10/07/2015 09:58 GMT+7

​Đà Nẵng: bãi biển nào dân cũng được tắm

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TT - Liên quan các dự án ven biển “treo” gây bức xúc dư luận, trong hai ngày họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua đã có nhiều đại biểu có ý kiến, nhưng tại phiên chất vấn ngày 9-7 vẫn tiếp tục có nhiều đại biểu quan tâm.


Đông nghẹt du khách tắm biển Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường

Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Văn Sơn báo cáo Đà Nẵng hiện có 52 dự án ven biển (14 dự án do nước ngoài đầu tư), diện tích 1.640ha, tổng vốn đầu tư 58.000 tỉ đồng.

Hiện còn đến 32 dự án chậm và chưa triển khai, diện tích 784ha, đã có 20 dự án ký cam kết tiến độ triển khai năm 2015 và đầu năm 2016, 3 dự án tiếp tục làm việc với nhà đầu tư, 6 dự án chưa ký cam kết tiến độ và 3 dự án sẽ bị xử phạt, thu hồi.

“Hiện TP tiếp tục rà soát, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng cam kết. Trường hợp doanh nghiệp chây ỳ, không triển khai sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và đất” - ông Sơn kiên quyết.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình bức xúc: “Đất ven biển giao cho doanh nghiệp không xây dựng, các resort thì san sát, dân không có lối ra biển, không có bãi biển để tắm. Các doanh nghiệp cát cứ, ngăn cấm dân xuống tắm biển”.

Đồng tình, ông Trần Thọ - bí thư Thành ủy kiêm chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - nói dân bức xúc lắm việc không có chỗ tắm, phải thu lại các bãi biển ở các resort. Ông Sơn nhìn nhận hiện giao bãi đất ven biển cho nhà đầu tư không còn phù hợp, cần phải thu lại để hoạt động công cộng, sinh hoạt cộng đồng.

“Doanh nghiệp không được cấm, dân xuống tắm biển không được thì điện các cơ quan giải quyết” - ông Sơn giải thích. “UBND TP phải rà soát những doanh nghiệp quản lý bãi tắm không hợp lý, không phù hợp thì thu hồi. TP sẽ xử lý trên tinh thần biển của Đà Nẵng thì người dân có quyền tắm” - Chủ tịch HĐND Trần Thọ quả quyết.

Liên quan việc báo cáo thiếu, không chính xác số lượng đất tái định cư trên địa bàn, chiều 9-7 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết Thanh tra Chính phủ đã thông báo vào làm việc xoay quanh vấn đề này.

Trước đó, theo báo cáo của UBND TP, qua tổng rà soát tại 313 dự án cho thấy tổng số lô đất theo quy hoạch từ năm 2010-2014 được duyệt là 32.010 lô.

Tổng số lô đất nợ chưa bố trí là 2.468 lô, tổng số lô đất thực tế là 17.702 lô, trong đó có 1.367 lô do 6 đơn vị không báo cáo và báo cáo thiếu, không chính xác tại 23 dự án (gồm 16 dự án không báo cáo và 7 dự án báo cáo thiếu).

UBND TP đã chỉ đạo xử lý kiểm điểm tập thể Văn phòng UBND TP và xử lý kỷ luật khiển trách hai lãnh đạo Phòng quản lý đền bù, giải tỏa, tái định cư (Văn phòng UBND TP).

Đề nghị thường trực Thành ủy chỉ đạo Đảng ủy khối doanh nghiệp TP chỉ đạo tổ chức kiểm điểm và xử lý hình thức kỷ luật phù hợp với mức độ sai phạm nguyên lãnh đạo Công ty CP Vật liệu xây dựng, xây lắp và kinh doanh nhà. Phê bình nghiêm khắc lãnh đạo năm đơn vị có dự án không báo cáo hoặc báo cáo thiếu số lượng lô đất tái định cư.

Cần Thơ: cảnh báo thương lái mua bất thường

Chiều 9-7, tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ, chất vấn giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phạm Văn Quỳnh, đại biểu Nguyễn Ngọc Sang đặt vấn đề: “Vừa qua có tình trạng thương lái nước ngoài đến mua bất thường cau non. Một số nơi khác cũng có tình trạng mua như vậy, có thể gây thiệt hại cho nông dân rất lớn, bà con thấy lợi trước mắt nhưng không thấy hại lâu dài. Với vai trò chức năng của mình, ngành nông nghiệp có giải pháp gì tuyên truyền, vận động dân hiểu, tránh hậu quả thiệt hại không đáng có sau này?”. 

Ông Phạm Văn Quỳnh cho biết trên địa bàn Cần Thơ thời gian qua đúng là có việc thương lái nước ngoài mua cau non và sở đã nắm tình hình.

Tuy nhiên, ông Quỳnh cho rằng “việc này có lợi hơn là có hại cho nông dân”. Lý do: việc mua cau non không ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

Riêng tại huyện Phong Điền có 12.000 cây cau, nếu không thu mua thì cau cũng bị bỏ khá nhiều, vì vậy được thu trên 30.000 đồng/kg là có lợi cho nông dân.

Dù vậy, ông Quỳnh thông tin: “Chúng tôi cũng chỉ đạo theo dõi chặt chẽ xem có việc gì xảy ra không, nhưng địa phương báo cáo không có gì. UBND TP Cần Thơ cũng đã có chỉ đạo theo dõi tình hình thu mua bất thường của thương lái nước ngoài, tránh ảnh hưởng đến tình hình chung của TP”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề kỳ họp, bà Đặng Thị Anh Đào, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Cần Thơ, cho biết tại phiên thảo luận tổ và tại hội trường, các đại biểu HĐND TP đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền phải chấn chỉnh đối với việc kinh doanh của Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, bởi thời gian qua dư luận phản ảnh rất nhiều.

Theo bà Đào, hiện UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu công ty tạm dừng việc “thu phí sân đường” và công ty đã ngưng thu.

Hiện Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản trả lời TP về việc thu như vậy là đúng hay sai. Trước đó, Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ đã thu “phí sân đường” (ôtô và xe máy chạy vào bến xe là bị thu tiền) khiến dư luận rất bức xúc.

CHÍ QUỐC

Đắk Lắk: bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng thủy điện Sêrêpốk 4A

Sáng 9-7, kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 13 đã khai mạc. Trong ngày làm việc đầu tiên, ông Nguyễn Hải Ninh - phó chủ tịch UBND tỉnh - đã báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND trước.

Theo đó, chất vấn của đại biểu Y Si Thắt về ảnh hưởng của thủy điện Sêrêpốk 4A (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đến đời sống người dân, ông Ninh cho biết ngày 6-7 UBND tỉnh đã họp xử lý các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của công trình thủy điện Sêrêpốk 4A.

Sau cuộc họp, ngày 8-7 UBND tỉnh đã có công văn gửi chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan yêu cầu bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi nổ mìn để thi công thủy điện trong phạm vi 600m (thay vì 300m như trước); bồi thường thiệt hại về ngày công lao động của người dân tránh mìn trong thời gian thi công công trình.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư bồi thường cho những hộ dân có diện tích hoa màu bị ngập úng do thủy điện, khắc phục việc xả thải ra môi trường...

H.BÌNH - TR.TÂN

Nghệ An: ký tuyển dụng hàng loạt trước khi về hưu

Kết thúc phiên chất vấn tại HĐND Nghệ An chiều 9-7, ông Trần Hồng Châu, chủ tịch HĐND, đã đề nghị UBND tỉnh: “Tăng cường quản lý với các thủ trưởng đầu ngành, đơn vị của tỉnh vì có nhiều đồng chí không gương mẫu, trước khi về hưu đã ký hàng loạt quyết định tuyển dụng”. Theo ông Châu, có nhiều quyết định ký rất lung tung, không đúng với các quy định và Luật tuyển dụng. Việc này gây ra hệ lụy, gây bức xúc trong dư luận.

HỒ VĂN

VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên