Và không chỉ Đà Lạt, câu chuyện "hễ mưa là phố nổi lên thôi" đã và đang diễn ra ở nhiều vùng cao khác như Bảo Lộc, Lạng Sơn...
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nghịch lý phố núi ngập chìm trong nước mưa. Đầu tiên là địa hình, địa chất, những vùng trũng của TP thường bị ngập. Các khu vực ngập của Đà Lạt thuộc lưu vực các dòng suối chảy trên địa bàn như Cam Ly, Phan Đình Phùng...
Trong khi mỗi dòng suối của Đà Lạt có nhiều hồ đập tự nhiên, nhưng những năm gần đây một số hồ bị lấp trong khi diện tích nhà kính trên địa bàn lại tăng lên nhanh chóng.
Diện tích nhà kính hiện chiếm tới 50% diện tích tự nhiên của Đà Lạt, đó là thực trạng phải nhìn thấu nếu muốn giải quyết tận gốc chuyện ngập do mưa.
Theo lẽ tự nhiên, Đà Lạt có nhiều suối, hồ tự nhiên thì vấn đề thoát nước mưa phải rất dễ dàng, nhưng nghịch lý cứ mưa là ngập của Đà Lạt thời gian qua cho thấy cần đánh giá lại quy hoạch san nền và thoát nước mưa của TP, cần làm rõ vì sao nước mưa lại không thoát được ra suối, hồ tự nhiên như trước đây.
Và cũng cần thấy rằng Đà Lạt ngập nặng lỗi không chỉ tại "ông trời". Diện tích nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân TP đang quá lớn.
Bình thường nước mưa sẽ tự nhiên thấm xuống đất, nhưng khi nhà kính mọc lên, nước mưa không thấm được, trong khi TP lại thiếu quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước mưa cho hệ thống nhà kính nông nghiệp nên ảnh hưởng trực tiếp tới dòng chảy các suối tự nhiên khi có mưa lớn.
Nước mưa từ hệ thống nhà kính chảy ra lưu vực suối với lưu lượng lớn sẽ làm cho tình trạng ngập úng một số khu vực của TP nặng nề hơn.
Nguyên nhân thứ hai dẫn tới Đà Lạt ngập trong mưa là do hệ thống thoát nước đô thị và diện tích hồ điều hòa, điều tiết nước trên bề mặt đô thị không đáp ứng yêu cầu.
Nhiều hồ nước, suối tự nhiên đã bị lấp đi trong quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thoát nước tự nhiên đô thị.
Cùng với đó, hệ thống thoát nước đô thị xây dựng từ lâu, ít được duy tu bảo dưỡng, không liên kết thông suốt cũng không bảo đảm khả năng thoát nước khi có mưa lớn.
Nhưng nguyên nhân lớn nhất dẫn tới úng ngập ở Đà Lạt và nhiều đô thị khác hiện nay là do biến đổi khí hậu quá phức tạp, lượng mưa dị thường và quá lớn trong một thời gian ngắn dẫn tới mạng lưới thoát nước đô thị bị quá tải.
Ví dụ quy hoạch hệ thống thoát nước của Hà Nội dự báo và tính toán đủ khả năng thoát nước với lượng mưa lớn nhất lên tới 150mm/ngày nhưng thực tế những năm qua có những trận mưa lên tới hơn 400mm/ngày.
Lượng nước mưa tăng đột biến, hệ thống không kịp tiêu thoát dẫn tới ngập cục bộ tại nhiều khu vực đô thị.
Muốn chống ngập cho những đô thị trên núi như Đà Lạt, trước tiên cần xem xét địa mạo bề mặt đô thị có cản trở dòng chảy không, đồng thời phải tính toán tới các giải pháp điều hòa không gian mặt nước hồ tự nhiên hiện hữu để tăng khả năng thoát nước.
Đây không chỉ là vấn đề với Đà Lạt mà hầu hết các đô thị ở miền Nam hay khu vực miền núi phía Bắc đang đối mặt.
Diện tích tự nhiên của Đà Lạt hiện nay chưa tới 400km2. Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, TP sẽ mở rộng diện tích lên trên 3.000km2 trong những năm tới, bao gồm diện tích của huyện Đức Trọng và một phần các huyện Đơn Dương, Lạc Dương.
Vì thế rất cần một đề án tổng thể giải quyết câu chuyện ngập của TP trong hiện tại và tương lai gắn với các lưu vực suối, hồ tự nhiên trên địa bàn, đồng thời cần tính toán hài hòa vấn đề thoát nước cho hệ thống nhà kính trên địa bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận