06/10/2016 06:21 GMT+7

Đà Lạt một thời hương xa: Cuộc du hành thú vị

LAM ĐIỀN thực hiện
LAM ĐIỀN thực hiện

TTO - Nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa ra mắt tập sách Đà Lạt một thời hương xa (Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975) - công trình được anh thực hiện với một tình yêu 
Đà Lạt sâu đậm.

Thành phố Đà Lạt lúc hừng đông - Ảnh: Mai Vinh
Thành phố Đà Lạt lúc hừng đông - Ảnh: Mai Vinh

>>Nghe Xuân Phú hát Đà Lạt vắng em TẠI ĐÂY


Chia sẻ với công trình của Nguyễn Vĩnh Nguyên, dịch giả Trần Đức Tài - một cư dân gắn bó với Đà Lạt bấy lâu nay - cho biết:

“Đọc Đà Lạt một thời hương xa trong dòng chảy miên man của ký ức, vừa đối chiếu, vừa bổ sung, thật là một du hành thú vị ngược thời gian.

Nhất là khi ngồi trong một quán cà phê vắng lặng đọc một mình. Tôi đọc hết cuốn sách trong hai lần ngồi quán cà phê nương náu cho qua những cơn mưa dầm”.

Sinh ra từ tham vọng của người Pháp, Đà Lạt là một thành phố bẩm sinh đã ngược đời. Giữa cao nguyên hoang vu đột ngột mọc lên một thành phố không hề theo quy luật tự nhiên là từ thôn làng phát triển dần dần thành đô thị.

Thoắt một cái, những gì tinh hoa nhất của văn minh phương Tây ào ạt tụ về giữa rừng rú. Đà Lạt trong tinh thần đã và vẫn là một bí ẩn.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên có buổi giao lưu với bạn đọc vào 8g30 ngày 7-10 tại 88 Lý Tự Trọng, P.2, TP Đà Lạt. Tại TP.HCM, vào 9g ngày 16-10, NXB Trẻ cũng tổ chức chương trình giao lưu cùng tác giả với sự dẫn chuyện của dịch giả Trần Đức Tài tại Đường sách Nguyễn Văn Bình.

* Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên trong công trình khảo cứu này tỏ ra khá công phu khi sưu tầm tư liệu và không tiếc công sức đi thực địa tìm kiếm chứng tích của Đà Lạt một thời đã qua, thể hiện qua nhiều đoạn trích dẫn tư liệu trong tập sách của mình. Về phương pháp, anh thấy cách làm này có lợi điểm gì và còn hạn chế nào không?

- Đà Lạt trong tâm thức mỗi người là một chân dung khác nhau. Những gì không còn tồn tại nhưng luôn được nghe nhắc đến qua những chuyện kể lại tản mác và khuếch tán qua hoài niệm lẫn tình cảm cá nhân luôn phủ lên Đà Lạt một màn sương huyền thoại.

Nguyễn Vĩnh Nguyên đã cố gắng vén màn sương ấy qua nỗ lực sưu tầm tư liệu và thực địa.

Đó là cách làm đúng nhưng không thể tránh khỏi hạn chế khách quan lớn nhất mà người nghiên cứu nào cũng gặp là điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu gốc.

Tư liệu càng dồi dào, đa chiều thì góc nhìn càng rõ. Những bài như bài viết về Nhất Linh hay về môi trường giáo dục chẳng hạn, là những bài thành công theo hướng này.

Ngoài sưu khảo và thực địa, phục dựng theo kiểu văn học cũng là kỹ thuật Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng khéo léo khi gặp trở ngại về nguồn tư liệu hay nhân chứng đối chiếu.

Những bài như bài viết về Linda Lê và bài về bước khởi hành âm nhạc của Lê Uyên - Phương... là những bài hay theo hướng này.

Do đó, cuốn sách là tập hợp những bài rời xoay quanh cái trục Đà Lạt hơn là một nghiên cứu có hệ thống nhất quán.

Đúng như tác giả đã nêu trên bìa sách, Đà Lạt một thời hương xa là những chuyến du khảo văn hóa về miền đất mộng. Mỗi chuyến hành trình “đi tìm thời gian đã mất” là một tâm cảnh khác nhau, lúc tỉnh táo, lúc ngất ngây, thôi thúc bằng món nợ tình cảm và tinh thần của riêng tác giả với thành phố này.

Đọc trên tinh thần đó, tôi nghĩ đây là cuốn sách sẽ có sức sống lâu, được nhiều người đọc. Bởi có ai không si tình Đà Lạt! Nhưng Đà Lạt của “một thời hương xa” thật sự đã xa vời vợi.

Ảnh: Đặng Văn Thông
Ảnh: Đặng Văn Thông

* Có vẻ xuất phát từ cảm tình sâu sắc về một đô thị dung chứa nhiều nét đặc biệt mà tác giả đã dấn bước vào hành trình “đi tìm căn tính” cho Đà Lạt. Anh nghĩ một hành trình như vậy sẽ được những người cùng thế hệ tác giả hoặc nhiều hoặc ít tuổi hơn chia sẻ, nhìn nhận như thế nào?

- Nguyễn Vĩnh Nguyên đâu có tham vọng làm sử gia. Bởi muốn “đi tìm căn tính” của một thành phố theo xu hướng nghiên cứu vi lịch sử hiện nay thì không một người nghiên cứu độc lập nào đủ điều kiện bao quát một công trình quá dàn trải như vậy.

Với Đà Lạt một thời hương xa, Nguyễn Vĩnh Nguyên ruổi rong đi tìm những mảnh tình yêu đơn lẻ không rõ nhân dạng để cố hiểu tại sao Đà Lạt quyến rũ anh như vậy. Nhưng tình yêu càng đắm say càng thách thức mọi kiến giải.

*** Error ***
Cafe Tùng trước năm 1975 - Ảnh tư liệu gia đình cà phê Tùng cung cấp

 

Đà Lạt một thời hương xa là cuộc hành trình của Nguyễn Vĩnh Nguyên, có thể cùng đồng hành với những người khác trên một đoạn đường, nhưng Đà Lạt của anh chắc chắn không giống hoàn toàn Đà Lạt của mọi người dù ai cũng yêu thành phố này.

Cái tình riêng ấy khiến anh đi tìm cách kiến giải cho mình, thôi thúc anh sưu tầm tư liệu, thực địa, và viết thành những trang đẫm cảm xúc trong cuốn sách để chia sẻ cho độc giả. Còn nhiều ngả đường khác anh chưa đặt chân tới nhưng tôi tin những chuyến du khảo của anh sẽ nhận được nhiều đồng cảm.

Thế hệ trẻ sẽ biết phần nào những gì chưa được biết và háo hức tìm hiểu về Đà Lạt hơn. Thế hệ trước anh nếu đọc sách sẽ có dịp ôn lại quá khứ và không tránh khỏi ngậm ngùi. Viết cuốn sách khơi gợi được tình cảm của nhiều dạng độc giả là thành công rồi.

Nữ sinh Đà Lạt - Ảnh: Trương Ngọc Thụy
Nữ sinh Đà Lạt - Ảnh: Trương Ngọc Thụy

Đà Lạt của từng cá nhân...

Đà Lạt khiến nhiều người tưởng đã biết rõ, đã dễ dàng hau háu mắt với cái ngồn ngộn trước mặt như vài cây thông, như 1 hồ nước, như cái lạnh se se và màu áo len... Không đâu, hành trình máy bay hay xe đò đó chỉ đưa ta đến bên rìa, lớp vỏ ngoài cứng của hạt hạnh nhân Đà Lạt.

Để đi đến tận cùng, để có thể nhấm nháp vị ngây ngất khó tả, để có thể sống bên trong, thấy mình thuộc về Đà Lạt, hay bất cứ một vùng đất, một địa danh nào, người ta phải mất rất nhiều thời gian cho cuộc phiêu lưu

Nguyễn Vĩnh Nguyên may mắn, anh đi đến cột mốc ấy với Đà Lạt.

Đà Lạt một thời hương xa vẽ Đà Lạt trong một khoảng thời gian đã mất, ngạt ngào với nhiều hương thơm từ khắp nơi trộn lại, nghiêm cẩn, thành kính nhưng quyến rũ. Đà Lạt trong sách được nhìn qua nhiều cách thế từ hội họa, âm nhạc, văn chương đến những ẩn cư chính trị, tư tưởng ngôn ngữ và dân tộc học...

Vì thế, không chỉ là một Đà Lạt của cá nhân tác giả mà còn là những Đà Lạt của từng cá nhân lớn của nghệ thuật miền Nam.

Đó là xứ miền bỏ hoang của Trịnh Công Sơn, họa sĩ Đinh Cường. Đó là thiên đường mộng rũ hết những đêm hoang vu của triết gia Phạm Công Thiện. Đó là đồi cỏ hồng sắc yêu đương của Phạm Duy.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên có buổi giao lưu với bạn đọc vào 8g30 ngày 7-10 tại 88 Lý Tự Trọng, P.2, TP Đà Lạt. Tại TP.HCM, vào 9g ngày 16-10, NXB Trẻ cũng tổ chức chương trình giao lưu cùng tác giả với sự dẫn chuyện của dịch giả Trần Đức Tài tại Đường sách Nguyễn Văn Bình.
Đà Lạt - Ảnh: Đặng Văn Thông

Là bóng ma trong sương mù của Linda Lê. Là ẩn mật nghiệt ngã hay từ chối thời cuộc của Nguyễn Bạt Tụy, Nhất Linh. Là cây đàn giấu trong lòng đất của đôi tình nhân kỳ lạ Lê Uyên - Phương. Là giấc mơ vượt núi công nghiệp của xe hơi La Dalat.

Là những nỗ lực hiểu rõ hư vô từ chính bản thân của nhóm sinh viên Huỳnh Phan Anh. Là rất nhiều đời sống vô danh, nền nã đã dựng nên một Đà Lạt trong trí tưởng của ta hôm nay.

Gấp sách, nhắm mắt lại, bạn sẽ để hương của đất, của người dẫn đường, về quá khứ cũng là cách để nhìn tới tương lai. (VƯƠNG THUẤN)

LAM ĐIỀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên