Johnny Trí Nguyễn và các diễn viên chính của Da 5 Bloods - Ảnh: 40 Acres and a Mule Filmworks
Cách biểu đạt về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam trong Da 5 Bloods rất lạc hậu.
Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh
Chiếu trực tuyến từ 12-6, Da 5 Bloods nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn phim ảnh Việt Nam.
Phim lấy bối cảnh Việt Nam thời chiến tranh (cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970) và thời hiện đại (cuối thập niên 2010). Nhân vật chính là 4 cựu binh Mỹ quay lại chiến trường ở Việt Nam để tìm hài cốt người thủ lĩnh và số vàng họ từng chôn giấu. Hầu hết cảnh Việt Nam trong phim được quay ở Thái Lan.
Có thực sự khen chê sòng phẳng
Nguyên nhân quan trọng để báo chí và giới phê bình Mỹ đánh giá cao Da 5 Bloods là tính thời sự. Phim ra vào thời điểm không thể đắt giá hơn, khi vấn đề chủng tộc đang rực nóng ở nước Mỹ sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd.
Đạo diễn Spike Lee của Da 5 Bloods là một trong những "ngọn cờ đầu" của điện ảnh da đen tại Mỹ. Lee chuyên trị đề tài chính trị, chủng tộc. Các phim đáng nhớ nhất của ông là Do The Right Thing và BlacKkKlansman.
Với Da 5 Bloods, Lee chọn đề tài trải nghiệm của binh lính da đen trong chiến tranh Việt Nam - một đề tài mới mẻ, ít ai khai phá. Đạo diễn dùng chất liệu hài đen và phong cách phim hạng B quen thuộc của ông, thể hiện rõ hơn ở nửa sau phim.
Điểm số của phim trên Metacritic là 8,1 (giới phê bình) và 6,1 (khán giả), trên Rotten Tomatoes là 92% (giới phê bình) và 61% (khán giả), trên IMDB là 6,9 điểm. Nhưng cũng có thể thấy sự chênh lệch trong cách đánh giá về phim giữa khán giả Mỹ và giới phê bình Mỹ.
Trên Rotten Tomatoes, các nhà phê bình đánh giá bộ phim là một bài học lịch sử thấm thía, một lời cảnh tỉnh đanh thép. David Sims của The Atlantic viết: "Với phong cách không thể bắt chước, Spike Lee khiến khán giả nhận ra rằng: dù lịch sử vẫn tiếp diễn, có những cuộc chiến chẳng thể ngừng lại". Mark Kermode của Observer nhận định: "Lee đã vẽ đường kẻ nối giữa chế độ nô lệ và quân đội da đen, qua đó liên kết với xã hội bất ổn hiện tại: liên tục chia rẽ rồi hàn gắn".
Hollywood Reporter đánh giá bộ phim "đúng thời điểm như tin thời sự". Chicago Sun-Times đi xa đến mức nghĩ phim xứng đáng có đề cử Oscar cho phim, kịch bản, nam diễn viên chính (Delroy Lindo) và các nam phụ. Một số tờ báo nhỏ mạnh miệng gọi phim là "kiệt tác".
Nhưng ở hướng ngược lại, nhiều tờ báo Mỹ mạnh bạo phê phán bộ phim.
CNN cho rằng dù hướng đến suy ngẫm về bất bình đẳng đối với người da đen và có vài khoảnh khắc mạnh mẽ, toàn thể bộ phim vẫn không đạt được tham vọng ấy: "Phim vừa pha trộn các bộ phim cũ, vừa lạc vào nhiều lối rẽ lòng vòng nên không thể đến đích".
Variety cho rằng phim mở đầu khá tốt, nên đáng tiếc khi nó sa vào những "sáo rỗng lười biếng" ở phần sau. The Daily Beast viết: "Phim thất bại vì một số nhân vật tính cách nghèo nàn và Spike Lee không thể đào sâu hơn vào vấn đề".
The Daily Beast "quy tội" nhiều báo Mỹ, với biên tập viên cấp cao là người da trắng, chọn cách viết "an toàn, lịch sự" về Da 5 Bloods, thay vì nhìn nhận sòng phẳng về bộ phim. "Cách tiếp cận lúng túng này chẳng khác gì sai lầm của chính Spike Lee với Da 5 Bloods. Đạo diễn dường như không hiểu điều ông hướng tới, từ chối đào sâu vào miền đất xa lạ, trong khi đào sâu gấp đôi ở những chủ đề cũ" - tờ báo này viết.
Một Việt Nam rất cũ trong điện ảnh Mỹ
Khá đông khán giả Việt Nam, bao gồm những người làm trong ngành điện ảnh, không đánh giá cao bộ phim. Trên trang Phê Club, một khán giả chỉ ra các nhược điểm: dài dòng, bội thực thông điệp, nhạc phim kém hiệu quả, một số "sạn" bất hợp lý và hình ảnh Việt Nam nhạt nhòa. Các nhược điểm khác cũng được nêu ra là lối dựng lộn xộn, liên tục đổi tỉ lệ khung hình, nhiều khi lạc lõng giữa nhạc nền và hình, diễn xuất giả tạo của một số diễn viên phụ.
Nguyễn Phương Anh (thạc sĩ ngành nghiên cứu truyền thông tại Đại học Tây Nam, Trung Quốc, với luận văn về ý thức hệ trong phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam) nhận định với Tuổi Trẻ: "Cách biểu đạt về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam trong Da 5 Bloods rất lạc hậu".
Nhà làm phim tự ám thị rằng Việt Nam vẫn bị ám ảnh bởi tàn tích chiến tranh. Hình ảnh Việt Nam trong phim rất khuôn mẫu: các cô gái mặc áo dài trong khách sạn, con trâu trên cánh đồng, du kích đội nón lá".
Dành nhiều lời khen cho phim nhưng tờ New York Times cũng cho rằng Da 5 Bloods không thoát khỏi chủ nghĩa ngoại dị (exoticism) như hầu hết phim Hollywood khi tái hiện Việt Nam.
Phim có vài diễn viên người Việt hoặc gốc Việt (Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Lê Y Lan, Sandy Hương Phạm), nhưng nhân vật của họ đều gây cảm giác xa lạ, thậm chí giả tạo.
Nhà sản xuất Bảo Nguyễn (phim Ròm, Be Water) nêu ý kiến trên trang cá nhân: "Là người Mỹ gốc Việt, tôi thấy nửa đầu của phim thực sự có vấn đề nhưng cũng là minh chứng cho thấy góc nhìn, theo tôi, là yếu tố quan trọng nhất trong điện ảnh. Nghiêm túc và đầy sức mạnh, bộ phim nhắc nhở chúng ta rằng nếu muốn câu chuyện của mình được kể, chúng ta phải tự mình kể ra nó".
Nhà báo Larry Berman (tác giả sách Điệp viên hoàn hảo) bình luận trên trang của Bảo Nguyễn rằng bộ phim chỉ là "những khuôn mẫu và biểu tượng sáo rỗng, đáng thất vọng và chỉ chạm được vào những tàn dư của chiến tranh".
Khán giả Việt tranh cãi khá gay gắt về cách bày tỏ thái độ trước cách biểu đạt Việt Nam của phim. Một số người nghĩ nên chấp nhận, một số người muốn lên tiếng phản đối.
Thạc sĩ Phương Anh theo quan điểm thứ hai. Cô nói: "Chúng ta nên lên tiếng về cách Spike Lee dùng Việt Nam và người Việt Nam như một "đạo cụ" thiếu chiều sâu. Phim là câu chuyện về người da đen chứ không phải về Việt Nam, nhưng với tư cách người Việt, tôi đòi hỏi sự biểu đạt tiến bộ hơn về Việt Nam, như cách Spike Lee đã đấu tranh cho sự biểu đạt về người da đen trong điện ảnh Mỹ. Nếu người gốc Á không đấu tranh cho sự biểu đạt của mình trong điện ảnh Mỹ, sẽ không có những phim như Crazy Rich Asians (Người giàu châu Á)".
Thân phận lính da đen ở Việt Nam
Các báo Mỹ ấn tượng với cảnh phát thanh viên Hanoi Hannah (Ngô Thanh Vân đóng) thông báo cho lính Mỹ da đen rằng tiến sĩ Martin Luther King, thủ lĩnh của cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, bị ám sát vào năm 1968.
"Người da đen chỉ chiếm 11% dân số Mỹ, nhưng các anh chiếm đến 32% quân số ở Việt Nam" - Hanoi Hannah nói qua đài phát thanh.
Trước đó, Norman - thủ lĩnh của toán lính Da Bloods - độc thoại hùng hồn: "Người da đen là những người đầu tiên chết vì lá cờ đỏ, trắng và xanh này. Ta đã chết cho đất nước này ngay từ đầu, hi vọng một ngày họ sẽ cho ta vị trí xứng đáng. Nhưng đáp lại họ chỉ cho ta một cú đá vào mông. Nước Mỹ đã nợ chúng ta".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận