Muỗi vằn chuyên gây bệnh chết người như sốt xuất huyết, zika và sốt vàng - Ảnh: Straits Times
Các nhà khoa học trước đây đã phát hiện thấy muỗi bị thu hút bởi axit lactic có trong mồ hôi con người, nhưng đến nay mới biết cụ thể về cơ chế này thông qua phát hiện về thụ thể khứu giác IR8a của muỗi.
Nhóm nghiên cứu tại ĐH Quốc tế Florida, theo hãng tin AFP, đã phát hiện thấy IR8a cho phép những loài muỗi truyền bệnh phát hiện ra mùi của con người và cũng biết cách để tắt chúng.
Nhóm đã công bố nghiên cứu về loài muỗi vằn (Aedes aegypti), chuyên truyền bệnh zika, sốt xuất huyết và sốt vàng, trên tạp chí Current Biology ngày 28-3.
Nhóm nghiên cứu, do nhà sinh học Matthew DeGennaro dẫn đầu, đã phát hiện thụ thể IR8a thông qua quá trình loại bỏ gen. Quá trình này bắt đầu năm 2013 khi ông DeGennaro tạo ra con muỗi đột biến đầu tiên trên thế giới bằng cách loại bỏ 1 gen của nó để xem việc thiếu gen ảnh hưởng như thế nào đến loài muỗi này.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng con muỗi đột biến này ít bị thu hút bởi mùi con người hơn những con muỗi khác trong tự nhiên.
"Con người đã tìm kiếm thụ thể liên quan đến axit lactic kể từ thập niên 1960" - ông DeGennaro nói với hãng tin AFP.
Phát hiện này có thể mở ra một lộ trình phát triển các chất thu hút côn trùng mới để đưa những con muỗi trưởng thành vào bẫy nhằm kiểm soát số lượng của loài gây bệnh này cũng như các loại thuốc chống muỗi tiên tiến khiến con người trở nên vô hình trước muỗi.
"Sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa nhưng chúng ta đang tiến thêm một bước đến gần hơn với mục tiêu này" - nhà sinh học DeGennaro kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận