Bờ taluy bê tông cùng hàng ngàn tấn đất đá trên cao đổ sập xuống khu dân cư, lán trại cho công nhân và công trình nhà ở khá lớn phía dưới. Tình trạng sập bờ taluy diễn ra ngày càng nhiều với Đà Lạt.
Sạt lở tiếp diễn ở Đà Lạt
Trước đó không lâu là vụ sập bờ taluy đèo Prenn và đường Ngô Thì Sỹ cũng gây chết người. Cuối năm 2021 tại đường Khe Sanh từng xảy ra sạt lở và sập bờ taluy, rất may là không có người dân nào gặp nạn.
Cơn mưa lớn ngày 23-6-2023 kéo dài khoảng 30 phút cũng khiến Đà Lạt ngập nặng hàng loạt tuyến đường khu vực trung tâm. 13 vụ sạt lở chỉ trong hai ngày 28, 29-6-2023. Những con số đáng sợ. Thành phố này từng được cảnh báo tình trạng thiếu nước sinh hoạt, lấn chiếm suối, hồ.
Nguyên nhân, đỉnh điểm dẫn đến các vấn nạn đó hẳn không khó nhận ra khi bê tông hóa quá mức. Rừng bị thu hẹp, chặt cây xanh quá nhiều, san ủi làm dự án xây dựng. Không gian dẫn dòng và thoát nước, thấm nước, trữ nước bị thu hẹp.
Giới chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học trong ngành đã cảnh báo từ lâu nhưng không được quan tâm đúng mức, lợi ích ngắn hạn, hậu quả trước mắt và dài lâu. Những gì đã diễn ra còn dự báo các bất an trong tương lai, nếu thiếu biện pháp hữu hiệu cho Đà Lạt.
Địa hình Đà Lạt có độ dốc lớn với nhiều đồi suối, sườn núi. Nếu chặt cây xanh san lấp mặt bằng rồi làm taluy thay thế sẽ không đảm bảo an toàn. Mùa nắng thì đất khô cằn, không giữ ẩm. Không còn nhiều rễ cây sâu và rộng bám đất, giữ nước mùa mưa.
Nước mưa sẽ tạo thành sình lầy trong lòng đất cùng với dòng nước chảy chia cắt phía trên đỉnh, sườn và dưới chân đồi núi, nước xoáy vào chân đồi tạo ra lũ và những vụ sạt lở đất càng lớn.
Những công trình kiến trúc ngày xưa thời Pháp ở Đà Lạt có tính toán kỹ lưỡng về mặt địa hình, không cao tầng. Ở vị trí lưng chừng trên cao nếu làm móng cọc kiên cố sẽ phức tạp, khoan nhồi sâu.
Bờ taluy giằng khối lượng đất đá quá lớn, trên chịu tải trọng nặng, dưới không có liên kết vững chắc, cộng thêm áp lực đất và nước rất dễ vỡ khi mưa.
Hơn 90 năm trước những kiến trúc sư người Pháp lập quy hoạch đã tính toán cảnh báo nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người.
Một thống kê vào năm 2020 cho thấy dân số đã lên đến 620.000 - 650.000 người, bê tông hóa càng nén chặt trong khu vực trung tâm.
Dân số dự báo sẽ càng tăng cao khi Đà Lạt được quy hoạch xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại ở vùng trung tâm thành phố.
Phòng sạt lở đi đôi chống ngập
Phòng chống sạt lở đất, đồi núi, suối hồ không gì hiệu quả bằng trồng những loại cây xanh thích hợp. Đà Lạt cần giảm san lấp mặt bằng, bê tông hóa và tăng cường trồng cây xanh, ưu tiên chọn loại có bộ rễ lớn phủ rộng đâm sâu bám chặt đất là cách chống sạt lở hiệu quả nhất.
Khu vực trung tâm đã bê tông hóa gần hết. Giờ cần khuyến khích tạo hạ tầng xanh, không gian xanh cho từng khu phố, cầu đường, các công trình xây dựng thô cứng.
Nên thay đổi cách phát triển công viên mới, mở rộng công viên hiện hữu, hồ nhân tạo, vùng trũng theo hướng bổ sung mục tiêu sinh thái gồm các thảm thực vật, đa dạng hóa sinh học.
Chống ngập thay vì làm cống thì xây dựng mương hở sẽ dễ thu nước hai bên, không phụ thuộc kích thước hố ga lớn nhỏ giúp dẫn dòng vào các suối, hồ với công viên và vùng trũng.
Dọc hai bên mương, không gian thoát nước nghiên cứu trồng cây xanh hoặc dải thực vật. Cách tiếp cận này tạo cảnh quan, góp phần bổ sung nước ngầm, giảm xói lở và thấm hút nước xuống lòng đất.
Quy hoạch đô thị cần hướng đến sắp xếp không gian, công trình. Hạn chế các khu dân cư, xây dựng nhà ở phía dưới sát sườn đồi dốc cao trong khi phòng chống sạt lở chỉ bằng taluy lưng chừng chắn đất đá nhằm loại trừ từ sớm nguy cơ rủi ro.
Bố trí lại mật độ dân số cho phù hợp, tất cả đều căn cứ yếu tố môi trường, tài nguyên thiên nhiên, diện tích đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận