Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 18-7.
Gắn với chủ trương "5 không, 3 có" khi ông Nguyễn Bá Thanh còn là lãnh đạo, TP Đà Nẵng là địa phương sớm xây dựng nhà ở xã hội để phục vụ mục tiêu "có nhà ở".
Theo ông Lê Quang Nam - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhiều năm qua công tác phát triển nhà ở xã hội đã trở thành chủ trương, chính sách đặc thù của Đà Nẵng. Từ đó giải quyết một phần nhu cầu nhà ở và góp phần thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội thời gian qua.
Thành phố đã đầu tư ngân sách để xây dựng, đưa vào sử dụng 12.320 căn hộ, trên tổng số 15.000 căn hộ cả nước, chiếm khoảng 82%.
Ngoài ra, hiện nay thành phố đang triển khai dự án chung cư nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên quy mô 209 căn hộ, và đang thực hiện thủ tục chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá tập trung phía tây thành phố và phía tây thành phố - mở rộng (tại khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh) sang nhà ở xã hội cho công nhân quy mô 728 phòng.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng nhìn nhận về cơ bản Đà Nẵng có thể đáp ứng được các yêu cầu của Thủ tướng giao tại quyết định 338 về xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên cả nước.
Tuy nhiên, chính vì sở hữu khối lượng nhà ở thuộc tài sản công khá lớn nên cần sớm hoàn thiện các quy định, quy chế về quản lý sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để có giải pháp quản lý phù hợp.
Ông Nam cho biết trong năm 2021-2022, thành phố đã tổng rà soát tình hình sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước và đang tập trung thu hồi đối với hơn 800 trường hợp vi phạm.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thu hồi chung cư thuộc sở hữu nhà nước không còn đủ điều kiện thuê hoặc vi phạm quy chế quản lý sử dụng để bổ sung quỹ nhà bố trí thuê đối với đối tượng hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hộ giải tỏa các khu chung cư, tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước" - ông Nam nói.
Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quá trình điều chỉnh, lập các quy hoạch phân khu theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố được duyệt.
Trong đó, ưu tiên quy hoạch các khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn tại khu vực gần các khu, cụm công nghiệp mới phục vụ đối tượng công nhân.
Làm gì để tăng tốc xây nhà ở xã hội?
Theo đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường, còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, sớm giải quyết là quy định bắt buộc về việc bố trí quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn mang tính cứng nhắc, chưa phù hợp với quy mô, tính chất từng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Về thủ tục đầu tư xây dựng thì phải thực hiện thủ tục gần như tương tự dự án nhà ở thương mại, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của chủ đầu tư trong khi các chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước chưa đủ hấp dẫn, chưa khuyến khích nhà đầu tư.
Ông Cường đề xuất TP Đà Nẵng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, phân cấp cho thành phố tự xây dựng đề án và chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện. Đơn giản hóa về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhằm rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư, nhất là đối với dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận