16/07/2017 10:24 GMT+7

Đà Nẵng: Chọn di dời dân, không chọn đóng cửa nhà máy ô nhiễm

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TTO - Chính quyền Đà Nẵng cho biết sẽ không đóng cửa hai nhà máy thép gây ô nhiễm nhiều năm vì thiếu kinh phí. Thay vào đó thành phố sẽ giải tỏa và di dời dân.

Các hộ dân ở xã Hòa Liên sinh sống xung quanh 2 nhà máy thép hứng chịu ô nhiễm suốt nhiều năm qua - Ảnh: V.HÙNG
Các hộ dân ở xã Hòa Liên sinh sống xung quanh 2 nhà máy thép hứng chịu ô nhiễm suốt nhiều năm qua - Ảnh: V.HÙNG

Đây là hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý (xã Hòa Liên, H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) Tuổi Trẻ nhiều lần phản ảnh về chuyện gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho các hộ dân xung quanh. 

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định thành phố đã quyết định phương án cuối cùng là di dời dân sinh sống xung quanh hai nhà máy thép này chứ không chọn việc đóng cửa hay di chuyển nhà máy.

Theo ông Thơ, hai nhà máy thép này xây dựng từ năm 2007, thời điểm thành phố đang “khát” đầu tư, cần phát triển công nghiệp, vị trí này lúc đó dân cư còn thưa thớt nhưng việc quản lý không tốt nên giờ dân cư gần nhà máy đông lên.

Hai nhà máy thép này gây ô nhiễm từ lâu, không chịu đựng được nữa. Nhưng muốn di chuyển 2 nhà máy thì thành phố đã tìm không ra chỗ để di dời, kinh phí lên đến 1.500 tỷ đồng. Mà ô nhiễm rồi thì đi đâu cũng ô nhiễm, lên núi cao thì ô nhiễm nguồn nước.

Ông Thơ cho hay, thành phố đã họp nhiều chỉ đạo việc giải tỏa, di dời dân, bà con đã đồng thuận, thống nhất đến nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn, lại không ngập lụt nữa.

Về kinh phí đền bù giải tỏa, tái định cư… thì hai nhà máy phải bỏ tiền ra. Còn quỹ đất sau khi giải tỏa sẽ được bán đấu giá làm đất sản xuất thương mại, kho tàng.

Nếu số tiền bán đất cao hơn số tiền hai nhà máy đã bỏ ra thì phần chênh lệch này nộp ngân sách, còn tiền bán đất ít hơn tiền bỏ ra giải tỏa, đền bù thì hai nhà máy nộp vào.

“Hiện các doanh nghiệp đang dàn xếp số tiền vài trăm tỷ đồng đó để giải tỏa, đền bù di dời dân. Còn hai nhà máy cho tồn tại nhưng dần dần thay đổi công nghệ, khắc phục ô nhiễm và có lộ trình chuyển đổi công năng chứ không còn sản xuất thép nữa”, ông Thơ nói. 

Nhiều năm qua, khoảng 400 hộ dân sinh sống xung quanh 2 nhà máy thép Dana - Úc và Dana – Ý bức xúc trước tình trạng ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn, người dân nhiều lần phản ứng tập trung chặn xe vào ra hai nhà máy.

Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại để xử lý, khắc phục ô nhiễm nhưng bất thành.

VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên