28/05/2016 09:28 GMT+7

Đã khát nước ngọt lại còn khát chữ

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Một vài cơn mưa lớn đã đổ xuống, nhưng cái nắng tháng 5 vẫn chiếu gay gắt trên cánh đồng lung phèn chỉ có cây tràm mới có thể sống khỏe. Trẻ em và người già ở đây vẫn “khát chữ” như chính mảnh đất này quanh năm khát nước ngọt.

Chị Thoảng luôn cố gắng chắt chiu để ba đứa con mình được bữa cơm đầy đủ - Ảnh: Sơn Lâm
Chị Thoảng luôn cố gắng chắt chiu để ba đứa con mình được bữa cơm đầy đủ - Ảnh: Sơn Lâm

Và nhằm tiếp sức các hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, có điều kiện tốt hơn chăm lo cho con em ăn học thành tài, ngày 28-5, tại tỉnh Long An, báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao vốn chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” cho 120 hộ nông dân đến từ hai tỉnh Long An, Tiền Giang.

Nỗi lo cháu bỏ học ngang

Ngồi trước mái hiên nhà, ông Ba Tưởng dường như chẳng để ý gì đến cái nóng oi bức đang bao quanh.

Ông đang rầu vì từ đầu tháng đến giờ ông chỉ mới mần thuê và kiếm được có 320.000 đồng. Khi nghe được nhận vốn hỗ trợ, ông Tưởng mắt sáng ngời, dự định: “Có đồng vốn, mình xây cái chuồng bắt heo cho bà nhà nuôi, rồi móc thêm cái ao trước nhà nuôi cá tạp... Lúc đó yên tâm đi chặt tràm cũng nhẹ tay hơn. Cái khổ vây lấy mình rồi, phải cố cho cháu đi học để tụi nó thoát khỏi cái rừng tràm này”.

Quê ở huyện Cần Giuộc, Long An, ông Ba Tưởng tên thật là Lê Hoàng Tường, cùng vợ đã về bên bờ kênh xáng Nhơn Xuyên, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Phú, Long An này từ năm 1978. Chính cái rừng tràm bạt ngàn này đã lậm vào vợ chồng ông cái nghề đeo đẳng tới giờ: chặt tràm thuê.

Ba đứa con của ông Ba Tưởng lớn lên. Làm được bao nhiêu, vợ chồng ông Ba Tưởng đều dồn để con cái đi học. Nhưng nhà ông khi ấy như lọt thỏm giữa rừng tràm, đường chưa có, cả ba người con lội bộ, sáng đi chiều về, tới năm lớp 6 đều chịu không nổi, bỏ học ngang. Hai người con gái lớn sau đó tìm lên TP.HCM làm công nhân.

“57 tuổi rồi, tui nghiệm lại thấy cái khổ chưa bao giờ chịu buông tha cho mình” - người đàn ông nổi tiếng siêng việc, hiền lành, cần cù của ấp Nhơn Xuyên bỗng thở dài cắt ngang lời kể.

năm trước, người con gái sau sinh liền hai bé Trần Lê Như Ý và Trần Lê Gia Bảo thì vợ chồng cũng đường ai nấy đi. Thương hai đứa cháu, vợ chồng ông Ba Tưởng lại quày quả lên đưa cháu về nuôi.

Giờ Như Ý đã học xong lớp 2 với lời khen giỏi nhất lớp từ cô giáo chủ nhiệm. Gia Bảo cũng xong lớp 1. Mẹ hai bé đã lập gia đình khác từ lâu, cũng khổ, nên gần như chẳng có thời gian về thăm con. Miếng ăn và nỗi lo cháu phải bỏ học ngang lại trùm lấy vợ chồng già.

Ước mơ thoát khỏi vuông tràm

Cách nhà ông Ba Tưởng không xa, căn nhà vách lá, tấm lợp fibro ximăng của chị Nguyễn Thị Thanh Thoảng cũng nép bên dòng kênh Nhơn Xuyên, lọt thỏm giữa rừng tràm. Căn nhà vẫn không thay đổi từ lúc chồng chị Thoảng mất vì tai nạn ghe trên sông mấy năm trước. Một gian thờ, hai cái giường cho bốn mẹ con và một gian bếp.

38 tuổi, cái lam lũ khắc rõ trên người chị Thoảng. Tám công ruộng được cha mẹ cho từ khi ra riêng, mấy năm nay chỉ một tay chị làm. “Nhưng chủ yếu vụ đông xuân thôi, vụ hè thu ở vùng này hên xui lắm” - chị Thoảng nói.

Vụ vừa qua gặt từ tháng 2, chị Thoảng lời được mười mấy triệu đồng rồi chắt chiu sống cho đến giờ. “Đang chờ nước mặn rút đi để sạ ruộng mà chờ hoài” - chị Thoảng thở dài.

Con trai lớn của chị, em Nguyễn Văn Thư vừa xong lớp 10, bé giữa Nguyễn Thị Ngọc Hân vừa xong lớp 8, bé út Nguyễn Thị Ngọc Tuyền đang gửi mẫu giáo. Một tháng tằn tiện, chi phí cho con đi học ít nhất cũng hơn 2 triệu đồng. Nên ai thuê gì chị làm đó, gieo cấy, làm cỏ, dọn tràm...

“Đằng nào cũng phải cho tụi nhỏ đi học tới nơi tới chốn để thoát được khỏi vuông tràm này” - chị Thoảng quả quyết khi nhìn con trai lớn Nguyễn Văn Thư sắp xếp lại đống sách vở trên chiếc giường của mình.

Mưa đổ hột trên tấm lợp, vách lá cũng run bần bật. Chị Thoảng cũng chưa tính chuyện sửa nhà. Chị nói nếu có tiền hỗ trợ phải ưu tiên sửa lại cái chuồng heo để bắt chục con heo thịt về nuôi, nếu heo được giá thì khoảng hai tháng cũng có thêm được mấy triệu lo cho tụi nhỏ vào năm học tới.

Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” sẽ trợ vốn cho 120 hộ nông dân các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa (tỉnh Long An), Cái Bè, Gò Công Đông và thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Mỗi hộ được trợ vốn không lãi suất 20 triệu đồng trong vòng hai năm, ngoài ra còn được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng/hộ. Dịp này, 120 học sinh, sinh viên vượt khó là con nông dân tham gia chương trình cũng được tặng thưởng 1 triệu đồng/em.

Đây là lần thứ ba chương trình này trợ vốn cho nông dân tỉnh Long An và lần thứ hai trợ vốn cho nông dân tỉnh Tiền Giang. Trong năm 2016, chương trình này được tổ chức tại sáu tỉnh là Hà Nam, Hưng Yên, Bình Định, Vĩnh Long, Long An và Tiền Giang với kinh phí mỗi tỉnh là 1,38 tỉ đồng.

T.B.

Niềm hi vọng cuối cùng

Vợ mất bởi căn bệnh ung thư quái ác cách đây gần một năm, anh Nguyễn Văn Niên (ngụ ấp Gò Me, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) chịu cảnh gà trống nuôi ba đứa con trai bé bỏng. Anh kể cuộc sống trước đây tuy có khó khăn nhưng cũng đắp đổi qua ngày. Đùng một cái chị bị ung thư nên tài sản ít ỏi lần lượt phải bán đi theo từng toa thuốc chữa trị bệnh. Ngày vợ mất, trong nhà anh chỉ còn hai con dê mà lại nợ ngân hàng 15 triệu đồng chưa trả được, nợ bà con lối xóm gần 20 triệu đồng đến nay cũng đang khất lần khất lữa.

Trong căn nhà rộng khoảng 50m2 được lợp bằng tôn nóng hầm hập, anh kể cuốc đất, đào mương, làm cỏ, vác lúa... ai kêu gì anh làm nấy để kiếm tiền lo cho con. Gần 10 sào ruộng (1.000m2) mẹ anh cho canh tác mỗi năm không đủ gạo để ăn nên anh lên liếp trồng cỏ nuôi dê kiếm thêm thu nhập. Mấy tháng qua, hạn mặn đã làm cỏ chết khô nên anh phải đạp xe rất xa mới tìm được cỏ cho mấy con dê.

“Tui vừa nghèo, vừa dốt. Có ba đứa con thì đứa lớn bị bại não phải chăm nom suốt đời. Con giữa đang học lớp 7 phải nghỉ học để phụ giúp chuyện nhà. Đứa con út vừa học hết lớp 1 có thể xem là niềm hi vọng cuối cùng, lẽ nào để nó thất học được” - anh Niên mắt dõi xa xăm, trút bầu tâm sự.

Khi biết được chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” hỗ trợ vốn, anh Niên không giấu nổi vui mừng và cho biết dự kiến mua hơn 500 con gà ta để nuôi. Ngoài việc có thêm thu nhập tốt, việc chăn nuôi gà sẽ giúp anh có thời gian ở nhà chăm sóc đứa con lớn bị bệnh tật và đưa đón đứa con út đi học.

THANH TÚ

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên