01/09/2020 08:11 GMT+7

Đã là Tuổi Trẻ thì phải có nét riêng

ĐỨC BÌNH - HỒNG QUÂN ghi
ĐỨC BÌNH - HỒNG QUÂN ghi

TTO - "Bên cạnh việc xây dựng tờ báo điện tử lớn mạnh thì Tuổi Trẻ cần phát huy tờ báo Tuổi Trẻ truyền thống (báo giấy) để độc giả không bao giờ quên được. Đã là Tuổi Trẻ thì phải có nét riêng và phải giữ được cái nét riêng đó như một thương hiệu…".

Đã là Tuổi Trẻ thì phải có nét riêng - Ảnh 1.

Ông Lê Như Tiến - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Tôi tin chắc với những bài báo đi đến cùng sự việc thì bạn đọc sẽ càng tin tưởng vào Tuổi Trẻ.

Ông Lê Như Tiến

Ông Lê Như Tiến - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đã nhấn mạnh như vậy khi tâm sự cùng Tuổi Trẻ.

Tuổi Trẻ đã tạo sức bật cho giới trẻ

Tuổi Trẻ, bản thân nó nói lên đây là tờ báo của tuổi trẻ và có sức trẻ. Trong suốt 45 năm qua, tờ báo đã đem lại nhiệt huyết, sự nồng ấm, sức bật của tuổi trẻ, thanh xuân. Tuổi Trẻ đã làm được điều ấy bằng những bài báo ấn tượng ghi lại, khẳng định lớp trẻ đối với sự phát triển của xã hội, đất nước.

Hơn 30 năm nay, tôi đã đọc báo Tuổi Trẻ, từ khi chưa là tờ nhật báo. Báo Tuổi Trẻ đã phản ánh những công việc của cả nước, những bài đưa lên vấn đề thời sự, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, quốc phòng, an ninh, tất cả các lĩnh vực. 

Tờ báo vừa có tính chất đặc trưng của TP.HCM nhưng lại vừa có sức lan tỏa đến tuổi trẻ cả nước, nhiều nội dung phong phú, đa dạng không chỉ gói gọn trong tầng lớp thanh niên, không chỉ gói trọn trong phạm vi TP.HCM, mà đã vươn tầm cả nước và ra cả thế giới.

Khi còn công tác, mỗi lần ra nước ngoài, tôi vẫn lên mạng đọc thông tin từ Tuổi Trẻ. Có thể khẳng định báo Tuổi Trẻ đã phản ánh đầy đủ, lan tỏa, cả ở nước ngoài.

Sức lan tỏa và ảnh hưởng đến bạn đọc rất lớn. Báo Tuổi Trẻ luôn luôn thổi một luồng gió mới, sức sống mới, sáng tạo đổi mới, căng tràn sức bật không chỉ với lớp thanh niên mà thổi vào các thế hệ khác. 

Bằng nhiều chuyên mục, bài viết, Tuổi Trẻ đã hun đúc được tinh thần thanh niên, tinh thần tuổi trẻ, sức bật của tuổi trẻ, sự năng động, đổi mới, sáng tạo của giới trẻ.

Đã là Tuổi Trẻ thì phải có nét riêng - Ảnh 3.

Dành nhiều nội dung cho giới trẻ hơn

Xu hướng báo mạng, báo điện tử gần như lấn át báo giấy và với báo Tuổi Trẻ, ngoài báo giấy thì cũng không thể không phát huy vai trò của báo Tuổi Trẻ Online. Báo điện tử nhanh nhạy, tiếp cận bạn đọc kịp thời hơn.

Tuy nhiên, tại các nước có trình độ công nghệ thông tin mạnh như Anh, Mỹ, Nhật..., những tờ báo giấy vẫn chiếm vị trí rất lớn. Tôi cũng mong Tuổi Trẻ phát triển báo điện tử, cũng cần chú trọng, quan tâm xây dựng và giữ chất của báo giấy để hằng ngày trên sạp báo vẫn còn báo Tuổi Trẻ.

Cá nhân tôi vẫn trân trọng tờ báo giấy như một tờ báo truyền thống, mỗi buổi sáng nhâm nhi cà phê và thưởng thức một tờ báo. Đừng vì sức mạnh của mấy ông khổng lồ, báo điện tử, trang mạng... để rồi quên đi tờ báo giấy truyền thống đã làm nên thương hiệu của mình.

Theo tôi, Tuổi Trẻ cần dành nhiều hàm lượng hơn cho giới trẻ. Có những số báo tôi cầm lên thấy dung lượng dành cho giới trẻ chưa được nhiều so với các thông tin khác. Toàn diện thì tốt, nhưng phải có nét đặc trưng. 

Khi cầm tờ báo Tuổi Trẻ lên, người đọc thấy được dấu ấn của tuổi trẻ. Tức là phải có những chuyên mục sâu sắc của tuổi trẻ, ví dụ như: "Tâm sự của người trẻ", "Lớp trẻ có ý kiến", "Cử tri trẻ phát biểu", "Tiếng nói đại biểu Quốc hội trẻ", "Đoàn viên trẻ lên tiếng"...

Lâu nay chúng ta ca ngợi tấm gương người tốt, việc tốt trong giới trẻ. Nhưng nay phải làm sao kích thích nhiều thanh niên ngoài dám nghĩ, dám làm còn tham gia chính quyền, quản lý xã hội. Hiện nay, cán bộ trẻ lãnh đạo dưới 40 tuổi rất nhiều. 

Báo Tuổi Trẻ cần khơi dậy thêm để lớp trẻ tham gia tạo các giá trị gia tăng cho xã hội, tức là anh phải có suy nghĩ đóng góp, sáng tạo, đổi mới...

Ví dụ như phong trào thanh niên khởi nghiệp, thay vì anh đi làm thợ cho người khác thì về mở xưởng, thu hút anh em, bạn bè tạo ra các giá trị gia tăng cho chính mình và xã hội. 

Không chỉ có bài động viên tuổi trẻ đi nhặt rác, xử lý bãi thải, mà phải có những bài để tạo hiệu ứng, phong trào thanh niên xung kích, sáng tạo trong việc làm sao để giảm thiểu rác thải như thanh niên sáng tạo, sáng chế máy xử lý rác như cách người Nhật đã làm. 

Báo phải có những tuyến bài khuyến khích thanh niên làm những việc lớn lao, phải suy nghĩ, sáng tạo, lập nghiệp, khởi nghiệp trong tất cả các lĩnh vực xã hội.

Tuổi Trẻ cũng cần có những chuyên mục góp ý, xây dựng cho Đảng và Nhà nước. Tôi cảm nhận gần đây Tuổi Trẻ như giảm sức chiến đấu. Hình như chúng ta hơi dè dặt trong đấu tranh, còn thiếu những loạt bài phóng sự điều tra, đi đến tận cùng sự việc như trước đây Tuổi Trẻ từng làm.

Tính chiến đấu trong tờ báo Tuổi Trẻ phải được nâng cao. Lớp trẻ là kế cận, nguồn nhân lực dự bị cho Đảng, Nhà nước thì phải có bản lĩnh đối với những tiêu cực, mặt trái xã hội, cần mạnh mẽ hơn nữa. 

Cần có những loạt bài phóng sự điều tra và coi đây như điều khẳng định của tờ Tuổi Trẻ đối với các vấn đề kinh tế, xã hội, những vấn đề mà độc giả quan tâm. Từ đó tạo niềm tin trong lòng bạn đọc ngày càng sâu đậm hơn...

Chúc ban biên tập, phóng viên, cán bộ, công nhân viên báo Tuổi Trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết để đóng góp cho xã hội nhiều hơn nữa, xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của bạn đọc trong gần nửa thế kỷ qua.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Lan tỏa việc tốt, chiến thắng cái ác, cái xấu

Những nội dung tôi thường quan tâm tìm đọc trên Tuổi Trẻ là về các vấn đề thời sự chính trị, xã hội, các phóng sự điều tra, các tấm gương người tốt, việc tốt và các vấn đề quốc tế. Tôi coi Tuổi Trẻ là món ăn tinh thần không thể thiếu, là người bạn tâm giao và là kênh thông tin tổng hợp... giúp tôi nắm được tình hình trong nước, quốc tế nhanh và khá đầy đủ.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung tờ báo, tôi mong muốn đóng góp một vài ý kiến nhỏ với ban biên tập:

Một là, rất cần có thêm nhiều phóng sự điều tra về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Đây là mảng nội dung vốn là thế mạnh của Tuổi Trẻ, luôn được bạn đọc quan tâm, đón nhận.

Tôi rất mong Tuổi Trẻ tập trung điều tra tận nơi vấn nạn làm hàng giả, liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu như sản xuất kem đánh răng, dầu gội đầu… (tôi đã mua phải những sản phẩm như vậy và bị ảnh hưởng đến sức khỏe), việc sử dụng thuốc, hóa chất bảo quản rau quả, thực phẩm.

Hai là, cần có thêm nhiều hơn nữa các bài viết về người tốt, việc tốt. Đây là nội dung Tuổi Trẻ đã làm rất tốt trong những năm qua, có tác động, ảnh hưởng lan tỏa rất tốt. Từ đó củng cố niềm tin cho bạn đọc và mọi người về những điều tốt đẹp trong cuộc sống luôn ở quanh ta, luôn đồng hành cùng ta để chiến thắng cái xấu, cái ác.

Ba là, chuyên mục quốc tế luôn bám sát tình hình, phản ánh kịp thời những vấn đề nóng mà bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên, các bài viết cần thể hiện sự khách quan hơn nữa, không nên thể hiện quá rõ tình cảm của người viết (ví dụ đưa tin, rút tít, viết bài bình luận về bầu cử tổng thống ở Mỹ, về tình hình, quan điểm, thái độ với Trung Quốc…).

Cuối cùng, nếu có thể được, cần có sự cải tiến công nghệ in báo giấy để đảm bảo vệ sinh cho bạn đọc. Với tôi, mỗi lần đọc báo xong là hai bàn tay đen nhẻm vì mực in báo, phải đi rửa tay bằng xà phòng.

Là người cộng tác viết báo và đọc báo Tuổi Trẻ thường xuyên mấy chục năm qua, mỗi khi cầm tờ báo, tôi luôn có sự hứng khởi bởi đây là tờ báo có sự cập nhật thông tin nhanh nhạy, có quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội, đời sống.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)

Tuổi Trẻ giúp lan tỏa động lực sống tích cực Tuổi Trẻ giúp lan tỏa động lực sống tích cực

TTO - Đó là điều PGS.TS Chu Cẩm Thơ - người nhận học bổng "Học trò giỏi hiếu thảo" của báo Tuổi Trẻ hơn 20 năm trước - ấn tượng nhất khi nói về buổi giao lưu học sinh, sinh viên tiêu biểu do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2000.

ĐỨC BÌNH - HỒNG QUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tuổi Trẻ 45 năm