31/03/2019 10:30 GMT+7

Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Đà Lạt mới chỉ 126 tuổi, là một đô thị quá trẻ, nhưng trong từng khúc quanh lịch sử luôn phóng chiếu ước mơ về một đô thị lý tưởng.

Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc - Ảnh 1.

Chợ mới Đà Lạt, tháng 4-1961 - Ảnh tư liệu

Nếu chúng ta không làm được, ấy là chúng ta phụ cảnh thiên nhiên. Chớ cảnh thiên nhiên không hề phụ chúng ta. Và nếu chúng ta làm cái gì kệch cỡm mất duyên dáng của Đà Lạt thì lương tâm chúng ta sẽ cắn rứt trọn đời. Bởi mỗi du khách bản xứ hay ngoại quốc nhìn thấy những gì chướng mắt lại sẽ nhắc đến chúng ta với một lời mai mỉa

Kiến trúc sư HOÀNG HÙNG

Có những bước chuyển tiếp của xã hội chính trị dễ dẫn đến đứt gãy giá trị, song chính những kiến trúc sư, quy hoạch sư nhận thức được sứ mệnh và trách nhiệm đã tạo ra sự tiếp biến khá êm đềm.

Như thời kỳ chuyển tiếp từ một thành phố do người Pháp kiến tạo, làm chủ sang một thành phố của người Việt với diện mạo hiện đại, diễn ra cuối thập niên 1950.

Hoạt động xây dựng thiếu kiểm soát đã khiến phong cách đô thị đặc biệt của thành phố Đà Lạt biến dạng - Video: MAI VINH - PHAN TẤN ĐẠT

Một thế hệ "Xây - Dựng - Mới"

Trong thời Pháp thuộc, đặc biệt trong thập niên 1930-1940, không gian kiến trúc đô thị của Đà Lạt được kiến tạo bởi những kiến trúc sư Pháp tài năng, có ảnh hưởng ở Đông Dương như Alexandre Léonard, Paul Veysseyre hay Arthur Kruze... triển khai trên thành quả các đồ án quy hoạch, chỉnh trang đô thị có triết lý của Paul Champoudry, Ernest Hébrard, Louis Georges Pineau, H. Mondet, Jacques Lagisquet.

"Phương Tây" hay "rất Tây" là cách nói chung chung thời bấy giờ khi nhắc về một không gian di sản với hơn 1.000 biệt thự xinh đẹp mà người Pháp để lại sau gần 30 năm xây dựng thành phố, tính từ 1915 đến 1945.

Sau khi người Pháp rời đi, Đà Lạt có sức hấp dẫn đặc biệt với những kiến trúc sư hàng đầu của miền Nam.

Các kiến trúc sư tên tuổi của Sài Gòn thời bấy giờ, trước và trong khi triển khai các công trình tại Đà Lạt cũng đã có quá trình nghiên cứu lịch sử kiến trúc đặc thù của đô thị này để hình thành một hình thái, triết lý phát triển mới cho Đà Lạt.

Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc - Ảnh 4.

Tháp chuông Yersin - tranh acrylic của Nguyễn Thuyên

Các tờ báo như Sáng Dội Miền Nam, Xây Dựng Mới đều cho thấy sự "tiếp cận Đà Lạt" đầy công phu theo chiều kích văn hóa kiến trúc. Trong đó, phải kể đến tờ Xây Dựng Mới số 3, tháng 6-1958.

Tờ báo do kiến trúc sư Võ Đức Diên làm thư ký tòa soạn với ban biên tập gồm những kiến trúc sư tên tuổi của Sài Gòn lúc bấy giờ đã tổ chức một chuyên đề khá hay về Đà Lạt.

Ngoài việc mô tả những nét chính trong kiến trúc nhà ở, dinh thự Đà Lạt dưới con mắt của "dân nhà nghề", số báo nói trên cũng trình bày những nhận thức chính của giới kiến trúc, quy hoạch cho thấy tình cảm, ưu tư và chiều hướng phát triển mà họ mong muốn ở thành phố này.


Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc - Ảnh 5.

Đà Lạt phố - tranh màu nước của Đoàn Quốc

Đô thị vị nhân sinh

Đâu là một giải pháp giữ được sự hài hòa với các giá trị đã định hình trong lịch sử, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới của thời đại?

Kiến trúc sư Hoàng Hùng, quản lý ở Tổng nha Kiến thiết, đồng thời là chủ nhiệm Xây Dựng Mới, đã nêu quan điểm: "Đà Lạt không thể, như quan niệm kiến trúc cũ, chỉ là nơi nghỉ mát riêng của giới phong lưu, tư sản.

Phong cảnh non xanh, nước biếc, sương phủ, mây bay của nó là báu vật vô giá, chung cho toàn cả nhân dân.

Người ở lại đó làm ăn sinh sống, cũng như người ghé lại đó ít ngày, để thực mắt thấy nơi danh lam thắng cảnh vào bực nhất đất nước, ai cũng cảm thấy cần đem sức người tô điểm cho Đà Lạt mỗi ngày một đẹp hơn, và mỗi ngày một xứng đáng là hòn ngọc của cả cõi trời Đông Nam Á này" (Xây Dựng Mới, số 3-1958).

Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc - Ảnh 6.

Café de la Poste về đêm (ảnh chụp ngày 21-11-2015) - Ảnh: N.V.N.

Bài viết này cũng giới thiệu một chương trình trù liệu chất chứa nhiều trách nhiệm và tình cảm dành cho Đà Lạt.

Chương trình trù liệu ấy gồm đầy đủ những công trình giao thông, không gian công cộng trong đô thị, công trình dịch vụ an sinh, cơ sở vật chất cho vùng phụ cận (thời gian này, Đà Lạt đã có chương trình mở rộng, giãn dân ra ngoại ô sau đợt nhập cư ồ ạt khoảng năm 1954-1957 từ các tỉnh miền Bắc...).

Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc - Ảnh 7.

Trên công trường xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt năm 1961. Công trình do KTS. Ngô Viết Thụ thiết kế - Ảnh: TTLTQG 2.

Triết lý về một thành phố, đúng như câu cách ngôn thuở ban đầu gắn trên chợ cũ Đà Lạt: "Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem" (Cho người này niềm vui, cho người khác sức khỏe) - được tái hiện với một tinh thần mới, đó là một đô thị vị nhân sinh, đem lại nguồn hạnh phúc cho con người.

Điều đó được tạp chí Xây Dựng Mới diễn giải như sau: "[Đà Lạt] khiến cho người làm ăn tại đó tìm thấy cách sống đầy đủ và tiện phát triển nhân tính của mình, người du khách thích cái đẹp thiên nhiên cũng tìm thấy ở đó những gì đầy thi vị, người thích cái đẹp tân thời cũng nhìn thấy ở đó những gì lộng lẫy huy hoàng, và người thích cái đẹp trừu tượng cũng nhìn thấy ở đó những gì là ý nghĩa thâm trầm cao cả.

Đà Lạt ngày mai phải là một vườn hoa lớn mà mỗi bước chân đi người ta lại phải dừng lại để say sưa với một vẻ đẹp khác, mà nhìn nhận cái công thêu hoa dệt gấm lên đất nước, là công của thế hệ chúng ta: thế hệ Xây - Dựng - Mới".

Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc - Ảnh 8.

Đà Lạt mùa xuân không thể thiếu sắc mai anh đào - Ảnh: T.T.L.

Từ diễn ngôn ấy, có thể hiểu kiến trúc Đà Lạt đã sang trang.

Vài năm sau đó, Đà Lạt bắt đầu có những khối nhà lớn, cao 3-4 tầng, với công năng phong phú, ngôn ngữ kiến trúc tân kỳ, mạnh mẽ, khúc chiết, hiện đại như :

- Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X - kiến trúc sư Tô Công Văn thiết kế.

- Chợ Đà Lạt - kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ bổ sung thiết kế.

- Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt - kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.

-Lữ quán Thanh niên và lao động - kiến trúc sư Võ Đức Diên thiết kế...

Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc - Ảnh 9.

Đi qua mùa dã quỳ - tranh màu nước của Bảo Huỳnh

Những kiến trúc sư tài năng nhất của miền Nam đã đến với Đà Lạt với niềm vinh dự và ý thức "tô điểm cho Đà Lạt ngày một đẹp hơn, mỗi ngày một xứng đáng là hòn ngọc của cả cõi trời Đông Nam Á" và với sự ký thác trách nhiệm trong từng công trình, đồ án.

Vì họ hiểu "nếu chúng ta làm cái gì kệch cỡm mất duyên dáng của Đà Lạt thì lương tâm chúng ta sẽ cắn rứt trọn đời".

Tác giả

TTO - Có những người cả đời ôm ghì lấy một thành phố, như thể hấp lực nó lớn đến mức luôn hút lấy người ấy. Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên là một người như vậy.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên