Trong chuỗi hoạt động Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024, hội nghị xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn ra sáng 30-8 với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Tập trung phát triển nhân lực
Hội nghị đã cùng trao đổi về các tiềm năng, lợi thế của thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và các giải pháp Đà Nẵng cần triển khai nhằm khai thác tối đa thế mạnh.
Tại hội nghị, bà Susan Burns, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Đà Nẵng đang thu hút sự chú ý toàn cầu nhờ vị trí chiến lược, nhân lực chất lượng cao.
Hoa Kỳ nhận ra tầm quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng và mong muốn tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn tại Đà Nẵng.
"Điều quan trọng nhất là Việt Nam cần lực lượng lao động đẳng cấp thế giới. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết thách thức mà ngành bán dẫn đang đối mặt hiện nay, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn bền vững sáng tạo", bà Susan Burns nói.
Ông Trịnh Khắc Huề, tổng giám đốc Qorvo Việt Nam, chia sẻ Đà Nẵng là nơi lý tưởng để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hiện nay phía Qorvo Việt Nam đang tiếp tục tìm hiểu, làm việc với thành phố trong việc phát triển vi mạch bán dẫn.
Ông Huề cho rằng điểm mấu chốt để Đà Nẵng thành công là cần phát triển nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao. Việc kiên trì đào tạo sẽ giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của Việt Nam và xa hơn là thế giới.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Đạm, tổng giám đốc Marvell Việt Nam, cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Theo ông, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học… trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kỹ thuật về công nghệ mới. Chỉ có như vậy mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới.
Nhiều chính sách thu hút đầu tư
Trước những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết nghị quyết 136 vừa được Quốc hội thông qua có các cơ chế chính sách đặc thù cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được trao chính sách này.
Các chính sách tập trung vào miễn thuế thu nhập cá nhân, chi phí đào tạo, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc tại thành phố, chính sách mua sắm thiết bị…
"Hy vọng các chính sách này là động lực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng muốn nhà đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu về vốn, cam kết đồng hành lâu dài với thành phố, đào tạo nguồn nhân lực và cam kết trong chuyển giao công nghệ.
Muốn đi nhanh cần đi với nhau. Nhất là trong ngành này không một quốc gia, một địa phương nào có thể một mình mà phát triển được", ông Quảng nhấn mạnh.
Ông Bùi Hoàng Phương, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đề xuất Đà Nẵng cần sớm nghiên cứu và xây dựng các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố để cụ thể hóa các nội dung quy định tại nghị quyết 136 vào thực tế, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025.
Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, dự án nêu tại đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo TP Đà Nẵng. Đà Nẵng cần hoàn thành mục tiêu đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận