13/08/2017 15:45 GMT+7

Đã đạo tranh còn cãi là cảm hứng như phổ nhạc cho thơ!

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Khi làn sóng dư luận về những câu chuyện tranh chép còn chưa kịp ngớt thì mới đây, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho biết một bức ký họa ông vẽ cách đây 15 năm đã bị 'đạo'...

Khỏa thân 5(3) (trái) và Câu chuyện trăm trứng (phải) - Ảnh: NVCC
Khỏa thân 5(3) (trái) và Câu chuyện trăm trứng (phải) - Ảnh: NVCC

Và ngạc nhiên hơn người chép tranh lại chính là một thạc sĩ mỹ thuật hiện đang giảng dạy tại một trường đại học.

Theo họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, vào tối 6-8 ông phát hiện một tài khoản trên mạng xã hội Facebook có đăng bức tranh nhan đề Câu chuyện trăm trứng.

Đáng chú ý, bức khắc gỗ này lấy nguyên mẫu từ ký họa Khỏa thân 5(3) được ông vẽ từ năm 2002 tại Tokyo.

Đối chiếu hai bức tranh, chúng tôi nhận thấy bức Câu chuyện trăm trứng có chủ thể giống nguyên bản Khỏa thân 5(3), chỉ khác biệt ở việc lật chủ thể theo đối xứng gương và thêm một số đường nét, màu sắc vào nền tranh.

Một số họa sĩ nhận định bức tranh nàysử dụng toàn bộ nguyên mẫu từ Khỏa thân 5(3) và khắc thẳng lên mặt gỗ chứ không lật đối xứng gương, vì thế sau khi in hình ảnh mới có chiều đảo ngược.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cũng cho biết sau khi phát hiện, ông yêu cầu người vi phạm tác quyền gỡ các bản chụp bức tranh chép xuống.

Tuy nhiên, sau khi gỡ tranh, người này trả lời ông Đăng: “Thú thật, tôi nghĩ ký họa của anh như bài thơ và tôi như nhà sáng tác nhạc dựa trên ý thơ của anh để cả hai cùng thăng hoa thì cũng tốt vậy!”.

Điều này đã khiến ông Đăng không hài lòng và làm dấy lên sự bất bình của nhiều họa sĩ khác.

Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho rằng ông không nêu tên người sao chép bức ký họa vì mục đích của ông không phải là bêu rếu một cá nhân, mà muốn cảnh tỉnh cộng đồng nhằm ngăn chặn việc sao chép.

Ông Đăng nhấn mạnh: “Nếu bỏ hình mẫu nữ khỏa thân chép từ ký họa của tôi thì toàn bộ bố cục của Câu chuyện trăm trứng chỉ còn lại cái nền vô nghĩa.”

Bức tranh khắc gỗ Câu chuyện trăm trứng chính là sản phẩm của một giảng viên đại học sư phạm. Trao đổi với chúng tôi, vị giảng viên này nói: “Bức tranh này tôi chỉ làm cho… vui chứ không phải để bán.

Nhưng khi hoàn thành, tôi thấy đẹp và có thể gửi triển lãm được nên lúc đó tôi mới nghĩ đến việc xin phép bản quyền”.

Tuy nhiên, họa sĩ Đăng cho biết: tối 6-8, tức ba ngày sau khi bức tranh khắc gỗ được đăng lên Facebook cũng như trên trang mạng Vietnam Contemporary Art (VCA), tác giả mới gửi tin nhắn cho ông xin phép “sử dụng các ký họa các dáng người phụ nữ” để làm tranh và ông Đăng đã từ chối.

Theo dõi sự việc, họa sĩ Vương Duy Khoái khẳng định: “Ký họa về cơ bản chỉ là bản thảo, chưa được gọi là tác phẩm nhưng vẫn thuộc bản quyền của tác giả”.

Còn họa sĩ Uyên Huy - chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho biết: “Theo nguyên tắc, nếu muốn sáng tác dựa trên ý tưởng của các tác phẩm khác, người họa sĩ phải chủ động liên hệ với chủ bản quyền để xin phép ngay từ đầu, chứ không phải đợi đến lúc làm xong rồi mới thông báo”.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên