Trả lời cho câu hỏi: “Vì sao một số cầu thủ ngày càng xuống cấp về mặt đạo đức?”, ông Chiến lý giải: “Nguyên nhân đầu tiên, theo tôi, xuất phát từ áp lực thành tích của CLB. Cũng vì áp lực thành tích cho CLB, cho địa phương nên khi chọn người chuẩn bị mùa bóng mới, hầu hết CLB đều nhắm tới các cầu thủ có tiếng, có chuyên môn mà bỏ qua những chuyện lùm xùm, tai tiếng của người đó trong quá khứ.
Ngay từ thuở đào tạo trẻ, người ta cũng chạy theo thành tích. Điều này vô tình gieo vào lòng cầu thủ trẻ việc chạy đua theo thành tích. Tại sao không để các em phát triển một cách tự nhiên, chơi bóng một cách hồn nhiên? Thành tích ai cũng cần, nhưng không nhất thiết phải có thành tích bằng mọi giá. Ở đây, lỗi trước tiên thuộc về những người lãnh đạo CLB hay lò đào tạo trẻ. Kế đến là xuất phát điểm quá thấp của cầu thủ. Cụ thể, các lò đào tạo trẻ trên cả nước phần lớn chỉ chú trọng việc dạy đá bóng. Do đó việc học văn hóa nhiều nơi chỉ làm hình thức, phó mặc cho các trung tâm giáo dục thường xuyên”.
HLV Trần Minh Chiến dẫn ra một câu chuyện vì áp lực thành tích qua việc HLV cố tình bỏ qua hiện tượng không bình thường xuất hiện nơi cầu thủ. HLV Chiến kể: “Là HLV trưởng đội tuyển U-19 VN, đáng lý HLV Triệu Quang Hà phải báo cáo ngay với lãnh đạo CLB và LĐBĐ VN (VFF) về hiện tượng đáng ngờ của trung vệ Phan Lưu Thế Sơn (Đồng Nai, cầu thủ vừa bị bắt khẩn cấp do dàn xếp tỉ số ở trận gặp Than Quảng Ninh vòng 21 V-League 2014) khi Thế Sơn cố tình đá bóng về cầu môn đội nhà ở một trận đấu của giải quốc tế diễn ra trên sân Thống Nhất. Ngày ấy, nếu CLB và VFF làm nghiêm, kịp thời uốn nắn, có thể Phan Lưu Thế Sơn không phải sa chân vào vòng lao lý như ngày nay”.
Từ vụ việc cầu thủ bị bắt khẩn cấp, bị khởi tố ở Vissai Ninh Bình rồi Đồng Nai, ông Chiến đề xuất: “Vì tương lai của bóng đá nước nhà, từ đây về sau mỗi khi cầu thủ ở các trung tâm đào tạo trẻ hay CLB có biểu hiện bất thường, người quản lý phải báo cáo ngay cho VFF biết để có sự hợp tác, uốn nắn, chấn chỉnh. Đó không phải là chuyện “vạch áo cho người xem lưng” mà vì uy tín của bóng đá VN, bảo vệ hình ảnh của CLB hay trung tâm đào tạo trẻ, đừng cố tình xử lý nội bộ, bưng bít thông tin như trước đây”.
HLV Trần Minh Chiến cho rằng tình hình sân cỏ hiện tại khiến khán giả đã quá chán nản với bóng đá VN. Ông nói: “Tôi có nhiều người quen và yêu bóng đá, nhưng họ đã thôi tới sân từ rất lâu vì thực trạng nói trên. Cầu thủ ngày nay quá chú trọng tới tiền bạc, tập luyện và thi đấu không hết sức mình, không còn tính máu lửa mà chỉ chăm chăm giữ gìn đôi chân. Ghi được đôi bàn thắng quan trọng, có chút thành tích thì quay sang mè nheo, yêu sách với CLB. Lỗi cầu thủ có, lỗi của lãnh đạo CLB cũng không ít trong việc quá nuông chiều cầu thủ ngôi sao để giữ cái ghế của mình”.
[box]Vài nét về PVF
PVF là một trong những lò đào tạo bóng đá trẻ ở VN, ra mắt vào tháng 12-2008, chính thức khai giảng và đi vào hoạt động vào tháng 9-2009.
Tính đến nay, PVF đã chiêu sinh được sáu khóa với 185 học viên, chia ra làm chín lớp (từ 9-17 tuổi) do 18 HLV từng là cựu tuyển thủ quốc gia dẫn dắt. Sau khi vượt qua được các khóa sát hạch, các em được ký hợp đồng đào tạo chính thức với chi phí (ăn, ở, học văn hóa, tập luyện, thi đấu, trang phục...) do PVF chi trả. Tất cả học viên bắt buộc phải theo học văn hóa đến hết lớp 12 tại các trường công lập ở huyện Bình Chánh, TP.HCM vào các buổi sáng và tập đá bóng vào buổi chiều. Sau 18 tuổi, các học viên sẽ được ký hợp đồng chuyển nhượng cho các CLB trên toàn quốc.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận