Sức hút thương hiệu, hạ tầng và quỹ đất
Việc Đà Nẵng xin thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai lấy ý kiến.
Dự thảo đang lấy ý kiến này cũng đánh giá Đà Nẵng có những điều kiện phù hợp để trở thành nơi đầu tiên ở cả nước áp dụng mô hình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho biết mô hình trung tâm tài chính hải ngoại chưa từng triển khai ở Việt Nam.
Chọn Đà Nẵng là nơi thí điểm phù hợp với định hướng trong nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, xác định tầm nhìn đến năm 2045 thành phố trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
So với các địa phương khác trong cả nước, Đà Nẵng có sức hấp dẫn khi là điểm đến đẳng cấp khu vực và châu lục về du lịch và dịch vụ nghỉ dưỡng.
Một số chuyên gia nhận định đây cũng là điểm khác biệt lớn của Đà Nẵng và TP.HCM khi xây dựng trung tâm tài chính.
Đà Nẵng có lợi thế kết hợp với các hoạt động dịch vụ tiện ích khác như nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí, tạo điểm nhấn khác biệt cho du khách và nhà đầu tư quốc tế.
Công nghệ tài chính (fintech) hiện là xu hướng của phát triển dịch vụ tài chính trên thế giới. Đà Nẵng cũng có những điều kiện hạ tầng, môi trường sống, chất lượng nguồn nhân lực phù hợp để hình thành trung tâm tài chính theo xu hướng hiện nay.
Ngoài ra, Đà Nẵng có nền kinh tế số với tỉ trọng đóng góp cao cho tăng trưởng GRDP thành phố, cùng quỹ đất sạch 6,1ha đã được quy hoạch làm trung tâm tài chính ở quận Sơn Trà.
Xây dựng lộ trình Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng
Ngoài việc liên tục đẩy mạnh xúc tiến thành lập Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, cuối năm 2023 UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng lộ trình thành trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm công nghệ tài chính (fintech) của quốc gia vào năm 2045.
Mô hình Trung tâm tài chính Đà Nẵng gồm 3 cấu phần: trung tâm tài chính hải ngoại (offshore) thu hút các nhà đầu tư quốc tế thành lập định chế tài chính, tổ chức thị trường cung cấp dịch vụ offshore mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước - khu vực.
Cấu phần thứ hai là fintech cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù, kết nối dịch vụ fintech và tài trợ các start-up trong lĩnh vực kinh doanh khác.
Cấu phần cuối cùng là các hoạt động phụ trợ phục vụ hoạt động tài chính trong trung tâm cùng dịch vụ tiện ích khác.
Lộ trình đưa ra trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cứng như văn phòng, khu phức hợp và hạ tầng mềm như tài chính, công nghệ thông tin, thu hút các định chế tài chính quốc tế và nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng thế giới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá việc thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng, theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại có thể áp dụng ngay để tận dụng các lợi thế hiện tại của Việt Nam.
Mô hình này cho phép Đà Nẵng vừa triển khai, vừa nghiên cứu để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Qua đó, dần hướng đến việc hình thành một trung tâm tài chính quốc tế hoàn chỉnh nếu được xây dựng thành công trong giai đoạn tới.
Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu
Vừa qua Đà Nẵng đề xuất 27 chính sách bao gồm 21 chính sách tương tự các địa phương, trong đó có 11 chính sách tương tự hoàn toàn và 10 chính sách có điều chỉnh, bổ sung. Bên cạnh đó, 6 chính sách được đề xuất mới theo thực tế của thành phố.
Trong đó Đà Nẵng đề xuất thí điểm lập khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế.
Đây là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư và được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho Đà Nẵng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận