Không gian công cộng quanh hồ Xuân Hương hiện đang được nhiều du khách lui tới và đó cũng là nơi thường diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật cộng đồng - Ảnh: PY TRẦN
UBND TP Đà Lạt đã liên hệ với Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) để được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn thực hiện các thủ tục lập hồ sơ theo quy định của UNESCO.
Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các TP được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Tuổi Trẻ đã gặp đại diện TP Đà Lạt để ghi nhận ý hướng của TP này khi tham gia mạng lưới TP sáng tạo UNESCO.
Mở cửa cho hoạt động xanh - sáng tạo
Ông Trần Duy Hùng (bí thư Thành ủy Đà Lạt): Đà Lạt tiếp tục kiên trì với mục tiêu xây dựng đô thị xanh và sắp tới đưa TP này gia nhập mạng lưới TP sáng tạo UNESCO.
Đây là những kỳ vọng lớn của TP đã ấp ủ và đang thực hiện từ rất lâu thông qua nhiều dạng thức. Nhiều người có nói, có lẽ đô thị xanh hay đô thị sáng tạo UNESCO là kỳ vọng quá lớn cho Đà Lạt và sẽ khiến bộ máy gặp áp lực. Tôi không nghĩ vậy.
TP Đà Lạt có những yếu tố đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Trong hệ thống đô thị Việt Nam, Đà Lạt luôn được đánh giá là đô thị duy nhất tạo được ấn tượng nổi trội về sự khác biệt mà không đô thị nào có được với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc các thành phần cư dân, quy hoạch, kiến trúc.
Không đô thị nào cùng lúc sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận: di sản tư liệu "Mộc bản Triều Nguyễn" (năm 2009), di sản phi vật thể "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" (năm 2005) và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang (năm 2015).
Hiện Đà Lạt là địa điểm thu hút, tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, những nghệ sĩ tài năng đến với Đà Lạt để sáng tác, sáng tạo văn hóa - nghệ thuật.
Do đó, dù kỳ vọng có lớn nhưng xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị xanh và đô thị sáng tạo UNESCO là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng và xu thế. Điều này trở thành mục tiêu của bộ máy lãnh đạo trong giai đoạn tới.
Để sớm đạt được mục tiêu đô thị xanh và đô thị sáng tạo UNESCO thì cánh cửa triển khai các "hoạt động xanh", sáng tạo phải được mở, với: Phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững và thân thiện với môi trường, Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Thoạt nhìn, các nội dung trên có vẻ quen, nhưng thực ra đã được tái định nghĩa để đúng với xu thế xanh - sáng tạo.
Biểu diễn thời trang bên hồ Xuân Hương được mong đợi sẽ trở thành một sản phẩm du lịch của Đà Lạt - Ảnh: M.V.
Mở rộng không gian âm nhạc về Tuyền Lâm, Đankia - Suối Vàng
Ông Tôn Thiện San (chủ tịch UBND TP Đà Lạt): Sự độc đáo của đô thị Đà Lạt so với nhiều đô thị khác của Việt Nam và thế giới là một trong những nền tảng quan trọng, trời cho để TP từng bước trở thành không gian sáng tạo.
Do đó, tham gia mạng lưới TP sáng tạo UNESCO lĩnh vực "âm nhạc" là chuyện cần làm để đóng góp và cùng hưởng lợi từ mạng lưới này.
Mục tiêu của đề án không nằm ngoài việc tạo thêm sự hấp dẫn cho du lịch Đà Lạt, hỗ trợ cho hoạt động dịch vụ phát triển (một ngành chiếm 67% cơ cấu doanh thu của Đà Lạt) và hơn hết là tìm kiếm cho Đà Lạt một vị thế xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh rất riêng của mình.
Trở thành đô thị sáng tạo UNESCO không nằm ngoài mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững mà TP đang theo đuổi.
Tại Đà Lạt, gần đây đã có sự thay đổi trong hoạt động âm nhạc với những sân khấu có thể khai thác được cả trong mùa mưa. Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa xứng tầm. Quy hoạch sắp tới, các không gian biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc sẽ dịch chuyển về Đankia - Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm.
Đây là những không gian lớn, đủ để các nghệ sĩ phô diễn sáng tạo âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác. Nói đến quy hoạch, tôi muốn chứng minh TP đã chuẩn bị đủ nhiều để trở thành một không gian hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo.
Tiến trình để được tham gia mạng lưới TP sáng tạo UNESCO thì chúng tôi đang làm theo trình tự, nó là kỳ vọng lớn. Nói đến kỳ vọng có lẽ tôi nên nhìn thẳng đến những điều đang làm ảnh hưởng đến nỗ lực đạt được kỳ vọng, đó là những tiêu cực trong quản lý rừng trên địa bàn, lộn xộn trong kinh doanh du lịch, "cò" mứt...
Chúng tôi có hẳn Ban chỉ đạo 389 để xử lý những việc rất nhỏ nói trên nhưng ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch của TP, có khả năng "ngáng chân" tiến trình phát triển bền vững của Đà Lạt.
Thời gian qua có những chuyện này chuyện nọ liên quan tới bảo vệ rừng, kinh doanh dịch vụ, với người dân, du khách, tôi xin khẳng định đó là chuyện cá biệt, "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng với bộ máy quản lý, tôi nhìn nhận đó là việc lớn cần phải dẹp bỏ bằng những giải pháp đã xây dựng xong, đang triển khai...
Để thụ hưởng một không gian xanh, đô thị sáng tạo thì những chuyện lặt vặt nhưng có khả năng gây cảm xúc không tốt phải được dẹp bỏ.
Người dân, du khách dành cho Đà Lạt những kỳ vọng lớn, còn chúng tôi đang từng bước hoàn thiện việc nhỏ là quy chế quản lý, việc lớn là quy hoạch tương xứng để sớm biến kỳ vọng thành hiện thực.
Kỳ vọng về đô thị xanh, đô thị sáng tạo rất lớn, áp lực tạo ra đối với hệ thống quản lý cũng lớn nhưng đó cũng là động lực cho sự phát triển bền vững.
Lập lại các nguyên tắc phát triển ban đầu
Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (người tham gia góp ý cho quy hoạch 704, mở rộng Đà Lạt và vùng phụ cận): Gần đây, Đà Lạt được đặt nhiều kỳ vọng, các kế hoạch cho sự phát triển của đô thị này được phản biện nhiều.
Cũng đúng, đó là hệ quả khi người ta yêu sự đặc biệt của Đà Lạt. Hiện đô thị Đà Lạt đang đứng trước những thử thách lớn, vừa phải đáp ứng nhu cầu phát triển mới, vừa phải bảo vệ di sản quy hoạch kiến trúc và môi trường khí hậu thiên nhiên.
Tôi cho rằng để đối mặt và giải quyết các thử thách đó, Đà Lạt cần phải lập lại các nguyên tắc phát triển ban đầu: phục hồi hệ thống không gian công cộng trung tâm TP gắn liền với đồi Cù, hồ Xuân Hương, và các không gian xanh mặt nước trong các khu dân cư; bảo tồn các khu di sản phố Việt và phố Pháp; khuyến khích người dân trồng thêm cây, giảm bê tông hóa đô thị; không cho phép xây dựng công trình cao hơn ngọn cây hoặc chặt cây trong nội thành.
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng quy mô hiện đại với bản sắc thế kỷ 21, cần được định hướng và khuyến khích đầu tư tại các khu đô thị mới, trong tương quan kết nối tốt với khu trung tâm di sản và các thắng cảnh, thông qua mạng lưới giao thông công cộng thông minh.
Đà Lạt sẽ điều chỉnh quy hoạch là điều tất yếu để phát triển, tuy nhiên dù điều chỉnh như thế nào thì các nguyên tắc quy hoạch được xác lập nhiều lần trên hành trình hơn trăm năm phát triển của TP cần được giữ nguyên.
Giá trị của các nguyên tắc này đã được chứng minh. Tôi cho rằng, luồng đầu tư mới phải có tính chất kiến tạo, kéo giãn được không gian dân cư, không gian du lịch, từ đó phát triển không gian xanh, không gian sáng tạo. Nếu để áp lực đô thị dồn nén vào khu vực trung tâm sẽ mất không gian xanh và cũng khó lòng đạt được các tiêu chí của đô thị sáng tạo.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (người tham gia góp ý cho quy hoạch 704, mở rộng Đà Lạt và vùng phụ cận)
5.000 khán giả trong đêm nhạc The Veston tại Đà Lạt - Ảnh: ĐẠI NGÔ
Lõi mềm chất lượng cuộc sống
Ông Nguyễn Trung Hiền (người sáng lập không gian nghệ thuật Phố bên đồi - Đà Lạt, người kết nối các nguồn lực xây dựng thương hiệu "Đà Lạt - TP nghệ thuật": Ở Đà Lạt, mỗi nhà dường như đều có một cây guitar, chiếc máy ảnh phim, máy nghe nhạc, tủ sách... và người ta dường như đàn hát ở khắp nơi.
Những ngày còn bé, tôi chỉ biết nghe và cảm nhận thấy nó bình thường, dần lớn lên, xa Đà Lạt tới nhiều TP trên thế giới, nhất là châu Âu, tôi mới thấy nghệ thuật chính là hơi thở cuộc sống, là thứ đã làm nên tâm hồn Đà Lạt.
Để tạo dựng Đà Lạt thành một đô thị đáng sống, các chuyên gia về quy hoạch và đô thị đã cho rằng: ngoài việc đảm bảo sự an cư lạc nghiệp cho đa dạng nhóm cộng đồng, Đà Lạt nên được đặt trên những "lõi mềm" về chất lượng cuộc sống hơn là các "lõi cứng" về cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Đà Lạt với những đặc thù về hệ sinh thái kiến trúc, cảnh quan, với khí hậu và con người hiền hòa, TP đã được nhiều thế hệ người Việt Nam ưu ái gọi bằng những cái tên đầy thơ mộng, như "TP sương mù", "TP ngàn hoa", "TP tình yêu", "TP mộng mơ", nhưng đối với tôi Đà Lạt cần hơn thế nữa để đạt được các tiêu chí của TP sáng tạo UNESCO.
Đây cũng là một thách thức mang tính tích cực và thú vị giúp TP hòa mình vào mạng lưới các TP sáng tạo trên toàn cầu hướng đến sự phát triển bền vững dựa trên những thông số cụ thể mà Liên Hiệp Quốc đã đưa ra.
Gần đây theo tôi biết cũng đã và đang có những không gian sáng tạo, không gian nghệ thuật mới, các nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học và các bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực sáng tạo đang sinh sống tạo thêm nhiều trải nghiệm thú vị về văn hóa nghệ thuật, giáo dục cùng cộng đồng địa phương và khách du lịch.
Đây sẽ là những nhân tố quan trọng trong việc đạt được các tiêu chí của một TP sáng tạo. Và đặc biệt TP Đà Lạt cũng cần có những chính sách hỗ trợ cũng như chiến lược ưu tiên phát triển cho các lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận