Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra giấy đi đường của người dân trong sáng 9-8 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội, trong tối 8-8, UBND TP đã ra quy định mới về việc siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, ngoài mẫu giấy đã được TP ban hành trước đó, người đi đường xuất trình kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, mẫu giấy đi đường phải được UBND phường, xã trên địa bàn xác nhận, thay vì chỉ đại diện cơ quan, đơn vị có cán bộ, người lao động... xác nhận như trước.
Nhiều chốt kiểm soát đông, ùn ứ
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong sáng 9-8, tại một số chốt kiểm soát trên địa bàn TP Hà Nội, đa phần chưa triển khai kiểm tra lịch trực, lịch làm việc... như yêu cầu mới.
Tại chốt kiểm soát trên đường Đào Tấn (Ba Đình), lượng phương tiện đi qua chốt kiểm soát tương đối đông, có thời điểm ùn ứ hàng dài, chờ đến lượt kiểm tra "giấy thông hành".
Tuy nhiên, các cán bộ làm nhiệm vụ ở đây chỉ kiểm tra mẫu giấy đi đường cũ, chưa yêu cầu phải có ngay những quy định mới từ TP trong đêm 8-8. Đồng thời, nhắc nhở người dân từ ngày mai 10-8 phải có những giấy tờ cần thiết theo quy định mới của TP.
Tương tự, tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn giao Đê La Thành (Ba Đình), lực lượng chức năng cũng chỉ xử phạt những ai ra đường không có giấy tờ theo quy định của TP ban hành ngày 29-7.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - bí thư Đảng ủy phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm - nói: "Vì là quy định mới nên chúng tôi vẫn linh động, nhiều người chưa chuẩn bị kịp thì chúng tôi yêu cầu viết cam kết, kiểm điểm, nếu ngày mai vẫn không có đủ giấy tờ thì sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt theo quy định".
Theo quy định mới, ngoài giấy đi đường, người dân phải xuất trình căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị - Ảnh: PHẠM TUẤN
"Ùn ứ thì lấy đâu ra chỗ để đứng cách 2m?"
Anh Lê Mạnh Linh (24 tuổi, Long Biên) cho biết trong thời buổi bệnh dịch phức tạp, bản thân anh rất lo ngại khi ra ngoài, chỉ có việc cần thiết thì mới đi ra đường.
"Không riêng tôi, bây giờ người dân cũng chẳng ai ra đường lượn lờ làm gì cả. Việc Hà Nội quy định thêm nhiều loại giấy tờ mới gây khó khăn không đúng lúc. Chưa kể, việc kiểm tra hết số giấy tờ trên vừa mất thời gian, gây ùn tắc, vừa tăng việc tiếp xúc tại các chốt kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Rõ ràng trước đó TP đã quy định người dân phải hạn chế tiếp xúc tối đa", anh Linh nói.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định mới về "giấy thông hành" của Hà Nội nhiêu khê, nhất là trong giai đoạn giãn cách, không được tập trung đông người. Việc kiểm tra nhiều loại giấy tờ tại chốt cũng gây ùn ứ, nguy cơ lây lan dịch nếu ở đó có F0.
Ông Nguyễn Viết Nhung, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, đã viết trên trang cá nhân sáng nay, cho rằng đã xảy ra ùn ứ tại các chốt và nguy hiểm hơn nếu người giữ chốt là F0.
"Bệnh viện tôi có bạn đi làm đã có giấy của bệnh viện ban hành, về làng yêu cầu phải có giấy hồng theo quy định của làng, hai ngày sau khi gặp người giữ chốt và xuất trình giấy thì biết được người đó là F0, nhân viên bệnh viện phải đi xét nghiệm, may mắn kết quả đến nay là âm tính", ông Nhung nói.
Ông Nhung khuyến cáo trong tình huống này, người dân tuân thủ các loại giấy tờ và đứng xa người giữ chốt 2m, không cho người giữ chốt sờ vào giấy tờ của mình. Nhưng trong tình huống ùn ứ thì lấy đâu ra chỗ để "đứng cách 2m".
Một chuyên gia khác có ý kiến việc phải xuất trình nhiều giấy tờ tại các chốt kiểm dịch ở Hà Nội đã gây tập trung đông người, tạo môi trường dễ lây lan dịch bệnh, trái với khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Chưa kể chỉ thị 16 yêu cầu không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, giữ khoảng cách 2m, nhưng để kiểm tra đủ giấy giờ tại các chốt thì không thể thực hiện đúng yêu cầu.
Trăm dâu đổ đầu... phường
Ông Đỗ Ngọc Anh, chủ tịch UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, cho biết thủ tục hiện nay về xin cấp giấy đi đường đang bị mâu thuẫn. Phường đã giảm tối thiểu thủ tục trong thời gian qua, tuy nhiên bây giờ giấy đi đường mới thì rất phức tạp, lại kèm theo rất nhiều thủ tục, lại phải bố trí thêm người ngồi tiếp công dân tại trụ sở.
"Sáng nay là sáng đầu tiên người dân đến xin xác nhận giấy đi đường rất đông, tất cả các công ty đang đến xin, nên chúng tôi yêu cầu người dân gửi trước qua mạng, sau đó thẩm định hồ sơ, nếu đạt yêu cầu chúng tôi ký nhanh, còn thiếu gì cán bộ sẽ hướng dẫn lại.
Tuy nhiên, dù vậy thì vẫn phải tiếp xúc trực tiếp với người dân khi họ tới xin xác nhận, không thể nào khác được", ông Ngọc Anh cho hay.
NAM TRẦN
Trong sáng 9-8, Tuổi Trẻ Online đã nhiều lần liên hệ với đại diện UBND TP Hà Nội để tìm hiểu về các vấn đề liên quan tới quy định mới về giấy tờ đi đường nhưng chưa nhận được phản hồi.
Đến chiều 9-8, ông Nguyễn Mạnh Quyền, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết quyết định về việc siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng được TP thống nhất chỉ đạo.
"Mục đích TP siết chặt nhằm phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn", ông Quyền nói.
Người dân ùn ứ ở các chốt kiểm soát để chờ tới lượt kiểm tra "giấy thông hành" - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trong ngày đầu tiên áp dụng quy định mới, nhiều người dân chưa bị xử phạt nếu không đáp ứng đủ yêu cầu - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ôtô nối đuôi nhau trước chốt kiểm soát - Ảnh: PHẠM TUẤN
Nhiều người dán giấy đi đường trước kính xe để việc kiểm tra nhanh chóng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Một trường hợp bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu vì mẫu giấy đi chợ sai quy định - Ảnh: PHẠM TUẤN
Một số trường hợp bị xử phạt vì ra ngoài không cần thiết - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận