Bà Trương Thị Liễu - trưởng bếp quán cơm Nụ Cười - Ảnh: Tấn Lực |
Giữa cái nắng hầm hập ban trưa, phần cơm với đầy đủ thịt, canh, rau... xoa dịu bớt nỗi nhọc nhằn của những phận đời khốn khó.
Luôn tay phụ giúp tình nguyện viên lau chùi bàn ghế phục vụ bữa trưa, chị Trần Thị Minh Nguyệt (39 tuổi), đồng sáng lập quán cơm Nụ Cười tại Đà Nẵng, hồ hởi khoe vừa có một nhà hảo tâm đề nghị hỗ trợ lợp laphông cho quán được mát mẻ hơn. Quán mới dựng trên mảnh đất do UBND P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu giao sử dụng không thu phí, được lợp tạm bằng mấy tấm tôn nên rất nóng nực.
Dù vậy, vào các ngày thứ hai, tư, sáu hằng tuần, đây là nơi tề tựu của hơn 130 hoàn cảnh khó khăn để được phục vụ bữa trưa 2.000 đồng.
Chị Nguyệt nói từ lâu đã ấp ủ ý định làm một việc gì đó để chia sẻ với người nghèo. Đến khi biết được mô hình quán cơm Nụ Cười tại Sài Gòn chuyên phục vụ người bán vé số và giới xích lô, xe thồ thì chị như được truyền cảm hứng.
Mất ba năm chuẩn bị, đến đầu năm 2015 chị Nguyệt viết thư gửi vào Sài Gòn xin được sử dụng thương hiệu quán cơm Nụ Cười tại Đà Nẵng và được chấp thuận.
Sau một thời gian hoạt động trên đường Phan Thanh, Q.Thanh Khê, do tiền thuê mặt bằng quá đắt đỏ nên quán chuyển về đường Ngô Gia Tự.
Quán Nụ Cười hoạt động bằng sự trợ giúp từ đội ngũ tình nguyện viên là sinh viên các trường lân cận và cả... người nhà. Bà Trương Thị Liễu (65 tuổi - mẹ chị Nguyệt) là đầu bếp chính của quán.
Lúc đông khách, các tình nguyện viên tự nguyện nhường suất ăn của mình. Quán có một nguyên tắc là chỉ nhận hỗ trợ bằng hiện vật như gia vị, gạo hoặc thịt, rau... mà không nhận tiền.
Quán cũng không kêu gọi hỗ trợ, mọi khoản đóng góp đều do các nhà hảo tâm tự nguyện tới đặt vấn đề. Chị Nguyệt bảo nguyên tắc đó giúp hoạt động của quán được minh bạch, tránh các rắc rối về sau.
Ông Võ Trường Anh, chủ tịch UBND P.Hải Châu 1, nói rằng ông phải tranh thủ “lôi kéo” quán cơm Nụ Cười về đóng tại phường và hỗ trợ mặt bằng khi hay tin những nơi khác ngỏ ý mời. “Chúng tôi muốn chung tay giảm bớt khó khăn cho người dân nghèo trên địa bàn và người lao động thập phương” - ông cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận