Con sên biển dùng trong thí nghiệm của các nhà khoa học Mỹ - Ảnh: DAVID GLANZMAN
Theo đài BBC (Anh), kết quả công trình nghiên cứu thú vị này vừa được công bố trên tạp chí khoa học eNeuro, cung cấp thêm những cứ liệu mới cho giới khoa học nghiên cứu về nền tảng vật lý của ký ức.
Theo đó nhóm nghiên cứu đã có thể chuyển giao thành công thông tin ghi nhớ trong ký ức của một con ốc sên biển sang một con sên khác cùng loài có tên khoa học là Aplysia californica bằng cách chuyển RNA (Axít ribonucleic, một trong hai loại a-xít nucleic, là cơ sở di truyền cấp độ phân tử) từ con này sang con khác.
Một nhóm sên được huấn luyện để có một phản xạ phòng vệ có điều kiện là tự động co phần thân lại khi bị chích điện. Sau đó, khi RNA của nhóm sên "đã qua đào tạo" này được chuyển sang cho nhóm sên "chưa được đào tạo" thì nhóm sau cũng tự động có được phản xạ phòng vệ như nhóm thứ nhất.
Cụ thể trong nghiên cứu này, các nhà khoa học nhận thấy thời gian co thân thể lại phòng vệ của những con sên được huấn luyện là 50 giây, trong khi những con không qua huấn luyện chỉ khoảng 1 giây. Còn những con được cấy ghép RNA có thời gian co thân phản xạ là 40 giây dù chưa từng qua giai đoạn huấn luyện.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy có những hiệu ứng tương tự khi họ tiến hành với các tế bào thần kinh cảm ứng trong phòng thí nghiệm.
Giáo sư David Glanzman thuộc đại học California, Los Angeles (UCLA) - một trong các tác giả của nghiên cứu, cho rằng kết quả này cho thấy "như thể chúng tôi đã có thể chuyển giao ký ức".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận