02/11/2024 05:30 GMT+7

Đã định cư nước ngoài, vì sao vẫn có tên giảng viên cơ hữu đại học trong nước?

Nhiều người có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu toàn thời gian của các trường đại học tại Việt Nam nhưng đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm qua.

Ở nước ngoài vẫn là… giảng viên cơ hữu - Ảnh 1.

Tiến sĩ B.Q.V. đang là nhân sự cơ hữu của một viện nghiên cứu ở Mỹ nhưng lại có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu của Trường đại học Tôn Đức Thắng năm 2019 và 2020 - Ảnh: T.T.D.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, giảng viên cơ hữu chủ trì giảng dạy là một trong những điều kiện đảm bảo chất lượng và là căn cứ để tính chỉ tiêu tuyển sinh.

Không đến trường làm việc

Vừa qua, Tuổi Trẻ nhận được phản ánh: "Ít nhất 7 người có tên trong danh sách giảng viên toàn thời gian được công khai trong đề án tuyển sinh của Trường đại học Luật TP.HCM nhưng đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm qua. Điều đáng nói những người này đều đã có thẻ xanh và đã định cư hẳn bên đó".

Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024 của Trường đại học Luật TP.HCM có thông tin về "Danh sách giảng viên" (tính đến ngày 31-12-2023).

Trong đó phần thông tin về "danh sách giảng viên toàn thời gian" trường công bố có một số tên sau: P.N.T. (PGS.TS luật, tham gia giảng dạy ngành luật), Đ.T.M.H. (TS luật, tham gia giảng dạy ngành luật thương mại quốc tế), Đ.H.H. (TS luật, tham gia giảng dạy ngành luật), L.T.M.Q. (TS luật, tham gia giảng dạy ngành luật), N.H.B.H. (TS luật, tham gia giảng dạy ngành quản trị - luật), N.T.T.H. (TS luật, tham gia giảng dạy ngành luật) và N.N.H.P. (ThS luật, tham gia giảng dạy ngành luật thương mại quốc tế).

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, những người nêu trên hiện đang định cư và làm việc toàn thời gian ở nước ngoài nhiều năm qua, trong đó 4 người đang ở Canada, 1 người ở Úc, 1 người ở Latvia và 1 người ở Phần Lan.

"Giảng viên toàn thời gian tức là phải sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tham gia giảng dạy trực tiếp và nghiên cứu khoa học, trong khi những giảng viên trên đang ở nước ngoài, hoàn toàn không thấy họ đến trường làm việc", những người phản ánh cho biết thêm.

Tiến sĩ B.Q.V. đang là nhân sự cơ hữu tại Viện Năng lượng tự nhiên Hawaii (HNEI, Mỹ) với chức danh trợ lý nghiên cứu. Trong hơn 4 năm làm việc tại HNEI từ tháng 3-2019 đến nay, ông V. chỉ công bố 2 bài ghi địa chỉ viện này nhưng lại có tới 71 bài ghi địa chỉ Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Cũng trong thời gian này, ông V. còn đăng 18 bài ghi địa chỉ Đại học Duy Tân. Như vậy hầu hết các bài báo đều được xuất bản sau khi ông V. gia nhập HNEI. Tuy nhiên, ông được liệt vào danh sách giảng viên cơ hữu của Trường đại học Tôn Đức Thắng năm 2019 và 2020, nêu trong đề án tuyển sinh của trường.

Hiện cũng có thông tin phản ánh: "Nhiều bài báo khoa học của tiến sĩ L.H.N.Q. ghi địa chỉ Đại học Duy Tân, bị các tạp chí quốc tế gỡ trong thời gian qua. Điều đáng nói bà Q. hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ nhưng nhiều năm qua vẫn có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu toàn thời gian của Đại học Duy Tân".

Thực tế, bà Q. liên tục có tên trong "danh sách giảng viên cơ hữu toàn thời gian" trong đề án tuyển sinh đại học chính quy các năm 2021, 2022, 2023 và 2024 của Đại học Duy Tân.

"Xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phù hợp"

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, đại diện Trường đại học Luật TP.HCM khẳng định: "Tính đến thời điểm hiện nay (tháng 10-2024), 7 giảng viên theo thông tin phản ánh nêu trên là giảng viên của trường, nên phải có tên trong danh sách đội ngũ giảng viên toàn thời gian.

Những giảng viên này phải được công khai trên hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT (hệ thống Hemis) và trên trang thông tin điện tử của trường".

Đồng thời nhà trường xác nhận trong số 7 giảng viên trên có 5 người thuộc trường hợp "ký hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên", thuộc diện ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ và có 2 người thuộc trường hợp "viên chức xin nghỉ không hưởng lương".

"Trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào các căn cứ pháp lý hiện hành và xác định 7 giảng viên này đều là giảng viên toàn thời gian của trường nên việc đưa những giảng viên này vào việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phù hợp, cho dù hiện không ở Việt Nam.

Tính đến nay, tất cả giảng viên này đều thực hiện đúng nghĩa vụ được nêu trong hợp đồng lao động", đại diện nhà trường khẳng định.

Về thông tin những người nêu trên đã định cư nước ngoài, có thẻ xanh nên không thể "giảng viên cơ hữu", đại diện Trường đại học Luật TP.HCM cho biết: "Tính đến nay, trường chưa thể chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, bởi lẽ quyết định cho viên chức nghỉ không hưởng lương vẫn còn hiệu lực.

Sau khi hết thời hạn cho viên chức nghỉ không hưởng lương, nếu viên chức không còn nguyện vọng làm việc tại trường thì sẽ được xử lý theo quy định pháp luật về viên chức".

Cần thêm thời gian để rà soát

Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Quý Hào - phụ trách ban truyền thông và quan hệ công chúng, Trường đại học Tôn Đức Thắng - cho biết: "Trường hợp báo Tuổi Trẻ nêu trong các câu hỏi là các nhân sự có ký hợp đồng với nhà trường trước đây.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhân sự trên cũng như những người phụ trách liên quan công việc những nhân sự đó không còn làm việc tại trường. Nhà trường đang tiếp tục rà soát các nhân sự này và cần thêm thời gian để rà soát.

Hiện nay, cơ quan chức năng có thẩm quyền đang làm việc với nhà trường về vấn đề này. Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tạm thời trường chưa thể cung cấp thông tin gì thêm".

Tương tự, Tuổi Trẻ cũng đã liên hệ với Đại học Duy Tân bằng nhiều cách khác nhau, đồng thời gửi các câu hỏi liên quan đến nhà trường nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Phóng viên cũng đã cố gắng liên lạc với bà L.H.N.Q. nhưng không được.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng các công cụ kiểm soát giảng viên

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ có quy định rõ về "giảng viên cơ hữu".

Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các quy định về điều kiện giảng viên cơ hữu, giảng viên toàn thời gian, trong đó quy định: "Giảng viên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, làm việc toàn thời gian tại cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT quy định về chế độ làm việc của giảng viên đại học trong cả năm học tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mở ngành, đồng thời không ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác".

"Bộ GD-ĐT đang triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư và sẽ xây dựng các công cụ kiểm soát phù hợp để rà soát, hậu kiểm và xử lý trong các trường hợp cần thiết.

Đối với các trường vi phạm về điều kiện giảng viên toàn thời gian trong mở ngành và xác định chỉ tiêu, ví dụ như không đảm bảo quy định đang làm việc toàn thời gian tại cơ sở đào tạo, tùy thuộc mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định tương ứng của pháp luật", đại diện Bộ GD-ĐT cho biết thêm.

Ở nước ngoài vẫn là… giảng viên cơ hữu - Ảnh 2.Giảng viên cơ hữu ở nhiều trường đại học lèo tèo vì sao?

Giảng viên cơ hữu giảm 50 - 80% so với đề án mở ngành của trường đại học. Thậm chí có ngành chỉ có 1 giảng viên cơ hữu, có ngành còn không có tiến sĩ chủ trì ngành theo quy định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên