Đá nhân tạo, đá vĩnh cửu (scotch rocks, cooling cubes, whiskey stones...) là phức hợp nhẹ, gồm nhân lạnh bên trong, bọc ngoài bằng lớp vỏ, thường là thép không gỉ (một số dùng hẳn đá tự nhiên)... được bà con ta gọi nôm na là đá inox.
Sang, nhưng không hơn mấy... bình dân
Chẳng mới mẻ gì, kiểu làm lạnh “xanh vỏ đỏ lòng” này xuất hiện từ lâu trong túi gel ướp thịt cá, bảo quản vaccine, túi chườm, hộp lạnh cho quạt điều hòa... Cái tên “vĩnh cửu” nghe oách, ý bảo là đồ dùng lại, không có gì sánh ngang trời đất trong đó.
Hành trạng của đá vĩnh cửu tựu trung không hơn đám đá viên là mấy. Vẫn phải tích lạnh trước, nếu không thì không hơn cục sắt chọi chim đắt tiền. Lợi lạc sáng sủa hơn cả của đá vĩnh cửu là không làm thay đổi chất lượng đồ uống, bởi không có gì tan thành nước, đẹp lòng mấy ông nhâm nhi rượu Tây, mấy cô cậu phê nước ngọt có gas...
Đá vĩnh cửu an toàn?
Nếu đá viên luôn mang theo sự e dè về nguồn nước thì với đá nhân tạo, thứ cần cầm lên đặt xuống là võ nghệ của lớp bọc ngoài. Tựu trung, nếu lớp vỏ đủ kiên gan giữ chặt gel lạnh bên trong ở đâu ở đó, không rò rỉ và đủ lạnh lùng không để xảy ra phản ứng hóa học (rồi gửi ít kim loại “lấy thảo” vào đồ uống!) thì đá vĩnh cửu được coi là an toàn!
Inox quốc dân
Inox 304 (20% crom,10% niken...), loại thép không gỉ quốc dân, tung hoành từ nồi, niêu, xoong, chảo đến bình giữ nhiệt, gần như không đối thủ cho vai trò mới. Hầu hết đá nhân tạo chọn mặc giáp inox 304 nên thường bị gọi chết tên là đá inox. Như vậy, tạm cao gối ngủ yên với sự đầu quân của inox 304 trong lĩnh vực đá lạnh, miễn không có vài chữ “nhưng” sau đó.
Trộm long tráo phụng
Chữ “nhưng” đầu tiên thường lệ là màn “trộm long tráo phụng”. Nếu không phải inox 304 mà là hàng cấp thấp như inox 201, 430 thì mấy viên đá lanh canh trong cốc, gọi là giao trứng cho ác là còn nhẹ. Bẵng vài tháng mà phát hiện thấy mấy viên đá vĩnh cửu có dấu hiệu gỉ sét là biết ngay ăn trúng quả lừa của nhà sản xuất.
Inox 304 mình đồng da sắt nhưng với môi trường tích - nhả nhiệt liên tục, khó nói về kiên cố, trơ hóa học, trước sau như một. Ngành cầu đường có khái niệm “mỏi kim loại”, na ná cách mấy viên đá inox dãi dầu nóng lạnh. Dù là thép quốc dân nhưng ai cũng biết luôn có các khuyến cáo thòng theo khi xài đồ inox, đặc biệt hạn chế đồ uống tính axít. Whisky, Napoleon, Chivas, Hennessy, nước trái cây - khách ruột, khổ nỗi là những thứ ăn mòn kim loại tẩm ngẩm tầm ngầm.
Uống bằng mắt
Còn phải kể khoản thiệt “khoái cảm”. Tiếng là làm nhạt đồ uống, nhưng mấy cục đá viên khó qua mặt cốt cách tự nhiên, quen thuộc, dễ gần. Người sành ăn và uống cả bằng mắt nên thay đá viên mấy hòn inox “mặt lạnh như tiền”, khó tránh chút bất an, khó gần, thậm chí hỏng cả khẩu vị. Tanh tao là mùi gốc của kim loại, tinh ý, người ta có thể nhận ra vị sắt thép trên đầu lưỡi.
Gãy răng, sứt ruột
Còn phải kể... tai nạn đường uống từ đá inox. Va chạm giữa thủy tinh và mấy cục sắt ẩn tàng nguy cơ nứt vỡ. Tiêu tùng hàng tiền đạo nếu lỡ cắn phải, nuốt trọng làm khổ bộ đồ lòng là các sự biến tiếp theo, nhất là với trẻ em, trẻ trâu, mấy ông rượu vào lời ra, vừa dzô dzô vừa “đắp mộ cuộc tình”...
Xanh vỏ nhưng có đỏ lòng?
Đá nhân tạo tiếng sạch hơn đá viên nhưng cần lau rửa thường xuyên, nếu không dễ trở thành ổ bệnh. Khi cho vào tủ đông, đá thép cũng chịu y xì kiếp nạn phơi nhiễm từ đồ sống sang đồ chín.
Đầu giờ soi cái vỏ nhưng bộ lòng cũng lắm chuyện chẳng thua. Không như túi gel ướp cá vỏ bằng nhựa PE, đá vĩnh cửu chơi lớn với inox nên sự cố rò rỉ hiếm. Hiếm nhưng rủi thì chuyện gì xảy ra? Đơn cử với gel làm lạnh từ SAP/super absorbent polymer. Khả năng hút nước kinh hoàng khiến SAP được chuộng trong ngành hút/giữ ẩm, đặc biệt ngành tã lót, băng vệ sinh... SAP đại thể được xem là an toàn, nhưng cho đường dùng ngoài. Lỡ nuốt phải, chậm mà chắc, SAP trương nở chà bá, không khó hình dung một ca tắt ruột, ngạt thở, bít đại tiện tiếp theo...
Không gì hơn đồ nhà!
Thực tế sau trend tò mò, giải quyết khâu oai với đá nhân tạo, rất nhiều thực khách vỡ ra “chưa đi chưa biết Đồ Sơn, đi rồi mới biết không hơn đồ nhà”, cuối cùng cũng quay lại với mấy viên đá ta về tắm ao ta. Vấn nạn làm hỏng thức uống hoàn toàn có thể khắc phục bằng việc ướp lạnh.
Lợi điểm bất tan thành nước khiến lắm khi đá gel, đá inox bị gọi quàng cả gói là đá khô. Đá khô, băng khói, xài hàng độc CO2, với khả năng làm lạnh cũng như độc hại thuộc “cảnh giới” khác. Điển hình như tai biến sốc lạnh, kích thích da, mắt, ngạt thở... Cứ cái gì không rỉ nước là khô, quảng cáo lẫn lộn giữa đá gel, đá inox 304 với băng khói, đá CO2, là một ẩu tả chết người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận