Nội ô Đà Lạt có mật độ xây dựng bê tông cực lớn - Ảnh: M.VINH
Trận ngập dù nhỏ và diễn ra trong thời gian rất ngắn ở một số tuyến đường trung tâm nhưng gây "chấn động" với người dân và du khách. Trong trận ngập, người dân phải tìm cách gỡ rác ra khỏi các cống dẫn nước để tự cứu lấy mình.
Người dân dọn rác tràn lên từ suối Cam Ly - Ảnh: ĐỨC THỌ
Sau trận ngập, chúng tôi lần theo suối Cam Ly và ghi nhận người dân vô tư xả rác xuống suối, mặc cho đây là tuyến suối quan trọng dài hơn 70km, chảy xuyên qua Đà Lạt, mang nước vào hệ thống sông Đồng Nai.
Ông Phan Công Ngôn, nguyên chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, là một trong những người đầu tiên lên tiếng về áp lực của rác sinh hoạt, rác nông nghiệp đổ dồn lên hệ thống suối Cam Ly. Lượng rác này làm giảm khả năng thoát nước của hệ thống suối.
Ông Ngôn cho rằng việc nới rộng lòng suối, kiên cố hai bên bờ suối rất quan trọng. Nhưng nếu không giảm được lượng rác xả xuống suối thì những nỗ lực trước đó thành vô nghĩa.
Để tăng tốc độ thoát nước, người dân cố gắng vớt rác bị kẹt ở đoạn cống thoát suối Cam Ly giao giữa đường Phan Đình Phùng - Ảnh: ĐỨC THỌ
UBND TP Đà Lạt cho rằng chỉ ngập cục bộ trong thời gian ngắn. Đoạn cuối đường Phan Đình Phùng giao với suối Cam Ly là điểm ngập mới xuất hiện. Ngập ở Đà Lạt có nhiều nguyên nhân liên quan đến nhiều vấn đề mà thành phố đang xử lý như hệ thống thoát nước, nhà kính.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận nhà lưới, nhà kính ở nội ô và ngoại ô phối hợp với việc gia tăng mật độ bê tông ở nội ô làm suy giảm hệ số thấm.
Xe cơ giới vớt rác để thông suối Cam Ly - Ảnh: ĐỨC THỌ
Mưa lớn trong thời gian ngắn cũng là một nguyên nhân gây ra lũ. Tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân cốt yếu. Những trận nước dâng cao đột ngột gây lũ diễn ra với tần suất ngày càng dày hơn có nguyên nhân rất lớn từ việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính tại Đà Lạt, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly.
Theo các số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất rau hoa của Đà Lạt khoảng 18.000ha nhưng có khoảng 10.000ha nhà kính. Diện tích nhà lưới nhà kính chủ yếu nằm ở những vùng nông nghiệp lớn dọc suối Cam Ly như Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh.
Các công trình dang dở dọc suối Cam Ly đã làm hẹp dòng chảy - Ảnh: ĐỨC THỌ
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, lý giải về những quan sát trong nhiều năm liền của mình: "Về lý thuyết thì những vùng đất có nhà kính có hệ số thấm nước bằng không. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm ni lông và bằng cách nào đó đổ ào ào ra suối. Nước không thấm vào đất giọt nào hết. Mưa to vậy nhưng bên trong nhà kính đất khô ran, kiểu như mình mặc áo mưa đi dưới trời mưa vậy.
Lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh. Đà Lạt đối mặt với việc mưa thì có lũ, nắng thì hạn, kiệt nước. Nước không thấm vào đất khiến suy kiệt nước ngầm ở những vùng đất có nhà kính. Và ở đây chất lượng đất nông nghiệp cũng sẽ suy giảm rất nhanh".
Trong trung tâm TP Đà Lạt, các công trình kiên cố có khối tích lớn vẫn đang tiếp tục được xây dựng - Ảnh: MAI VINH
Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn, nguyên trưởng khoa môi trường Đại học Đà Lạt, nhìn nhận bê tông hóa tạo nên một áp lực lớn lên hệ thống thoát nước của TP Đà Lạt. Đà Lạt vốn được quy hoạch cho khoảng 20.000 dân. Tuy nhiên, đến nay lượng dân số cơ hữu đã hơn 200.000 người, nếu tính cả du khách và người dân vãng lai là 300.000 người.
Hệ thống thoát nước của thành phố từng được cải tạo một lần nhưng vẫn không đáp ứng được mức độ bê tông hóa ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Nước tại chỗ đã không thoát kịp, lại thêm nước từ thượng nguồn đổ về ồ ạt (do suy giảm rừng và tác động xấu của nhà kính) khiến vùng nội ô đối mặt với ngập lụt do mưa. Và việc này sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu không giải được bài toán tác động xấu từ bê tông hóa và nhà kính ở nội ô lẫn vùng ngoại ô.
Dọc suối Cam Ly, đoạn chảy qua nội ô, xuất hiện nhiều công trình lấn chiếm hành lang suối - Ảnh: ĐỨC THỌ
Nước rút đi, rác ở lại - Ảnh: ĐỨC THỌ
Một công trình ngang nhiên lấn chiếm lòng suối Cam Ly - Ảnh: ĐỨC THỌ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận