Thêm nhiều xe múc được đưa vào khu vực hiện trường sạt lở chiều 13-10 - Ảnh: TẤN LỰC
Đài thông tin duyên hải Huế kết nối được với Nhà máy Rào Trăng 4 qua tần số 8.149KHz. Thông tin nhà máy báo về cho biết hiện nay công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 đều an toàn, nhưng bị cô lập, lương thực chỉ còn đủ dùng 1 ngày.
Trong khi đó, 40 công nhân ở Nhà máy Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã đi đường rừng về đến Nhà máy Rào Trăng 4, cũng an toàn.
Đường đi đến 2 nhà máy thủy điện trên đều bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải đi bằng đường thủy nhưng nước chảy rất xiết. Nhà máy thủy điện A Lin B2 bị cô lập chưa có được thông tin.
Cán bộ Nhà máy thủy điện A Lin B1 đã ra đến khu vực huyện A Lưới qua đường Hồ Chí Minh và xác nhận toàn bộ công nhân Nhà máy A Lin B1 an toàn.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang cử một đoàn cứu trợ đi bằng canô chở đồ ăn, đồ uống xuất phát từ hồ thủy điện Hương Điền ngược lên Nhà máy Rào Trăng 4 để tiếp tế cho công nhân ở đây.
Chiều tối 13-10, thêm nhiều chuyến xe đưa phương tiện và nhiên liệu lên khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để thi công xuyên đêm mở đường vào vùng sạt lở.
Tổng cộng đã có 4 xe múc và 1 xe ủi được đưa lên dọn dẹp hiện trường. Nhiều phuy dầu cũng được xe tải đưa lên phục vụ máy móc thi công xuyên đêm.
Trong hôm nay, thêm nhiều lực lượng được tung vào tìm kiếm. Trong đó, nhóm khoảng 20 cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế với trang bị tăng võng, dù bạt, lương thực đầy đủ đã vượt suối Cát hành quân từ sớm vào hướng thủy điện.
Tiếp đó, ông Nguyễn Đại Vui - giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế (nguyên bí thư, chủ tịch UBND huyện Phong Điền) - dẫn đường cho nhóm 3 cán bộ kiểm lâm và 2 bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vượt suối Cát tìm đường tắt vào khu vực sạt lở.
Ngoài ra, các lực lượng khác của quân đội và ngành giao thông cũng được huy động vào cuộc. Hiện khu vực gần hiện trường trời đã dần ngớt mưa, mở ra cơ hội tăng tốc cho nhóm tìm kiếm.
Hiện trường trạm 67 bị vùi lấp
Trong khi đó 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện vẫn đang mất liên lạc. Một nhóm 4 nhân viên kiểm lâm của rừng phòng hộ Sông Bồ đã đến Trạm bảo vệ rừng 67 - nơi đoàn cứu hộ tạm dừng chân trước khi mất liên lạc - vừa trở về. Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết đất đá trên sườn núi sụp xuống vùi lấp cả dãy nhà của trạm. Đó là chỗ mà nhóm giải cứu tối qua ngủ lại. Không còn nhìn thấy một dấu vết gì của họ.
Trạm 67 nơi được cho là xảy ra vụ sạt lở, cách TP Huế khoảng hơn 60km về phía tây - Đồ họa: N.THÀNH
Trạm 67 - nơi được cho là xảy ra vụ sạt lở - Ảnh: CTV
Người dân địa phương đội mưa theo dõi diễn biến cứu hộ cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chiều tối 13-10, thêm nhiều chuyến xe đưa phương tiện và nhiên liệu lên khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để thi công xuyên đêm mở đường vào vùng sạt lở - Ảnh: TẤN LỰC
Tổng cộng đã có 4 xe múc và 1 xe ủi được đưa lên dọn dẹp hiện trường - Ảnh: TẤN LỰC
Hiện khu vực gần hiện trường trời đã dần ngớt mưa, mở ra cơ hội tăng tốc cho nhóm tìm kiếm - Ảnh: TẤN LỰC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận