03/09/2018 19:09 GMT+7

Đà Nẵng: Buổi đầu mang tên Thành Thái Phiên

TRƯỜNG TRUNG  - ĐĂNG NAM
TRƯỜNG TRUNG - ĐĂNG NAM

TTO - Trong tiến trình lịch sử, TP Đà Nẵng từng có một thời kỳ được mang tên vị chí sĩ yêu nước Thái Phiên, người lãnh đạo chính trong phong trào khởi nghĩa Duy Tân.

Đà Nẵng: Buổi đầu mang tên Thành Thái Phiên - Ảnh 1.

Hình ảnh ghi lại một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng...

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng danh xưng "" đã đi vào sử sách như một biểu tượng cách mạng trong buổi đầu giành chính quyền của người dân xứ Quảng năm 1945.

Việc lấy tên chính quyền Thành Thái Phiên ngoài mục đích tôn vinh người con quê hương cách mạng, còn mang biểu tượng tập hợp lực lượng quần chúng trong buổi đầu giành chính quyền

Vợ nhà nghiên cứu NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN

Tờ giấy thông hành năm 1945

Cho đến bây giờ, tư liệu lâu đời nhất và có giá trị nhất công nhận sự tồn tại của chính quyền "Thành Thái Phiên" còn lưu giữ được chính là tờ giấy thông hành đề ngày 1-9-1945 do UBND Thành Thái Phiên thuộc Việt Nam độc lập đồng minh cấp cho ông Lê Văn Hiến.

Tờ giấy thông hành này được nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn công bố trong một tác phẩm được xuất bản năm 2015.

Nội dung tờ giấy này ghi:

"GIẤY THÔNG HÀNH. Đồng chí LÊ VĂN HIẾN, bộ trưởng Bộ Lao động trong Lâm thời chính phủ, hiện đi công cán tại các tỉnh miền Nam Trung bộ và sẽ ra Bắc bộ. Vì có nhiệm vụ quan trọng, đồng chí LÊ VĂN HIẾN yêu cầu các nhân viên sở hỏa xa cũng như các tự vệ đội dọc đàng sẵn sàng giúp đỡ để cho công việc được dễ dàng.

THÁI PHIÊN ngày 1-9-1945.

ỦY BAN NHÂN DÂN THƯỜNG VỤ.

Hue".

Theo lời mô tả của ông Đàn, con dấu tròn đóng trùm lên các dòng cuối, từ chữ THÁI PHIÊN đến chữ HUE có khắc "VIỆT - NAM ĐỘC - LẬP ĐỒNG - MINH - THÀNH THÁI - PHIÊN" ở vòng tròn khung phía ngoài, còn ở giữa có ba dòng chữ, hai dòng trên bị nhòe không đọc rõ, chỉ còn dòng dưới cùng có hai chữ "CÁCH MẠNG" ở ngay trên chữ ký: "Hue".

Tuy chỉ vỏn vẹn chưa đầy 100 chữ nhưng tờ giấy thông hành đã để lại nhiều thông tin quan trọng ngay sau ngày nhân dân Quảng Nam - tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8-1945. Trong đó ít nhất có ba thông tin quan trọng liên quan đến những nhân vật lịch sử là những người con xứ Quảng là Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ và Thái Phiên.

Thông tin về ông Lê Văn Hiến trên tờ giấy thông hành này phù hợp với những tài liệu lịch sử về hoạt động của ông trước và ngay sau Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Theo nghiên cứu của ông Đàn, chữ ký "Hue" trong giấy thông hành là của nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ. Ông Huỳnh Ngọc Huệ và Lê Văn Hiến đã hoạt động cùng nhau từ trước, trong và sau khởi nghĩa tháng 8-1945 ở địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tuy chưa biết danh xưng "Thành Thái Phiên" xuất hiện từ khi nào, nhưng có thể biết chính xác sự thành lập của một "chính quyền Thành Thái Phiên" mà sau này những nhà làm sử đã ghi lại cuốn Lịch sử Đảng bộ TP Đà Nẵng giai đoạn 1925-1954.

Cụ thể, sau khi khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi tháng 3-1945, vào tháng 7-1945 Mặt trận Việt Minh thành phố Đà Nẵng được thành lập trong một cuộc họp do ông Huỳnh Ngọc Huệ chủ trì cùng một số nhà cách mạng khác. Cuộc họp này đã quyết định lấy tên cho tổ chức là "Mặt trận Việt Minh Thành Thái Phiên".

Lịch sử Đảng bộ TP Đà Nẵng cũng ghi nhận: ngày 26-8-1945 là ngày khai tử chế độ nhượng địa Pháp lẫn chế độ bù nhìn tay sai Nhật và Đà Nẵng mang tên mới Thái Phiên.

Đà Nẵng: Buổi đầu mang tên Thành Thái Phiên - Ảnh 3.

... và bản đồ một trận đánh ở Thành Thái Phiên thời chống Pháp - Ảnh: TR.TR chụp lại

Tồn tại ngắn ngủi

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn đã mất năm 2016, nhưng câu chuyện để chứng minh sự tồn tại của "chính quyền Thành Thái Phiên" vẫn được kể qua bà Trần Thị Miên, vợ ông.

Ông Đàn nguyên là giám đốc cơ quan thường trú khu vực miền Trung của Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2001, vì di chứng chiến tranh ông xin nghỉ hưu sớm rồi dấn thân vào con đường nghiên cứu lịch sử.

Trong căn phòng đầy ắp tư liệu được đóng thùng sau ngày chồng mất, bà Miên lật giở cuốn sách của ông được in mới đây về nhà yêu nước Thái Phiên rồi cho biết: "Chồng tôi dành 15 năm cuối đời chỉ để nghiên cứu phong trào Duy Tân và người con của Đà Nẵng: Thái Phiên. Trong lúc tìm kiếm tư liệu, ông đã thấy được tờ giấy thông hành".

Nhưng tại sao những nhà cách mạng lúc đó lại đặt tên mới cho Đà Nẵng bằng tên nhà cách mạng Thái Phiên? Bà Miên cho rằng vì ông Thái Phiên quê tại làng Nghi An, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Ông là nhân vật chủ chốt trong chống Pháp. Khởi nghĩa thất bại, ông bị Pháp giết tại Huế năm 1916 nhưng tinh thần cách mạng chống ngoại bang vẫn còn vang vọng, ảnh hưởng lớn đến thế hệ con cháu sau này.

Việc lấy tên chính quyền Thành Thái Phiên ngoài mục đích tôn vinh người con quê hương cách mạng, còn mang biểu tượng tập hợp lực lượng quần chúng trong buổi đầu giành chính quyền.

Còn theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, khi Cách mạng Tháng 8 thành công, không riêng gì Đà Nẵng mang tên danh nhân. Một số tỉnh, thành khác được mang tên danh nhân, chẳng hạn Hà Nội mang tên thành Hoàng Diệu, Quảng Ngãi mang tên tỉnh Lê Trung Đình, Quảng Nam mang tên tỉnh Trần Cao Vân...

Các chính quyền mới thành lập mang tên danh nhân ở các địa phương chỉ tồn tại đến thời điểm tháng 10-1945, khi Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có sắc lệnh yêu cầu không sử dụng tên danh nhân để đặt tên các đơn vị hành chính.

Nhưng có lẽ danh xưng "Thành Thái Phiên" được phổ biến hơn cả và kéo dài hơn nhờ những câu thơ của nhà thơ Tế Hanh, ủy viên giáo dục của UBND cách mạng lâm thời: "Thành Thái Phiên đắm mình trong khói lửa/ Đất anh hùng lần nữa quyết hi sinh".

"Thành Thái Phiên" trong lịch sử Đà Nẵng

Cuốn Lịch sử Đà Nẵng của tác giả Võ Văn Dật, được xuất bản năm 2007, cũng đề cập về tên gọi Thành Thái Phiên: "Cuộc giành chính quyền của Việt Minh khởi phát từ Hà Nội vào tháng 8-1945 rồi lan dần vào Huế và Đà Nẵng.

Chính quyền mới đổi tên Đà Nẵng bằng thành phố Thái Phiên. Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến trên toàn quốc bùng nổ. Đà Nẵng, cũng như nhiều nơi khác, lao mình vào cơn lốc chung của lịch sử.

Mặc dù cuộc kháng chiến của nhân dân thật anh dũng nhưng vẫn không cản được hỏa lực xâm lăng. Khi quân Pháp lại làm chủ thành phố, tên Thái Phiên bị bãi bỏ và địa danh Tourane được phục hồi, guồng máy cai trị tạm thời tái lập...".

________

Kỳ tới: Từ tòa thị chính đến bảo tàng lịch sử

TRƯỜNG TRUNG - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên