19/03/2022 09:28 GMT+7

Đã đến lúc chọn lọc đầu tư FDI

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Hiện Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI trong bối cảnh có tới hơn 14.100 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh thua lỗ và một số vấn đề khác.

Đã đến lúc chọn lọc đầu tư FDI - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Công ty Vexos (100% vốn nước ngoài) trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc chọn lọc đầu tư FDI cần làm sớm để khắc phục nghịch lý doanh nghiệp FDI vừa mở rộng đầu tư kinh doanh, vừa báo lỗ để trốn thuế cũng như khắc phục những hạn chế hiện tại. Đó là những hạn chế nào và khắc phục ra sao?

Doanh thu tăng ngàn tỉ vẫn báo lỗ

Báo cáo tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của hơn 25.100 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vừa được Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng ghi nhận hơn 14.100 doanh nghiệp FDI khai báo lỗ, chiếm 56% tổng số doanh nghiệp. Tổng số lỗ của các doanh nghiệp lên tới 151.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp khai báo lỗ này vẫn đạt khoảng 2,47 triệu tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2019. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI đang báo lỗ trong năm 2020 đạt 1,07 triệu tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế đến hết năm 2020, có hơn 16.100 doanh nghiệp FDI báo lỗ trong báo cáo tài chính gửi tới sở tài chính các địa phương, chiếm khoảng 64% doanh nghiệp khai báo. 

Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI đến hết năm 2020 lên tới hơn 623.000 tỉ đồng, bằng 44% vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp FDI báo lỗ mất vốn là 4.520 doanh nghiệp, chiếm 16,88% tổng số doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có báo cáo.

Trong số này có 2 doanh nghiệp FDI kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, phần mềm có doanh thu tăng ngàn tỉ đồng trong năm 2020 nhưng vẫn báo lỗ là Công ty CP Airpay và Công ty TNHH Shopee. 

Trong đó, doanh thu của Công ty Airpay đạt 4.555 tỉ đồng, Công ty Shopee đạt 2.329 tỉ đồng, tổng tài sản của 2 doanh nghiệp này tại Việt Nam cũng ghi nhận tăng lần lượt 1.201 tỉ đồng và 1.782 tỉ đồng.

Đây là 2 doanh nghiệp FDI có quy mô vốn đầu tư lớn, doanh thu tăng mạnh, có sự mở rộng về đầu tư nhưng vẫn báo lỗ, trong đó Công ty TNHH Shopee báo lỗ mất vốn. Trong năm 2020, Công ty TNHH Shopee nộp ngân sách 67,86 tỉ đồng, Công ty Airpay nộp ngân sách 48 tỉ đồng.

Xét theo quốc gia, vùng lãnh thổ thì các nhà đầu tư FDI đến từ châu Âu có chỉ số lợi nhuận trên vốn cao nhất, trong đó các doanh nghiệp Hà Lan dẫn đầu về lợi nhuận. 

Các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản dù dẫn đầu về số doanh nghiệp, số vốn đầu tư FDI nhưng nếu xét về lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam thì không cao bằng. 

Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư FDI châu Âu nộp thuế cao hơn các nhà đầu tư đến từ châu Á nếu xét trên cùng một suất vốn đầu tư.

Xét riêng trong khu vực châu Á thì các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản có lợi nhuận kinh doanh trên vốn đầu tư cao hơn, đóng thuế nhiều hơn doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc. Hai vùng lãnh thổ Hong Kong, Đài Loan có số lượng doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhiều nhưng lợi nhuận kinh doanh trên vốn đầu tư thấp.

Đã đến lúc chọn lọc đầu tư FDI - Ảnh 2.

Tổ hợp sản xuất của nhà đầu tư LG tại TP Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN

Công nghệ trung bình

Đánh giá về hiệu quả đầu tư FDI thời gian qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định vốn FDI là nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, trong tờ trình Thủ tướng về việc xây dựng bộ tiêu chí về thu hút đầu tư FDI có chọn lọc mới đây, bộ này đã chỉ ra hàng loạt hạn chế. 

Theo đó, hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao, suất đầu tư trên 1ha đất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bình quân chỉ đạt 3,7 triệu USD/ha. Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc có suất vốn đầu tư FDI bình quân lớn hơn, đạt từ 8 - 10 triệu USD/ha đất.

Các dự án đầu tư FDI hiện nay chủ yếu là dự án đầu tư quy mô nhỏ. Tính đến hết tháng 12-2021, cả nước có 52 dự án đầu tư FDI có vốn đầu tư trên 1 tỉ USD, 31 dự án FDI có vốn đầu tư 0,5 - 1 tỉ USD, 517 dự án FDI có vốn đầu tư 100 - 500 triệu USD, 654 dự án FDI có vốn đầu tư 50 - 100 triệu USD. 

Còn lại hàng chục ngàn dự án FDI hiện nay có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm 96,4% tổng số dự án FDI và 28,94% tổng vốn đầu tư.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho biết công nghệ sử dụng tại các doanh nghiệp FDI hiện nay không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình trong khu vực.

Đã đến lúc chọn lọc đầu tư FDI - Ảnh 3.

Công nhân làm việc trong Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - Ảnh: NAM TRẦN

Kết quả khảo sát diện hẹp của Bộ Khoa học và công nghệ tại một số khu công nghiệp trên cả nước cho thấy số doanh nghiệp FDI có công nghệ tiên tiến, hiện đại rất thấp, chỉ khoảng 5%. 

Các dự án FDI tại Việt Nam hiện nay chủ yếu có công nghệ ở mức trung bình, khoảng 80% số doanh nghiệp, trong đó từ 30 - 40% sử dụng công nghệ xuất xứ Trung Quốc. Số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu hiện nay chiếm khoảng 15%, dẫn tới nguy cơ, thách thức về tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên.

Bên cạnh đó, có 85% số doanh nghiệp FDI có 100% vốn nước ngoài, điều này đã hạn chế đáng kể khả năng chuyển giao, lan tỏa công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước. 

Các dự án FDI đang tập trung vào một số công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động như gia công dệt may, da giày, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử, ôtô, xe máy và một số ngành chế biến thực phẩm.

Phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu đầu vào và dịch vụ đi kèm cho sản xuất của khu vực FDI được nhập khẩu. Tỉ lệ nhập khẩu/xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI là 81,5% vào năm 2017. Các doanh nghiệp FDI sản xuất điện tử, điện thoại và linh kiện đang nhập khẩu 89% linh phụ kiện, nguyên liệu từ bên ngoài.

Tỉ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay rất thấp, chỉ đạt từ 20 - 25%. 

Một số ngành, lĩnh vực doanh nghiệp FDI đang hoạt động có tỉ lệ nội địa hóa cao là dệt may, da giày đạt 40 - 45%, điện tử gia dụng đạt 30 - 35%, thiết bị đồng bộ đạt 30 - 40%, lắp ráp ôtô tải đạt 55%, ôtô khách và ôtô chuyên dụng đạt 40%, công nghệ thông tin và điện tử viễn thông đạt 15%.

Theo Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đạt 36,3%, trong khi ở Thái Lan đạt 60%, Trung Quốc đạt khoảng 70%.

Đã đến lúc chọn lọc đầu tư FDI - Ảnh 4.

Đồ họa: T.ĐẠT

408 tỉ USD

Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam thu hút được 408 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư FDI, đứng thứ 18 thế giới, thứ 2 Asean về thu hút FDI, sau Indonesia.

Hiện tại, điều quan trọng không phải là thu hút được thêm nhiều vốn FDI, quan trọng là phải thu hút được vốn đầu tư FDI chất lượng cao. Có 2 lĩnh vực cần đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI thời gian tới là công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ.

7 tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI thời gian tới

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết từ thực tế thu hút đầu tư FDI thời gian qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang trình Thủ tướng 7 tiêu chí để chọn lọc đầu tư FDI thời gian tới. Đó là:

- Suất vốn đầu tư/ha đất.

- Số lao động tại mỗi dự án đầu tư.

- Hàm lượng công nghệ cao của dự án.

- Cam kết chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư.

- Khả năng liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước.

- Bảo vệ môi trường.

- Đảm bảo quốc phòng an ninh.

Báo lỗ nhiều lần nhưng vẫn mở rộng đầu tư là bất thường

dau tu

Nhân viên Shopee chuẩn bị giao hàng cho khách tại kho trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp FDI báo lỗ nhiều lần nhưng vẫn tăng vốn, mở rộng đầu tư là bất thường, cần kiểm tra, giám sát nếu phát hiện sai phạm khai lỗ giả để trốn thuế cần xử lý nghiêm và không cho phép họ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam nữa.

Khi phát hiện doanh nghiệp FDI "lỗ giả lãi thật" cần xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt dự án đầu tư FDI có tiền sử nhiều lần báo lỗ, doanh nghiệp nào nhiều lần báo lỗ liên tục cần phải kiểm tra ngay. Không thể để tình trạng nhà đầu tư đến kinh doanh có lãi nhưng không chịu nộp thuế.

"Trường hợp Shopee doanh thu nhiều ngàn tỉ nhưng vẫn báo lỗ cần kiểm tra, làm rõ xem họ có lỗ thật không", ông Toàn kiến nghị. Ông Toàn cũng cho biết các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản khi đến đầu tư tại Việt Nam thì 3 năm đầu thường lỗ, hết năm thứ 3 dự án mới vào điểm hòa vốn, từ năm thứ 4 thường họ kinh doanh có lãi.

Câu chuyện hàng chục ngàn doanh nghiệp FDI báo lỗ theo các chuyên gia có hai trường hợp, thứ nhất là những doanh nghiệp FDI lỗ thật, trường hợp còn lại là những doanh nghiệp chuyển lãi thành lỗ, có hành vi chuyển giá thông qua hoạt động kinh doanh nội khối.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp thua lỗ thì phải phá sản. Thế nên doanh nghiệp FDI doanh thu ngàn tỉ đồng, tiếp tục mở rộng sản xuất nhưng lại báo lỗ là nghịch lý.

Ông PhẠm Đức Hiếu (ủy viên thường vụ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)


Ông Phạm Hùng Tiến, phó giám đốc và quản lý dự án Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam (FNF), chia sẻ khi các doanh nghiệp FDI báo lỗ thường đằng sau họ có các công ty luật chuyên về mảng tài chính tư vấn, nắm được các kẽ hở luật pháp để khai thác.

Chuyển giá không chỉ có ở Việt Nam mà những công ty công nghệ vận hành trên nền tảng trực tuyến thì ở châu Âu cũng có hiện tượng chuyển giá và họ đã từng xử phạt Facebook, Google. Với Shopee, trước mắt cần qua truyền thông để người dân hiểu được cách làm ăn của doanh nghiệp, để người Việt hiểu và lựa chọn dịch vụ của họ.

Theo ông Tiến, tình trạng hàng chục ngàn doanh nghiệp FDI báo lỗ không có gì lạ, nhiều năm nay câu chuyện chuyển giá, lỗ giả lãi thật của doanh nghiệp FDI đã được đặt ra.

Tuy nhiên, để hạn chế hành vi chuyển giá thì ngay từ khâu lựa chọn, cấp chứng nhận đầu tư dự án FDI các địa phương cần nắm được mục đích, khả năng, lịch sử, cách quản lý doanh nghiệp của nhà đầu tư.

B.N.

Muốn có nhà đầu tư tốt, cần tiêu chí rõ ràng

Trong đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng xu hướng chung trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới là phải tiết kiệm đất đai, năng lượng và ít thâm dụng lao động.

Để thẩm định tốt tất cả các dự án đầu tư FDI, trước khi cấp phép, các cơ quan quản lý đầu tư cần thuê các tổ chức trung gian có chuyên môn bên ngoài, các hãng luật... để tư vấn, hỗ trợ thẩm định, đánh giá công nghệ, hiệu quả dự án.

Ông PHẠM HÙNG TIẾN

Chọn theo lĩnh vực, địa bàn

Ông Phạm Hùng Tiến, phó giám đốc và quản lý dự án Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam (FNF), thẳng thắn cho rằng một trong cái khó của thu hút đầu tư FDI hiện nay là lĩnh vực thu hút đầu tư quá rộng nên khó kiểm soát tốt chất lượng các dự án.

Thực tế có những dự án công nghệ cao như Samsung nhưng cũng có những dự án công nghệ thấp như dệt nhuộm, nên có nhiều khó khăn trong thẩm định dự án trước khi cấp phép.

Câu chuyện này ở các nước thì họ đều chọn những lĩnh vực cụ thể thường là công nghệ cao, trong nước chưa phát triển để thu hút đầu tư, như vậy họ kiểm soát công nghệ dự án dễ hơn.

Để cải thiện chất lượng đầu tư FDI thời gian tới, một số chuyên gia kinh tế cho rằng cần làm tốt công tác định hướng thu hút đầu tư theo địa bàn.

Ví dụ những tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên là thủ phủ sản xuất của Samsung thì chỉ nên tập trung thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực chuyên biệt như điện tử, điện thoại và linh kiện điện tử để phục vụ cho hai chuỗi cung ứng sản xuất này.

Ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng cho biết từ lâu hiệp hội đã kiến nghị xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI, có bộ tiêu chí này mới phát huy được cái tích cực, hạn chế tiêu cực của đầu tư FDI.

Bộ tiêu chí chọn lọc cần xây dựng theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư theo cấp độ khác nhau, định hướng thu hút đầu tư FDI theo vùng, dựa trên thế mạnh các địa phương.

INTEL VIETNAM

Nhân viên làm việc ở doanh nghiệp FDI Intel Việt Nam tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Chú ý tiết kiệm tài nguyên, năng lượng

Theo ông Toàn, trước đây chúng ta thừa lao động nên thu hút FDI để có việc làm, có vốn phát triển kinh tế.

Ở giai đoạn hiện nay không thừa lao động, vốn không quá thiếu, đất đai phát triển công nghiệp ngày càng hẹp hơn, các vấn đề ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng nổi lên, buộc chúng ta phải có tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI.

Ông Toàn cũng cho rằng phải thay đổi, chọn lọc đầu tư kỹ càng để doanh nghiệp FDI đến Việt Nam làm ăn kinh doanh thay đổi theo. Việt Nam không thể là quốc gia lạc hậu để các nhà đầu tư FDI đến xả rác mãi được.

Cần một bộ tiêu chí chọn lọc tốt để các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng ít tài nguyên đất đai, ít năng lượng hơn nhưng hiệu quả đầu tư cao hơn. "Trong đó, bài toán năng lượng là vấn đề sống còn của nhiều quốc gia nên nếu chúng ta thu hút những dự án tiêu hao năng lượng lớn thì sẽ thiệt thòi", ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, nhiều doanh nghiệp FDI ý thức rất rõ vấn đề bảo vệ môi trường, chẳng hạn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), họ tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường khắt khe. Tất nhiên, thời gian qua do chúng ta chưa chọn lọc tốt nên những doanh nghiệp FDI lợi dụng những quy định về môi trường lỏng lẻo, gây ô nhiễm môi trường.

"Tôi nhớ sau sự cố Vedan xả thải trên sông Đồng Nai, sau khi báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng vào cuộc thì đến nay họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường.

Vì vậy, việc ban hành tiêu chuẩn về môi trường trong chọn lọc FDI thực sự cần thiết, nó giúp cho doanh nghiệp FDI dễ dàng tuân thủ, xã hội giám sát thuận tiện hơn", ông Toàn chia sẻ.

Công nghệ không thể lạc hậu

Ông Phạm Hùng Tiến nêu cùng một nhà đầu tư nhưng khi họ đến Mỹ, EU, Nhật Bản thì đầu tư sử dụng công nghệ, mô hình liên kết khác, tuy nhiên khi đến Việt Nam đầu tư họ mang tới công nghệ, dây chuyền khác. Trong đó có nhiều "quy trình" chỉ mua thô, tạm nhập, tái xuất. Vì thế cần những tiêu chuẩn chọn lọc FDI khắt khe hơn để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Cho nên trước khi cấp phép dự án FDI cơ quan chức năng cần thẩm định kỹ hồ sơ dự án để biết được máy móc, công nghệ, dây chuyền, mặt hàng sản xuất họ sẽ đưa vào Việt Nam là gì. "Điều này cũng cần đưa vào bộ tiêu chí chọn lọc FDI thời gian tới để địa phương dễ dàng thực hiện", ông Tiến đề xuất.

Đây là ý kiến của một số chuyên gia chia sẻ cùng Tuổi Trẻ khi đề cập việc Bộ Kế hoạch và đầu tư đang trình Thủ tướng 7 tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư FDI trong thời gian tới.


Vì sao quá nửa số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam báo lỗ? Vì sao quá nửa số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam báo lỗ?

TTO - Trong năm tài chính 2020, có hơn 14.100 doanh nghiệp FDI, chiếm 56% tổng số doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam báo lỗ. Đáng lưu ý, có những doanh nghiệp FDI được cho là kinh doanh thuận lợi vẫn báo lỗ.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên