Video: Vỉa hè lát đá 'có độ bền 70 năm', đã nứt vỡ sau vài năm sử dụng
Đi tìm nguyên nhân
Theo bạn đọc Nguyễn Thanh, cần phải xác định đúng nguyên nhân để khắc phục cho đúng. Đá nói chung là rất cứng nhưng lại rất giòn, chịu nén rất cao, nhưng khi bị mẻ sẽ dễ bị gãy (vỡ).
Từ đây ta thấy rằng đá bị vỡ là do đá được đặt (lắp) trên một mặt phẳng (nền) không phẳng, do làm dối, trông thì như đã phẳng, nhưng thực chất do chưa nén đủ, tác động của nước mưa, nước ngầm... chảy bên dưới đá, làm trôi lớp nền (làm dối) bên dưới, đá đứng chơ vơ không còn nền để tựa mà không vỡ mới là lạ.
Qua hình ảnh và video về việc lát loại đá này trên vỉa hè ở Hà Nội, bạn đọc có nick name Công dân Thủ Đức cho biết đá nứt vỡ là do các nguyên nhân sau: "Thứ nhất là thi công đất nền không lu lèn, đầm chặt, thời gian ngắn gây lún.
Thứ hai là do lớp bê tông lót không có đá 4x6 hoặc đá 1x2 mác bê tông (M100-200) không đảm bảo chất lượng. Và nguyên nhân thứ ba, do vữa liên kết giữa đá và lớp bê tông lót: cát thì nhiều + xi măng ít".
Trong khi đó, bạn đọc Giang thắc mắc chất lượng của đá, không biết có đúng là đá tự nhiên không: "Đã cắt lát thành từng viên gạch thì tính kết cấu bền vững hơn khi chịu ứng suất đột ngột của tải trọng hoặc thời tiết. Nhìn châu Âu xem, đường hầu như lát đá và nó tồn tại bất chấp thời tiết, mật độ lưu thông.
Lần đầu tiên thấy đá thiên nhiên cắt lát đều tăm tắp như vậy. Giá đá nguyên khối cắt lát xấu xí đã gấp nhiều lần đá trộn xi măng ép viên (đều tăm tắp) huống chi... Có loại đá nhân tạo được ép máy thành phần là bột đá và keo ép chân không trên máy rung, nó bền hơn gạch nhưng vẫn thua xa đá tự nhiên. Và chênh lệch giá là không tưởng nên đừng nhầm lẫn!".
Còn bạn đọc Nguyễn Duy Phương cho rằng việc lát đá có vẻ đơn giản nhưng thực tế khó hơn nhiều. "Trước hết loại đá, đá phải là loại như các cụ dùng lát sân đường ngày xưa hoặc làm bia... Thường là đá vôi mới chịu được thời tiết chứ không thể dùng marble.
Tiếp theo là kích thước phải phù hợp với cách lát là tự chèn hay lát trên nền cứng. Tự chèn thì viên phải dày và nhỏ chấp nhận sẽ dần bị gồ ghề. Lát trên nền cứng thì viên mỏng và to hơn nhưng phải liên kết tốt với nền bên dưới.
Rất nhiều công trình gạch lát bị đẩy vồng lên do liên kết nền kém. Sở phải rút kinh nghiệm xây dựng đề tài hẳn hoi trước khi triển khai tiếp", bạn đọc Phương viết.
Lát đá hay dùng gạch?
Nhiều đoạn vỉa hè ở Hà Nội lát đá tự nhiên bị nứt vỡ nghiêm trọng
Nhiều bạn đọc ở các tỉnh thành có vỉa hè lát đá tự nhiên vẫn bền lâu theo năm tháng như TP.HCM, Phú Yên, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hiến kế khắc phục tình trạng này.
Bạn đọc Hiền kể: "Nơi tôi ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cũng lát vỉa hè bằng đá, nhưng khi thi công có lớp vữa dày ở dưới nên bằng phẳng, xe ô tô 5-7 chỗ leo lên đậu thoải mái, đá có bị nứt vỡ, bong tróc gì đâu".
Những loại đá này đặc tính tích nhiệt cao hơn so với các loại gạch nhân tạo gây ra nóng bức. Nó là đá núi muốn có nó thì cho nổ mìn phá núi giá thành chắc chắn phải cao, sự khai thác quá mức đã phá vỡ không những hệ sinh thái động thực vật mà còn là tác nhân gia tăng cường độ lũ lụt, phá vỡ cảnh quan... đi ngược lại chủ trương phát triển bền vững của Nhà nước.
Bạn đọc có nick name Anhhaophilos
Ở Bình Dương, bạn đọc Nam viết: "Nên vào ngay Bình Dương tham quan đá lát vỉa hè dọc tuyến quốc lộ 13. Nền trước khi lót đá cần gia cố lu lèn kỹ, sau đó đổ bê tông, rồi tiến hành lót đá nhỏ thôi. Một thời gian đã lâu vẫn chưa thấy đá nứt".
Từng hai lần góp ý về nguyên tắc lát vỉa hè bằng đá granit, hiến kế của Nguyễn Đình Phong nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc: "Cách đây khoảng 15 năm tôi đã hai lần gửi phản ảnh góp ý về nguyên tắc lát vỉa hè bằng đá granit 2,5*40*40 tại đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.HCM. Khi ấy sau khoảng 100 ngày đã xuất hiện bể và bong tróc rất nhiều.
Tôi tóm gọn các ý cốt lõi như sau: 1. Nền hạ phải đạt chuẩn; 2. Vữa đệm ít nhất dày được 3cm; 3. Gạch lót hay đá granit ít nhất dày 4cm trở lên, kích thước không quá 15cmx15cm; 4. Mạch vữa không được lót sát nhau như trong nội thất (phải trên 1cm)".
Góp một góc nhìn khác, Bảo Nguyên nêu ý kiến: "Bản chất vấn đề là đá lát vỉa hè ở Hà Nội không thể nào đạt tuổi thọ 70 năm. Nếu muốn đạt 70 năm chắc viên đá lát phải dày hàng mét thì mới chịu nổi các tác động ngoại cảnh và của con người.
Vì vậy vấn đề đặt ra là nên ngừng việc lát đá vỉa hè tốn kém ở Hà Nội, quay về lát gạch vỉa hè có chất lượng và tuổi thọ vừa phải, cơ sở giá thành phải chăng, có thể chịu được ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh và con người, dễ dàng thay thế khi hỏng hóc".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì đối với những vấn đề trên? Theo bạn, nguyên nhân nào khiến đá lát vỉa hè nứt toác như ruộng gặp hạn hán? Có nên tiếp tục lát đá tự nhiên trên vỉa hè?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận