Điều đáng chú ý là Nhật Bản đã từng có chính quyền địa phương ba cấp (tỉnh - huyện - xã) như VN ngày nay, nhưng từ năm 1921 họ đã bãi bỏ cấp huyện và chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Sự phân quyền triệt để giữa chính quyền trung ương - địa phương là nét nổi bật của mô hình chính quyền địa phương tự trị trong nhà nước đơn nhất Nhật Bản. “Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tự chủ, tự quản ở địa phương với phương châm cơ bản là nhằm gia tăng phúc lợi của địa phương. Chính quyền trung ương nắm giữ các công việc liên quan đến vị thế của một quốc gia như ngoại giao, phòng vệ, hệ thống tư pháp” - giáo sư Koda Masaharu (Đại học Chuo) nói.
Ông Watanabe Takashi - thị trưởng TP Higashimurayama (TP ngoại ô thủ đô Tokyo) - khẳng định: “Người dân có vai trò quan trọng trong hoạt động của chính quyền và quản trị địa phương. Người dân có quyền tham gia các công việc chung từ khi lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả”.
TS Nguyễn Sỹ Dũng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nhận định tự quản địa phương được coi là thành tựu của dân chủ và kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ hữu ích cho VN. Nhu cầu cải cách chính quyền địa phương đang được đặt ra bức thiết ở VN (thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường; thí điểm mô hình chính quyền đô thị...) và đã có điều kiện chín muồi để thực hiện. “Sự thịnh vượng của người dân phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống chính quyền mà chúng ta đang thiết kế. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra trong việc cải cách chính quyền địa phương hiện nay là làm thế nào để xác lập được chế độ trách nhiệm của chính quyền địa phương trước nhân dân địa phương, làm thế nào để chính quyền địa phương có động lực để phục vụ nhân dân địa phương?” - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận