26/11/2013 09:00 GMT+7

Đã có lúc em rất sợ thầy

LÊ THỊ THU HƯỜNG (Lớp 12A1, THPT Chu Văn An, Gia Nghĩa, Đắk Nông)
LÊ THỊ THU HƯỜNG (Lớp 12A1, THPT Chu Văn An, Gia Nghĩa, Đắk Nông)

AT - Kính gửi thầy Nguyễn Bá Tước. Có lẽ cái tên ấy đã hằn sâu trong ký ức của em dù đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng đổi thay của cuộc đời. Một người thầy tận tụy với nghề - một người phụ trách Đội đầy lòng nhiệt huyết với công việc và là người đã thay đổi cuộc đời em. Nếu không có thầy thì giờ đây không chắc em đã được như thế này.

Em lại nhớ về cái ngày mình lên cấp hai, người mà em gặp đầu tiên là thầy bởi thầy đã tập trung chúng em lại để điểm danh. Và ấn tượng đầu tiên về thầy là cái tên Nguyễn Bá Tước với nước da rám nắng - màu nắng của Tây nguyên đầy gió và tình người, cùng với mái đầu ấn tượng mà theo như tụi bạn vẫn gọi là thầy đầu hói.

Và cứ mỗi lần điểm danh một lớp, thầy thường lấy tay xoa xoa cái trán cao vút và nheo hai mắt lại. Mấy đứa bảo vì vậy nên đầu thầy mới bị hói. Nhưng trên tất cả là những lời đồn đại từ các anh chị lớp trên rằng thầy rất dữ, rất khó tính. Điều đó khiến em thấy lo lắng vì thầy là giáo viên sẽ dạy lớp em.

Em được gặp thầy khá nhiều bởi thầy là người phụ trách còn em là thành viên của đội trống. Vốn dĩ em là đứa hiền lành nhút nhát và ít nói, chỉ biết được ai gọi thì dạ, ai bảo gì thì vâng. Đôi khi cũng chẳng dám nói lên suy nghĩ của mình. Còn thầy, thầy yêu cầu ở học sinh của mình một sự năng nổ, hoạt bát, mạnh dạn, tự tin mà đối với em thì dù trong mơ em cũng chẳng làm được.

Thầy lại dạy thể dục lớp hai năm liền - môn học mà em rất ghét và thậm chí nhiều lần ngấp nghé rớt học sinh giỏi cũng vì môn học ấy. Từ đó em đã sợ, sợ thầy rất nhiều.

Em sợ mỗi lần tập trống sai bị thầy khiển trách trước mọi người dù em đã cố gắng để đánh thật tốt. Những tưởng cứ tập tốt sẽ an tâm nhưng rồi sau đó em lại sợ thầy gọi lên để đánh mẫu cho các bạn xem. Chưa bao giờ em thấy tự tin khi đứng trước đám đông, rồi em sẽ đỏ mặt, run rẩy và đánh trống chẳng rõ nhịp.

Em lại sợ, sợ mỗi lần kiểm tra thể dục lại được điểm ba, điểm bốn, em sợ mỗi lần đá cầu, mỗi lần nhảy cao, mỗi lần chạy bền nếu không ngất đi vì mệt thì cũng là sây sát chỗ này chỗ kia. Mỗi tiết thể dục đối với em là một nỗi ám ảnh, là cực hình, em chỉ mong hôm nào học thể dục trời cũng mưa to, thật to nhưng chẳng ai ép nổi trời, rồi trong những phút giây lo sợ em mong thầy bị ốm. Quả thật đó là suy nghĩ của em lúc đấy - một suy nghĩ tồi tệ và đáng bị trừng phạt!

Lên lớp 7 em vào ban chỉ huy Đội cũng không hiểu lý do tại sao? Thầy bắt đầu cho em thích nghi với những công việc mới: tổng kết sổ đầu bài, sổ thi đua, phát báo hằng tuần cho các lớp. Ban đầu em không mấy hứng thú nhưng rồi cũng quen, em bắt đầu thành thạo hơn. Cho đến một ngày thầy bảo em lên đọc kết quả thi đua của các lớp trong buổi chào cờ, vì lý do chị lớp trên bị ốm.

Em không dám gật đầu cũng chẳng dám từ chối. Em đã rất run khi đứng trước toàn thể thầy cô và bạn bè, tim em nhảy loạn cả lên, gương mặt nóng bừng và đỏ ửng như mặt trời buổi sáng hôm ấy, em thậm chí chẳng cất nổi thành lời. Nhưng với trách nhiệm em chỉ biết hít một hơi thật sâu rồi đọc to kết quả thi đua.

Hôm ấy thầy chỉ nói với em một câu: “Em có giọng đọc rất hay”. Lời khen đầu tiên thầy dành cho em. Và từ đó cuộc đời em như có một phép màu kỳ diệu, em được làm những thứ mà lần đầu tiên trong đời mình mới bắt đầu.

Lên lớp 8, dựa vào kết quả bầu cử thầy phân cho em làm liên đội trưởng. Vậy là từ một đứa tập trống chỉ biết hoạt động đôi tay thì khi đó em đã trở thành một liên đội trưởng giỏi giang. Tuy hát không hay nhưng em cũng là một cây văn nghệ của lớp. Cứ mỗi sáng thứ hai hằng tuần, em lại háo hức chuẩn bị điều khiển buổi chào cờ và đọc kết quả thi đua. Như một thói quen, trước khi đọc em thường nhìn về phía thầy để nhận một nụ cười. Em không hiểu tại sao thầy lại tin tưởng em đến thế?

Em đã không còn là đứa bé nhút nhát của ngày xưa. Em đã có những mơ ước, suy nghĩ cho riêng mình và cũng biết cách biến suy nghĩ thành hành động. Có lần, thầy dẫn em đi tham gia đại hội cháu ngoan Bác Hồ của huyện, em đã thưa với thầy là em muốn mình sẽ trở thành người dẫn chương trình như chị dẫn chương trình kia. Thầy chỉ cười và bảo: “Muốn là sẽ được”. Lúc đó em thấy ở đôi mắt thầy sáng lên một niềm tự hào nhỏ. Cũng không hiểu tại sao người ta bảo thầy dữ và khó tính trong khi đôi mắt ấy lại hiền từ xiết bao.Và rồi em cũng đã làm được nhưng thật buồn khi thầy không có mặt đó để thấy học trò của thầy hạnh phúc biết nhường nào.

Thầy nói đúng, hành động nhiều sẽ thành thói quen và nếu như không hành động thì sẽ chẳng bao giờ em biết được mình sẽ làm được những gì. Giờ em đã lớn và cũng đã thay đổi rất nhiều. Em đã là một bí thư gương mẫu của lớp, một đoàn viên năng động tự tin, biết đứng lên sau mỗi lần gục ngã. Em hiểu cuộc sống là phải bước qua nỗi sợ hãi để tồn tại, để trở nên mạnh mẽ hơn, can đảm hơn.

Thầy ạ, giờ đây ở một nơi nào đó của Tổ quốc xinh tươi, liệu thầy có còn nhớ đến đứa học trò ngày xưa không? Ngày thầy chuyển công tác em đã không có cơ hội được gặp thầy, đó là niềm hối tiếc lớn nhất của em. Chưa một lần em gửi tới thầy lời cảm ơn và hôm nay thưa thầy cho em được một lần gửi đến thầy lời cảm ơn chân thành nhất vì tất cả những gì thầy đã làm cho em. Mong rằng một mai đây em sẽ được gặp lại thầy. Nhưng thầy ơi, dù cho giờ đây em có lớn khôn và cứng cỏi đến mức nào, đến lúc đứng trước mặt thầy em vẫn là đứa học trò bé bỏng sợ sệt, nhưng nỗi sợ lớn nhất có lẽ là sợ thầy không còn nhớ đứa học trò này nữa.

spNu5M58.jpgPhóng to

Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ THỊ THU HƯỜNG (Lớp 12A1, THPT Chu Văn An, Gia Nghĩa, Đắk Nông)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên