi và sân 40.000 chỗ ngồi được thiết kế ấn tượng với mái vòm biểu tượng rồng bay), hai sân bóng đá ngoài trời, khu sân tennis, khu nhà nghỉ của chuyên gia và VĐV, hạ tầng các môn thể thao dưới nước và Trung tâm huấn luyện đào tạo VĐV có tổng vốn đầu tư trên 4.377 tỉ đồng.

Thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, sau hơn bốn năm triển khai xây dựng, dự án khu liên hợp này vẫn còn quá ngổn ngang. Trên bãi đất trống hàng trăm hecta chỉ trơ trọi mỗi một SVĐ 20.000 chỗ ngồi.

Theo ông Nguyễn Phúc Linh, dự án khu liên hợp có quy mô quá lớn nên phía trung ương chưa có ý kiến về dự án, chưa thẩm định vốn đầu tư. Đến nay trung ương chưa cấp được đồng nào bởi dự án mới làm ở cấp TP chứ chưa trình ra trung ương. “Việc xây dựng khu liên hợp Hòa Xuân nằm trong quy hoạch, chiến lược xây dựng thể thao trọng điểm ở miền Trung, vì thế mới xin vốn trung ương” - ông Linh cho biết.

Việc xây dựng hai SVĐ ở Hòa Xuân có lãng phí hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Linh cho rằng TP có hai SVĐ hoạt động song song chứ không phải “có sân này thì bỏ sân kia”. 

Trong khi đó theo một cựu lãnh đạo TP, nếu TP lấy lại được SVĐ Chi Lăng thì Đà Nẵng sẽ có tất cả ba sân bóng lớn (sân 40.000 chỗ quy hoạch trong tương lai) và như vậy chắc chắn Đà Nẵng sẽ “bội thực” SVĐ.

Còn ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng nếu lấy lại sân Chi Lăng thì ở Hòa Xuân chỉ triển khai xây dựng thêm sân 20.000 chỗ ngồi, còn sân 40.000 chỗ sẽ “xóa sổ”. 

Theo ông Thơ, sân Chi Lăng không chỉ phục vụ hoạt động bóng đá mà còn rất nhiều sự kiện khác nữa. Hiện việc trung ương bố trí thêm 2.000 tỉ đồng chắc chắn là không có, vì thế hiện TP chỉ tập trung hoàn thành sân 20.000 chỗ và một số hạng mục phụ trợ khác, đủ để phục vụ nhu cầu trước mắt 5 - 7 năm nữa. 

   Ông Huỳnh Đức Thơ -
   Ảnh: V.Hùng

Sân Chi Lăng đang bị thế chấp ở ngân hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết sân Chi Lăng hiện thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Tuy nhiên, giờ Thiên Thanh không còn quyền định đoạt nữa, mà nó thuộc về ngân hàng nhận thế chấp.

Ông Thơ nói: “Hiện sân Chi Lăng đã được cầm cố, thế chấp tại Ngân hàng Xây dựng VN và ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng, nên tài sản thế chấp đó hiện ở trong tay Ngân hàng Nhà nước. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) dự án khác với sổ đỏ của nhà mình ở. Giá trị của sổ đỏ đó gắn liền với nghĩa vụ thực hiện các quy định theo Luật đất đai để triển khai dự án. Căn cứ theo quy định của Luật đất đai, quá thời hạn đó hoặc nhà đầu tư vi phạm những vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất thì TP tiến hành thu hồi. Việc TP thu hồi vẫn bình thường, còn những ai có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ giải quyết việc đó”.

* Sắp tới nếu tòa tuyên sân Chi Lăng vẫn của Thiên Thanh hoặc của ngân hàng nào đó, trong khi TP đã bỏ tiền cải tạo lại mặt sân, mái che phục vụ cho mùa giải tới thì sao?

- Dẫu sau này có thuộc bất cứ ai thì TP không quan tâm. Chủ đầu tư là Thiên Thanh phải chịu trách nhiệm trước UBND TP Đà Nẵng về triển khai dự án. TP biết Thiên Thanh, còn Thiên Thanh phải chịu trách nhiệm với ngân hàng là câu chuyện khác. Tập đoàn Thiên Thanh chịu trách nhiệm trước ngân hàng thì việc đó họ tính với nhau, tự dàn xếp với nhau. Còn về quản lý nhà nước trên địa bàn, theo Luật đất đai thì dự án không triển khai, TP sẽ trình tự xử lý theo đúng quy định pháp luật là tiến tới thu hồi.

* Nếu sau này ngân hàng phát mãi, đấu giá, TP sẽ xử lý thế nào, thưa ông?

- Nếu sau này ai mua lại sân Chi Lăng thì cũng phải triển khai làm dự án (khu thương mại cao cấp). Tuy nhiên theo tôi nhận định: hiện hiếm nhà đầu tư nào có năng lực để triển khai đúng như quy hoạch ban đầu. Khoản tiền trúng đấu giá không quan trọng bằng số tiền phải bỏ ra đầu tư rất lớn, nên việc thu hồi, trả lại sân Chi Lăng là rất khả quan. Còn nếu có nhà đầu tư nào vẫn kiên quyết đấu giá, theo đuổi dự án thì lúc đó TP sẽ làm việc với họ. Nếu họ quyết tâm làm thì TP sẽ hỗ trợ để họ làm và TP dành tiền để đầu tư cho thật ngon lành sân 20.000 chỗ ngồi ở Hòa Xuân.

* Được biết Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách TP gần 1.400 tỉ đồng tiền đất. Muốn giữ lại sân Chi Lăng, TP sẽ xử lý tài chính thế nào?

- TP không có trách nhiệm trả cho nhà đầu tư theo giá thị trường vì TP không vi phạm, lỗi là do không triển khai dự án, TP không chịu trách nhiệm phải bồi thường, hoàn trả. TP sẽ bàn bạc, tính toán việc hỗ trợ nhà đầu tư như thế nào đó nhưng sẽ không tới cái giá đó.

 

VIỆT HÙNG - ĐẶNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên