Sau trận mưa kéo dài hơn ba giờ từ đêm đến rạng sáng 29-6, đã xảy ra sạt lở ở nhiều nơi tại TP Đà Lạt.
Cảnh nhà chồng nhà
Vào lúc 2h30 ngày 29-6, tại đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, Đà Lạt) xảy ra một vụ sạt lở kinh hoàng sau trận mưa. Hàng trăm tấn đất đá cùng bờ ta luy bê tông ở đường Yên Thế (nằm cao hơn đường Hoàng Hoa Thám khoảng 20m) đổ ập xuống.
Nhiều vụ sạt lở ở Lâm Đồng, 6 người chết
Vụ sạt lở khiến sáu người bị mắc kẹt. Lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh Lâm Đồng) đã tiếp cận hiện trường giải cứu nạn nhân. Sau khoảng một giờ, bốn nạn nhân đã được giải cứu từ đống đổ nát đưa đi cấp cứu. Hai người được xác định đã tử vong là hai vợ chồng, quê ở Phú Yên: Phạm Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Vẹn, cùng 43 tuổi.
Tại khu vực sạt lở, chúng tôi ghi nhận mưa chỉ là xúc tác khiến vụ tai nạn xảy ra. Bản thân hoạt động xây dựng trong khu vực đã tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở hẻm 30 Hoàng Hoa Thám là một khu dân cư sống cheo leo, phía trước mặt là thung lũng, sau lưng là một đồi cao đang chuẩn bị xây dựng một công trình nhà ở lớn.
Theo lãnh đạo UBND TP Đà Lạt nhận định, bờ ta luy trên cao làm không đúng kết cấu; sau nhiều ngày mưa, nước tích lại tạo lực đẩy mạnh khiến vỡ bờ ta luy đổ ập xuống khu dân cư bên dưới gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc vỡ ta luy hay nứt đất tại Đà Lạt không phải hiếm và tần suất ngày càng lớn hơn. Cuối năm 2021, tại đường Khe Sanh (cách không xa khu vực sạt lở đường Hoàng Hoa Thám) cũng từng có vụ việc tương tự, rất may không có người dân nào gặp nạn.
Vị trí sạt lở ngay đầu đường đèo Mimosa, thuộc ta luy âm. Đoạn sạt lở chạy dài phía sau nhà dân khoảng 50m, tạo thành một lòng chảo, các khách sạn bên trên có nguy cơ bị cuốn theo dòng chảy của đất sạt.
UBND TP Đà Lạt đánh giá hoạt động xây dựng quá mức ở trên cao đã gây áp lực lên nền đất yếu phía dưới dẫn đến sạt lở. Khi ấy, cơ quan chức năng nhận định các nhà ở tại đây xây dựng đúng quy hoạch, tuy nhiên kết cấu từng căn nhà chưa phù hợp với đặc điểm địa chất.
Rà soát giấy phép xây dựng ở khu vực sạt lở
Chỉ sau trận mưa kéo dài khoảng ba giờ, Đà Lạt xuất hiện hơn 10 điểm sạt lở lớn nhỏ. Điểm chung ở các khu vực này là ở phía ta luy dương có nhiều nhà, cả nhà cao tầng và ken kín nhau.
Kiến trúc sư Trần Công Hòa (giảng viên khoa kiến trúc Trường đại học Yersin, Đà Lạt) trong một trao đổi mới đây cho rằng: "Ngoài yếu tố thiên tai, ta cũng nên đánh giá lại quy chuẩn xây dựng của Đà Lạt có phù hợp với địa hình địa chất hay chưa. Quy chuẩn ở đây là tầng cao, khoảng lùi, khoảng cách giữa các nhà, kết cấu nhà ở ta luy âm, ta luy dương".
Theo ông Hòa, nền đất bazan Đà Lạt yếu, do đó cần điều chỉnh quy chuẩn xây dựng để công trình đảm bảo yêu cầu an toàn. Về quy hoạch, nên đánh giá lại mật độ xây dựng, bởi việc dồn nén công trình trên diện tích quá nhỏ nội ô là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ sạt lở liên tiếp gần đây.
Ngay sau vụ sạt lở nghiêm trọng trên, ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã đến hiện trường để nắm bắt tình hình và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ cũng như các công tác khắc phục hậu quả.
Tại hiện trường, ông Hiệp đã yêu cầu đơn vị chức năng rà soát toàn bộ giấy phép xây dựng của các công trình ở khu vực xảy ra sạt trượt đất, nếu có sai phạm để gây ra tai nạn thì sẽ xử lý nghiêm.
Ông Hiệp cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ các công trình xây dựng, các dự án công trình cầu đường ở những khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh và khẩn cấp có biện pháp gia cố, xử lý kịp thời. Công trình nào không đảm bảo an toàn thì tạm ngưng thi công.
Tại hiện trường, ông Hiệp đánh giá các công trình trong khu vực có dấu hiệu xây dựng sai phép, không đảm bảo kết cấu, an toàn.
Cùng ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Dương Trung Hữu, trưởng Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt. Việc này để làm rõ trách nhiệm lãnh đạo phòng và các tập thể, cá nhân liên quan trong cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực vừa xảy ra sự cố.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu toàn bộ công trình tại khu vực sạt lở, có độ dốc lớn... cần dừng thi công để rà soát, đánh giá, quan trắc độ an toàn. Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng được giao kiểm tra, đánh giá cấp phép, hồ sơ thiết kế, kết cấu công trình ở khu vực xảy ra sạt lở, giám sát thi công. Ở sự cố vừa xảy ra, chính quyền tỉnh chỉ đạo điều tra vụ việc, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố.
Tây Nguyên tiếp tục mưa to
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết gió mùa tây nam tại các tỉnh Tây Nguyên duy trì cường độ cấp 2-3. Do đó về chiều tối mưa to khả năng xảy ra tại khu vực này.
Dự báo trong những ngày tới mưa dông vẫn còn duy trì tại Tây Nguyên, thậm chí có nơi mưa to đến rất to, cần đề phòng ngập nước vùng trũng thấp. Tại vùng núi cần chú ý hiện tượng sạt lở đất do mưa to nhiều ngày khiến kết cấu đất bị thay đổi.
LÊ PHAN
Thủ tướng chỉ đạo xác định nguyên nhân sự cố sạt lở
Chiều 29-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân gia đình có người bị nạn.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất; tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị nạn; chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các sự cố tương tự, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Lâm Đồng, ngoài việc khắc phục hậu quả, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phát đi thông báo hỏa tốc về việc đề cao cảnh giác với mưa lũ, sạt lở đất.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt... để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
M.VINH
Hậu quả sẽ kinh khủng nếu cứ phá nát quy hoạch
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online về vụ sạt lở đất nghiêm trọng vừa xảy ra tại Đà Lạt vào sáng sớm 29-6.
Bạn đọc Nhàn viết: "Đất Đà Lạt vốn không có độ cứng, giờ thiếu thảm thực vật giữ, lại bị đào mất chân chịu lực bên dưới, mưa nhiều thì nguy cơ sụp rất cao. Dù có ta luy thì cũng cần có độ dốc nhất định".
Còn bạn đọc Sơn cho rằng: "Đà Lạt như ngày hôm nay là do tầm nhìn chiến lược quá kém. Quy hoạch toàn bê tông cốt thép thay thế thảm thực vật nguyên sinh. Rừng bị đốn hạ thay vào là các khu du lịch, khách sạn mọc lên như nấm sau mưa.
Hệ thống thoát nước tự nhiên (các sông suối) bị thu hẹp. Nếu các vị lãnh đạo và cơ quan hữu quan không nhìn ra được vấn đề để chung tay khắc phục, không lâu nữa hậu quả sẽ còn kinh khủng hơn".
Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Tư đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra lại thiết kế và thi công bờ ta luy bậc thang. Bởi các vách ta luy vô tình là tường chắn nước nhưng không thấy đặt ống thoát nước thấm thông qua các ta luy, khi nước ứ đọng sẽ đẩy luôn bờ ta luy gây sạt lở.
Vì thế, bạn đọc Mo Mo cho rằng: "Phải kiên quyết dừng các dự án phá rừng, đồi để xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng nhằm cứu lấy Đà Lạt. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng khi đã muộn màng. Hãy trả lại cho Đà Lạt vẻ đẹp thơ mộng ngày xưa thay vì tất cả là bê tông hóa".
CÔNG DŨNG tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận