Một trạm xe buýt trợ giá ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Cụ thể 6 tuyến trợ giá mới sẽ được mở với lộ trình gồm: Tuyến R4A: Cảng sông Hàn –Hòa Tiến; Tuyến R6A: Bến xe trung tâm – Khu du lịch Non Nước; Tuyến R14: Trung tâm thành phố (Công viên 29/3) – Khu Công nghệ cao;
Tuyến R15: Bến xe Trung tâm – Thọ Quang; Tuyến R16: Kim Liên – Cao đẳng Việt Hàn; Tuyến R17A: Cảng Sông Hàn – Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.
Hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 6 tuyến xe buýt trợ giá đang hoạt động, kết nối những khu vực: quận Liên Chiểu, bến xe phía Nam, Làng đại học Hòa Quý, Công viên Biển Đông, đường Hoàng Sa với các khu vực trung tâm thành phố.
Bên trong một xe buýt trợ giá tại Đà Nẵng với chất lượng phục vụ và trang bị tốt - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Việc đưa vào hoạt động thêm 6 tuyến mới giúp thành phố thực hiện mục tiêu dài hạn giảm lượng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khi đô thị ngày càng phát triển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thời gian hoạt động của các tuyến là từ 5h30 đến 21h hằng ngày, với tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào giờ bình thường.
Giá vé 5.000 đồng/lượt, vé tháng dành cho hành khách được ưu tiên có giá 45.000 đồng/tháng, và không được ưu tiên có giá 90.000 đồng/tháng.
Theo Sở GT-VT Đà Nẵng, với tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân ngày càng cao (ôtô tăng bình quân 12%/ năm và xe máy 10,5%/ năm), trong giai đoạn sau năm 2020 nhiều khả năng thành phố này sẽ gia nhập "câu lạc bộ kẹt xe" với hai thành phố lớn ở 2 đầu đất nước.
Do vậy, địa phương này đang đẩy mạnh việc khuyến khích công chức và người dân sử dụng phương tiện xe buýt.
Theo ghi nhận, các xe buýt này đều được trang bị mới khá tốt gồm tivi và chỗ ngồi cho người khuyết tật... Ngoài ra, việc cập nhật lộ trình xe cũng có thể được thực hiện dễ dàng ứng dụng di động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận