"Cát tặc" đang khai thác cát ở khu vực chùa Tà Miệt làm tan nát vườn tầm vông của người dân - Ảnh: BỬU ĐẤU cắt từ clip
Việc cán bộ có bao che hay không tôi chưa biết. Nhưng bây giờ mà họp đoàn liên ngành ra quân bắt khai thác cát thì các đối tượng đã biết. Họ không làm ban ngày, thay vào làm ban đêm hoặc giờ nghỉ nên rất khó bắt
Ông NGUYỄN HÙNG CƯỜNG (trưởng Phòng TN-MT huyện Tịnh Biên)
Ngày 1-11, trung tá Dương Thái Hải - trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh An Giang - cho biết sau khi tiếp nhận thông tin của Tuổi Trẻ về tình trạng khai thác cát trái phép ven triền núi ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn làm tan nát vùng Bảy Núi, ông đã trực tiếp chỉ đạo một đội công tác gồm 4 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường mật phục tại các điểm nóng khai thác cát.
Nhờ phản ánh của Tuổi Trẻ
Sau thời gian mật phục, PC49 đã bắt quả tang 2 xe tải và một máy Kobe do ông Hình Văn Thục (57 tuổi, ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) điều khiển đang khai thác cát núi không phép ở khu vực Núi Dài, ấp Tà Miệt, xã Lương Phi và đưa 8m3 lên xe tải do Phạm Hoài Phong (20 tuổi, ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) vận chuyển đi tiêu thụ.
PC49 đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện chờ xử lý.
"Ông này khai nhận đã khai thác cát vài năm. Nơi bị PC49 phát hiện ông Thục mới làm được hơn một tháng nay. Mỗi hố làm xong rộng hơn 5.000m2 gần khu vực núi" - một cán bộ PC49 nói.
Theo ông Hải, trách nhiệm chính trong vấn đề này là chính quyền địa phương, bởi họ khai thác cát và vận chuyển công khai mà không xử được. Còn việc có hay không cán bộ tiếp tay thì chưa thể nói được.
"Sau khi nhận phản ánh của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã cử ngay lực lượng xuống điểm nóng khai thác cát ở khu vực Núi Dài đã bắt được 2 xe. Hiện đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 33.
Trong nghị định này quy định rõ ràng nếu khai thác trên 50m3 cát thì bị tịch thu phương tiện, còn dưới mức này chỉ xử phạt vi phạm hành chính và buộc giao trả cát lại hiện trạng ban đầu. Nếu khai thác cát gây hậu quả nghiêm trọng chết người thì mới xử lý hình sự" - ông Hải nói.
Trong năm 2017, PC49 đã trực tiếp phát hiện 4 vụ khai thác cát trái phép và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 21 triệu đồng. Kết hợp Sở TN-MT An Giang bắt quả tang 4 vụ, giao Thanh tra Sở TN-MT xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 135 triệu đồng, tịch thu một phương tiện.
Theo ông Hải, những trường hợp này chủ yếu là hộ có đất vườn kêu máy tới tận thu cát. PC49 đã yêu cầu Sở TN-MT tỉnh An Giang mời những hộ dân này lại yêu cầu họ làm cam kết không được phép khai thác nhưng họ vẫn lén lút.
Bức thiết nên làm liều
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hùng Cường - trưởng Phòng TN-MT huyện Tịnh Biên - cho biết thực tế báo Tuổi Trẻ nêu chính xác. Hiện vùng Tịnh Biên đang bị các đối tượng cấu kết khai thác cát lén lút nhiều nơi rất nham nhở.
Nguyên nhân chính do nhu cầu bức thiết của người dân về cát để xây dựng các công trình dân dụng lẫn các công trình trọng điểm của huyện. Nhiều đơn vị thi công bị áp lực về thời gian, tiến độ rất nhiều nên họ làm liều.
"Một số đối tượng dù bị bắt, xử phạt nhưng họ vẫn lén lút làm và canh chừng rất cẩn mật, muốn bắt rất khó. Giờ các chùa Khmer xây dựng, phật tử không cúng tiền mà chỉ cúng cát ở đất vườn họ rồi kêu chùa tự kiếm xe đến múc cát để xây dựng. Từ thực tế này đã xuất hiện nhiều hầm hố rất nham nhở ở huyện" - ông Cường nói.
Về dư luận cho rằng những nơi khai thác cát hiện nay đa số có cán bộ đứng phía sau, phải chăng một số địa phương đang bảo kê và ngó lơ, ông Cường nói: "Việc cán bộ có bao che hay không tôi chưa biết. Nhưng bây giờ mà họp đoàn liên ngành ra quân bắt khai thác cát thì các đối tượng đã biết".
"Họ không làm ban ngày, thay vào làm ban đêm hoặc giờ nghỉ nên rất khó bắt. Đúng là một số địa phương còn buông lỏng quản lý nên các đối tượng lợi dụng địa hình đồi núi vắng vẻ để khai thác cát trộm như hiện nay" - ông Cường giãi bày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận