TTCT - Trong ba trụ cột nhiếp ảnh tư liệu Đà Lạt, hai người đã qua đời (Nguyễn Bá Mậu và Trần Văn Châu), chỉ còn cụ Đặng Văn Thông nay đã 84 tuổi, sống lặng lẽ trong một căn biệt thự nằm trên đường xuống Trại Hầm. Đã hơn nửa thế kỷ, ông nhìn, cảm, hiểu đô thị mình sống và biểu hiện qua ống kính. Arnh: Đặng Văn Thông Ông nhỏ nhẹ và bình dị với cốt cách một người Hà Nội nhập cư đô thị cao nguyên, lại toát ra vẻ tao nhã của một thị dân lịch lãm, an nhiên sống qua bốn thời kỳ quan trọng của Đà Lạt: thời Pháp thuộc, thời Hoàng triều cương thổ, Việt Nam cộng hòa và thời hòa bình hôm nay. Lưu giữ ký ức tuổi thơ Ông sinh năm 1932 tại Hà Nội. Bảy tuổi đã theo cha mẹ vào miền cao nguyên Lâm Viên sinh sống. Ban đầu gia đình ông Thông ở vùng ngoại ô Trại Mát. Thời đó đây là vùng đất còn hoang vắng, đồi núi trập trùng, sương mù vây bủa quanh năm. Về giao thông, ngoài con đường bộ hẹp, đèo dốc hiểm trở đi về Dran thì mỗi ngày chuyến tàu Đà Lạt nối Phan Rang trên tuyến đường sắt răng cưa (cog railroad) vẫn đi ngang đây. Trại Mát không phải là một điểm dừng chính, chỉ là một ga xép để vận chuyển nông sản lên phố hay từ phố xuống đồng bằng duyên hải. Thế nên chỉ cách 8km nhưng Trại Mát hãy còn là một vùng nông nghiệp heo hút. Chỉ những ai từng quan tâm đến lai lịch hình thành của đô thị Đà Lạt may ra có thể nhớ rằng nơi đây từng có một vườn cây canhkina (quinquina) do chính bác sĩ Alexandre Yersin trồng để điều chế thuốc ký ninh (quinine) điều trị bệnh sốt rét. Xa hơn nữa, xuống vùng Cầu Đất thì có Sở trà Cầu Đất được người Pháp xây dựng năm 1937. Những người nhập cư thời đó nếu ở Trại Mát cũng coi là một lựa chọn an toàn nếu không ngại cảnh rừng thiêng nước độc, thú dữ thi thoảng vẫn kéo về trong những làng xóm hẻo lánh. Miền đất tuy hoang vu nhưng vẫn là trên con đường huyết mạch kinh tế, giao thông nội vùng nên dễ bề làm ăn. Cha mẹ ông Thông lúc đó cũng như những người nhập cư ở vùng này, chủ yếu làm nông. Một thời gian, cha của ông làm nghề chế biến gỗ thông cung cấp cho thầu, thợ mộc địa phương. Những năm tiểu học, ông học ở trường làng trong khu vực Trại Mát. Khi đến tuổi trưởng thành, gia đình gửi ông lên trung tâm Đà Lạt học nghề thợ ảnh, coi như tìm một nghề để lập thân. Bấy giờ, khoảng đầu thập niên 1950 ở Đà Lạt có bốn hiệu ảnh lớn: hiệu Đại Việt của ông chủ tên Việt, Dalat photo của ông chủ tên Lý, Nam Sơn của người chủ tên Sơn và Belle photo của người chủ tên Toản. Thanh niên đi phụ việc trong ảnh viện, học nghề ảnh khá nhiều vì đây là nghề kiếm sống được nhưng ít ai đeo bám nghề lâu. Ông Đặng Văn Thông (Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên) Có lẽ chịu ảnh hưởng bởi lối sống Pháp, người Việt ở Đà Lạt thời điểm này thích chụp ảnh làm kỷ niệm vào dịp lễ, tết, trong những chuyến du hí hay các dịp gặp gỡ người thân. Ảnh gia đình là một tài sản tinh thần, lưu giữ ký ức được người dân đô thị này nâng niu. Nhà nào dù giàu, dù nghèo chí ít cũng có một bộ ảnh lưu giữ những khoảnh khắc quan trọng cho ngày sau. Thế nên việc của mấy ông thợ ảnh chịu đeo bám nghề thường không xuể. Học nghề ba năm ở Dalat photo, ông Thông bắt đầu làm công cho các hiệu ảnh khác. Thỉnh thoảng ngoài giờ làm, ông xách chiếc máy Rollei Flex chạy phim 6x9 (có thể chụp được 12 tấm/cuộn, tráng khổ 6 x 6cm) đi chụp phong cảnh, chẳng biết để làm gì, cứ thấy đẹp là ghi lại. Chàng thanh niên có lối sống giản dị, thu nhập làm công cho hiệu ảnh đủ tiêu xài cá nhân, còn để dành một khoản mua phim (hồi năm 1960 giá phim 22 đồng/cuộn) và lang thang săn tìm những góc ảnh đẹp ghi chép lại, rồi về nhà làm phòng tối, loay hoay tráng, phóng ảnh. Nhìn thấy những bức ảnh ghi cảnh sắc lãng mạn, thơ mộng của thành phố hiện lên dần trên giấy ảnh, những xúc cảm trước thiên nhiên tuyệt vời của nơi chốn như được sống lại, những khoảnh khắc tâm hồn thơ thới bay bổng như còn mãi. Đùa giỡn, trì hoãn thời gian, níu giữ ký ức - đó cũng là trò chơi lý thú trong nhiếp ảnh với ông Thông. Năm 1959, ông Thông xin vào làm công chức ở Nha Địa dư quốc gia. Vì có nghề chụp ảnh, biết tráng rọi ảnh nên ông được giao nhiệm vụ làm khâu chế bản từ bản vẽ qua phim và từ phim qua kẽm để phục vụ việc in ấn bản đồ. Lương công chức Nha Địa dư năm 1960 là 4.600 đồng/tháng (vàng lúc đó 4.500 đồng/lượng), tạm gọi là dư dả để theo đuổi niềm đam mê ảnh. Nghề ảnh là nghề tay trái nhưng đem lại nhiều hứng thú cho ông. Thời kỳ này ông vẫn còn được mời đi chụp đám cưới, đám tang, sinh nhật, lễ lạt... chính vì vậy mà quen biết khá rộng. Khách hàng cũng ưa tính nhã nhặn, nhẹ nhàng của ông nên gắn bó lâu dài. Ảnh: Đặng Văn Thông Một Đà Lạt hiền hòa trong ảnh Ông Thông nhớ lại: “Đà Lạt thập niên 1960-1970 dân sống trên mức trung bình, người giàu có nhiều, sống sang trọng nề nếp, không chật vật bon chen. Thành phần chủ yếu là học sinh sinh viên đến học, có tú tài thì vào sĩ quan, làm công chức... đời sống ổn định, dân làm lao động phổ thông cũng dễ chịu vì vườn tược, cửa hiệu nhiều, lắm cơ hội làm ăn. Tóm lại là dân cư thuần nhất, nề nếp và sống khiêm cung, nhỏ nhẹ”. Ví dụ cụ thể chính là gia đình ông. Năm 1954, ông gặp cô Lê Thị Đào, người gốc Quảng Ngãi cũng mới nhập cư. Hai người xây tổ ấm, sinh bốn người con. Vợ buôn bán hoa quả địa phương gửi đi Sài Gòn, chồng làm công chức. Vậy mà đủ sức mua một căn nhà ở Trại Hầm vào cuối thập niên 1950. Các con thì đứa đi học nữ Bùi Thị Xuân, đứa vào Trần Hưng Đạo, đứa học nghề tư, đứa vào đại học... Cuộc sống thanh đạm, ổn định và thư thái. Nhờ đó, ông Thông có điều kiện để dành cho mình một hành trình riêng với ảnh. Cùng thời ông có cụ Nguyễn Bá Mậu, Trần Văn Châu. Thi thoảng họ vẫn gặp gỡ nhau trò chuyện, trao đổi kỹ thuật chụp ảnh và chia sẻ những tác phẩm ưng ý. Nếu ông Châu có những bức không ảnh về thành phố tuyệt vời, những bộ ảnh người dân bản địa cao nguyên Lâm Viên mang nét dân tộc học đáng quý; nếu ông Mậu có những bức ảnh đời sống phố phường, những góc chụp thiên nhiên và đô thị toàn cảnh hoành tráng thì ảnh ông Thông lại gần gũi, bình dị như chính cá tính của mình. Phía sau những góc máy tính toán bố cục cổ điển, Đà Lạt hiện lên như vốn dĩ - hiền hòa, tự nhiên. Những bức ảnh đem đến sự thanh lọc và dễ chịu cho người xem. Thì chẳng phải như thế là đã đi vào trong cái tinh thần địa danh mà người Pháp ngày trước đã diễn giải DALAT chính là “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” (cho người này niềm vui, cho người kia sự mát dịu) đó sao! Ảnh: Đặng Văn Thông Điều thú vị nhất ở ông Thông so với các nhiếp ảnh gia khác nơi thành phố này chính là ông có đời sống của một công chức thứ thiệt (làm Nha Địa dư quốc gia từ 1954-1975, rồi sau đó khi chính quyền mới tiếp quản, ông tiếp tục làm tại đây - Cục Bản đồ Đà Lạt - tới khi nghỉ hưu năm 1990). Vì thế ông có một sự cần mẫn đeo đuổi công việc chụp ảnh với tâm thế không mong cầu, một sự điềm đạm thận trọng trước những góc ảnh và một ý thức tiết chế chủ quan khi bấm máy. “Tôi chỉ biết âm thầm làm công việc của mình, đến mãi gần đây khi thành phố trải qua những cuộc đổi thay lớn, mất dần vẻ đẹp thiên nhiên, vắng đi nét thơ mộng như xưa, những khoảng rừng trong lành trong đô thị biến mất, dân cư đông hơn, đời sống rộn ràng, bon chen hơn... thì người ta mới quý hóa nâng niu những bức ảnh của tôi. Tôi thấy vui vì được mọi người yêu mến, nhưng vui hơn vì thấy qua những bức ảnh của mình, sắc vóc của thành phố được lưu giữ, để khi nhìn vào đó người ta yêu và trân quý thành phố này nhiều hơn. Còn với riêng tôi, đôi khi nhìn lại tác phẩm ảnh đen trắng của mình rồi bước ra nhìn cảnh rừng thông bị chặt, núi đồi bị san phẳng, lòng không khỏi tiếc nuối” - ông Thông chia sẻ. Sau lưng ông, những bức ảnh đen trắng hôm qua của thành phố được phóng to, dựng quanh góc phòng khách. Sau làn khói mỏng, ánh mắt người bạn đời vẫn nhìn xuống như chuyện trò, ủi an và sẻ chia. Bên ngoài thành phố đang cuồng khấu với cuộc đổi thay. ■ Tags: Đà LạtĐặng Văn ThôngẢnh trắng đen
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.