26/03/2014 17:02 GMT+7

Đà Nẵng có đúng là thành phố đáng sống?

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Sáng 26-3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ và Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến cùng lãnh đạo các sở ban ngành của TP đã có buổi đối thoại với thanh niên nhân ngày thành lập Đoàn.

oF5ctGHH.jpgPhóng to
Ông Trần Thọ, bí thư Thành ủy Đà Nẵng (phải) và ông Võ Công Trí, phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tại buổi đối thoại - Ảnh: Hữu Khá

Tại buổi đối thoại, đông đảo thanh niên đã nêu ra băn khoăn về tên gọi “thành phố đáng sống” mà lâu nay người dân và khách du lịch hay ưu ái dành cho Đà Nẵng. Đà Nẵng có xứng đáng với tên gọi đó không? Tiêu chí của thành phố đáng sống là gì?

Không có việc làm, có phải là đáng sống?

Đại biểu Mai Thị Thanh Đoan, bí thư Đoàn Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng, nói: “Bạn bè tôi ở các tỉnh thành khác gọi Đà Nẵng mình là TP đáng sống. Nhưng một TP mà sinh viên ra trường phải vào Nam tìm cơ hội việc làm có phải là đáng sống không? Thành phố đáng sống không phải là thành phố chỉ để du khách đến hưởng thụ và tiêu tiền. Tôi nghĩ thành phố đáng sống phải là nơi có những điều kiện tốt cho dân mình làm ăn, sinh sống”.

YuyBNFW9.jpg
Đại biểu Mai Thị Thanh Đoan, bí thư Đoàn Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng, đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm hơn đến vấn thanh niên bỏ quê vào các tỉnh phía Nam lập nghiệp - Ảnh: Hữu Khá

Chia sẻ thắc mắc của đại biểu Đoan, ông Trần Thọ nói: “Thành phố đáng sống sẽ có nhiều tiêu chí lắm. Mà nói thật thành phố đáng sống là làm sao từ trẻ con đến người già phải được chăm lo chu đáo từ cái ăn, chỗ ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí. Từ những tiêu chí đó, mình đối chiếu coi Đà Nẵng đã đạt các ngưỡng đó chưa? Theo tôi là chưa đâu. Đời sống, thu nhập của dân thành phố so với cả nước thì có khá hơn nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp lắm. Về nhà ở, Đà Nẵng vẫn còn gần 900 căn nhà đang xuống cấp, đến mùa mưa bão là lo. Thành phố đáng sống thì không phải đêm đến khóa cửa nhà nằm ngủ mà cứ lo sợ trộm cắp, ma túy vẫn còn nhiều”.

Ông Thọ dẫn chứng câu chuyện kém văn hóa mà ông chứng kiến để nói rằng người dân thành phố còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa: “Hôm rồi tôi đi đường thấy có anh lái taxi đứng tiểu ngay gần cầu sông Hàn. Quả thật lúc đó anh này không ngượng nhưng khiến người chứng kiến ngượng lắm. Cứ nghĩ đây là trường hợp cá biệt, nhưng hôm sau tôi lại thấy tiếp một trường hợp khác tương tự nên tôi ghi lại số xe rồi điện thoại cho giám đốc hãng taxi, từ đó trở đi không có anh lái xe nào dám tiểu ở khu vực này cả”.

Ông Thọ cho biết “thành phố đáng sống” là mục tiêu để Đà Nẵng phấn đấu chứ hiện nay vẫn còn một khoảng cách xa để đạt mục tiêu.

Ông Thọ cũng nói rằng thành phố luôn tạo mọi điều kiện, lắng nghe và đón nhận những ý tưởng của thanh niên. Hầu hết ý tưởng, cách làm mới ở các sở ngành vừa qua điều do lực lượng thanh niên nghĩ ra.

Vì vậy thanh niên là lực lượng đi đầu để nâng cao hơn nữa ý thức xây dựng hình ảnh con người thân thiện với du khách cũng như giữa người Đà Nẵng với nhau.

Lao động giá rẻ là nỗi đau

Liên quan đến câu chuyện “nụ cười với du khách” mà đại biểu Trần Gia Thông (Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng) nêu ra, ông Bùi Văn Tiếng, trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, nói: “Các bạn nêu ra câu chuyện nụ cười của người dân Đà Nẵng khi tiếp xúc với du khách. Các bạn nói khi ta nở nụ cười thì du khách đánh giá chúng ta là người thân thiện? Điều đó có hoàn toàn đúng không? Tôi cho rằng chưa chắc đã đúng. Chúng ta cười với du khách ở nơi khác đến, nhưng chúng ta có cười với nhau, những người dân ngày ngày tiếp xúc, va chạm với chúng ta trong công việc không. Khách du lịch bây giờ họ tinh tế lắm, mình cười cởi mở khi tiếp xúc với họ thì họ hài lòng. Còn để họ đánh giá chúng ta có thân thiện hay không thì họ quan sát xem người bản địa có thân thiện với nhau không nữa. Hay là mình tiếp xúc với khách thì mình cười để giả làm đẹp, còn mình với mình chỉ va chạm nhỏ là nổi khùng lên với nhau”.

Về nỗi lo TP Đà Nẵng đang quá chú trọng việc chiêu hiền đãi sĩ thu hút người tài toàn là thầy nhưng không có thợ, ông Tiếng thừa nhận: “Đó là thực trạng đáng lo ngại nhất hiện nay không riêng gì Đà Nẵng, mà trở thành vấn đề bức xúc của cả nước. Mình đừng có tự hào là nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam vì họ lựa chọn Việt Nam bởi giá lao động rẻ. Đó là nỗi đau các bạn à. Mình thấy họ vào đây đầu tư mà nguồn lao động mình chất lượng, giá đắt thì mới đáng tự hào. Kiểu đào tạo, tuyển dụng quá chú trọng đến thu hút “thầy” mà không xem trọng “thợ” là một báo động của nền giáo dục. Điều mà tôi lo sợ hơn là đến một lúc chúng ta đào tạo thầy không ra thầy mà thợ cũng không ra thợ”.

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên