Bệnh viện C Đà Nẵng đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân mới sau khi bệnh nhân 416 có kết quả dương tính với COVID-19 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Từ chiều nay 26-7, Đà Nẵng - thành phố du lịch - sẽ tạm dừng đón khách du lịch trong 14 ngày. Đà Nẵng cũng có hàng loạt biện pháp như cho học sinh nghỉ học, dừng các hoạt động không thiết yếu. Nhưng đó có phải là giãn cách xã hội?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Xuân Tuyên - thứ trưởng Bộ Y tế, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 - cho biết vẫn chưa phải là giãn cách xã hội toàn thành phố.
Ông cho biết: "Thủ tướng đã giao UBND thành phố Đà Nẵng căn cứ khung của Chỉ thị 16/2020, đánh giá từng khu vực nhỏ, xác định khu vực đó theo 3 mức độ để có giải pháp giãn cách xã hội cho phù hợp, chứ không phải giãn cách toàn bộ thành phố Đà Nẵng.
Ngay sau phiên họp của Thường trực Chính phủ ngày 25-7, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp, và như thông báo mới nhất là Đà Nẵng đã tạm dừng đón khách du lịch và các hoạt động không thiết yếu từ 13h hôm nay 26-7.
* Theo ông, với tình hình dịch của Đà Nẵng hiện nay, Đà Nẵng nên giãn cách ở mức độ nào là phù hợp để phòng chống dịch?
- Hiện nay chưa nên áp dụng giãn cách xã hội cho toàn thể thành phố Đà Nẵng, hoặc áp dụng cho toàn thể quận Hải Châu hoặc Liên Chiểu (quận đã ghi nhận bệnh nhân), nên chọn theo cụm dân cư, khu phố mà bệnh nhân sinh sống.
Ngay trong Bệnh viện Đà Nẵng cũng chọn khu vực Trung tâm Tim mạch, nơi bệnh nhân 416 đến chăm sóc mẹ để thực hiện giãn cách, phong tỏa theo tinh thần chỉ thị 16.
Những nơi khác khuyến cáo thực hiện theo chỉ thị 19, tức là đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, thực hiện các biện pháp để phòng bệnh, không phải giãn cách xã hội, mà gọi một cách chính xác thì đó là giãn cách nhưng đã có nới bớt, giảm bớt mức độ.
* Với khách du lịch và người dân Đà Nẵng hiện nay, ông có khuyến cáo gì để họ không hoảng loạn?
- Với khách du lịch và cả người dân Đà Nẵng, tôi đề nghị mọi người cần bình tĩnh, thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch như ra đường phải đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Đặc biệt Thủ tướng cũng đã yêu cầu thực hiện biện pháp mạnh hơn, là "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", tập trung tìm kiếm người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, 100% những người này sẽ được đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ngay.
Sáng nay chúng tôi cũng đã yêu cầu tổ công tác đang có mặt tại Đà Nẵng đi các cơ sở lưu trú và tạm trú, tìm người nước ngoài và cả người Việt Nam nhập cảnh trái phép mà không chịu đi cách ly.
* Với 2 bệnh nhân vừa phát hiện ở Đà Nẵng, theo ông, nguồn lây là ở đâu?
- Hiện nay Bộ Y tế đang chỉ đạo Tổ công tác tại chỗ xác minh, nguồn lây đến nay là chưa rõ ràng. Chúng tôi đang rà soát diện rộng tìm nguồn lây và xác định xem chủng virus mà 2 bệnh nhân 416 và 418 nhiễm phải có gì nguy hiểm, bởi cả 2 bệnh nhân đều chuyển nặng nhanh.
Hiện tổ công tác của Bộ Y tế có bà Lê Thị Quỳnh Mai - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tham gia đang ở Đà Nẵng, tổ sẽ tập trung xem chủng này có khác với chủng đã có trước đây hay không.
* Về tình hình dịch ở Đà Nẵng, so với giai đoạn ghi nhận bệnh nhân 17, ông đánh giá thế nào? Đây có phải là thời điểm dịch chuyển sang giai đoạn 3 ở Việt Nam?
- Có thể chúng ta yên tâm hơn vì hiện nay chúng ta đã có kinh nghiệm trong quá trình phòng chống COVID-19 từ khi có ca bệnh đầu tiên và cho đến nay, người dân có ý thức hơn, các biện pháp đang triển khai theo chỉ thị 19, nếu thực hiện đúng thì yên tâm. Tôi cho đây không phải là thời điểm dịch chuyển sang giai đoạn 3.
Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cả 2 bệnh nhân 416 và 418 ở Đà Nẵng đều chuyển nặng nhanh, hiện bệnh nhân 416 phải thở máy, sử dụng thiết bị tim phổi ngoài cơ thể (ECMO), lọc máu, bệnh nhân 418 phải thở máy.
Bộ Y tế đã điều tổ công tác bao gồm nhiều chuyên gia từng điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh đến Đà Nẵng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận