01/08/2019 09:17 GMT+7

Cứu Vườn xuân Trung Nam Bắc: Nên làm hay... thôi?

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Đã qua nhiều tháng từ khi công chúng phát hiện bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hại, 'tương lai' của bức tranh này ra sao vẫn là câu hỏi lớn.

Cứu Vườn xuân Trung Nam Bắc: Nên làm hay... thôi? - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (thứ tư từ trái qua) trong buổi Ủy ban nhân dân TP.HCM bàn giao bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc cho bảo tàng - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM dự kiến sẽ tổ chức hội thảo vào tháng 11 tới đây xoay quanh chuyện phục hồi tác phẩm. Nhưng sửa chữa bức tranh thế nào, thậm chí có nên làm không... vẫn là những vấn đề còn có ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn, họa sĩ sơn mài.

Sau khi bức tranh được phục chế xong sẽ có những ý kiến trái chiều. Vậy ai sẽ có thẩm quyền để nói bức tranh đã được khôi phục và lấy lại hồn cốt như xưa? Nếu các vấn đề này không được làm rõ, tôi cho rằng khoan vội chỉnh sửa.

Ông Lương Xuân Đoàn (phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN)


Ai sẽ đảm nhiệm?

Sau nhiều buổi họp của các bên liên quan, từ Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho đến đại diện của Bộ VH-TT&DL, có thể nói gần như họa sĩ Nguyễn Xuân Việt - học trò danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) - đang là người được chọn để phục chế bức Vườn xuân Trung Nam Bắc.

Ông Nguyễn Xuân Việt am hiểu kỹ thuật của thầy mình và đã trực tiếp hoàn thành những công đoạn cuối cùng của bức tranh này. Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt cũng đã nhận được hai album ảnh chụp Vườn xuân Trung Nam Bắc trước và sau khi bị hư hại từ phía Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Theo họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, trong đề án phục hồi sửa chữa, phục chế bức tranh, ông dự định sử dụng vàng, bạc Nhật để gia giảm các sắc độ màu, làm cho lớp trứng chìm xuống khi nhìn vào tổng thể và vẽ lại một số chi tiết đã bị giấy ráp đánh bay đi.

Mỗi công đoạn gia giảm, mài giũa, điều chỉnh có thể mất một vài tháng, sau đó mất khoảng một năm rưỡi để phục hồi tổng thể tranh, và cần từ 8-10 năm để các lớp màu có thể đều lại và lắng xuống.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt cũng bày tỏ nguyện vọng được thực hiện việc phục chế bức tranh với đội ngũ riêng của mình. Ông chia sẻ: "Việc chỉnh sửa tác phẩm sơn mài cần sự hiểu ý của một đội ngũ làm với nhau từ lâu. Vì vậy, tôi chỉ nhận phục chế bức tranh khi không có ai làm gián đoạn công việc của mình.

Dù có mất lòng nhiều người, tôi vẫn sẽ trình bày quan điểm này vào hội thảo sắp tới". Tuy nhiên, nguồn tin từ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho biết nếu theo ý ông Việt thì sẽ rất khó cho phía bảo tàng khi báo cáo dự án và theo dõi, nghiệm thu.

Một số họa sĩ, chuyên gia phục chế sơn mài đề xuất nên mời họa sĩ sơn mài lão thành Hoàng Trầm cho ý kiến về việc chỉnh sửa bức tranh, nhưng họa sĩ Hoàng Trầm tuổi cao, sức yếu và trước đó ông đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không nên sửa chữa bức tranh này vì sẽ làm hư hại thêm hồn tranh.

Cần nghiên cứu thêm nhiều năm

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt cho biết chỉ cần tìm mua được chất liệu Nhật phù hợp, ông có thể bắt tay ngay vào việc sửa chữa Vườn xuân Trung Nam Bắc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phục chế tác phẩm ngay lúc này là điều không nên làm.

"Để phục chế Vườn xuân Trung Nam Bắc, chúng ta cần nghiên cứu thêm nhiều năm nữa, tránh trường hợp càng sửa càng sai, càng trầm trọng" - ông Lương Xuân Đoàn, phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định.

Họa sĩ sơn mài Nguyễn Tuấn Cường cũng cho rằng phải dành thời gian nhiều hơn để nghiên cứu phương án chỉnh sửa. "Tôi được biết người Nhật từng phục chế một chiếc hộp sơn mài hơn 100 năm tuổi bị bong tróc ở các góc, cạnh.

Họ chụp laser và phân tích rất kỹ từng lớp sơn, bồi đắp từng phần và lại dùng laser để đối chiếu xem màu mới hòa được vào lớp sơn cũ hay không. Còn nếu nhìn bằng mắt thường thì kể cả giới họa sĩ, chuyên gia vẫn không thể đánh giá tranh đã được hồi phục hay chưa" - họa sĩ Nguyễn Tuấn Cường nói.

Trong khi đó, họa sĩ Lý Trực Sơn lại chia sẻ khó có thể tham vấn các chuyên gia quốc tế: "Sơn mài của Việt Nam không giống những nước khác. Người Nhật làm sơn mài mỹ nghệ với một quy trình chuẩn nên chuyên gia hoặc thậm chí là thợ thủ công cũng có thể dễ dàng phục chế.

Còn sơn mài nghệ thuật với sự sáng tạo tự do của các họa sĩ Việt Nam, đặc biệt là cụ Nguyễn Gia Trí, thì chỉ có thể chỉnh sửa căn cứ trên những tác phẩm khác và nghiên cứu kỹ lưỡng cách pha màu của ông".

Họa sĩ Trần Ngọc Hưng - người từng sửa chữa tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng - khẳng định lĩnh vực phục chế tranh sơn mài có những quy định rất riêng. Muốn phục chế ở khu vực nào, người thực hiện phải khoanh vùng cụ thể, tùy theo tổng thể tranh để xác định lượng lưu huỳnh hóa phải lấy đi, không vẽ thêm lên tác phẩm...

"Tranh sơn mài cụ Nghiêm và cụ Sáng vẽ khá mỏng nên khi phục chế rất dễ gây nứt vỡ bề mặt nếu không cẩn thận. Trong khi đó, tranh cụ Trí dày hơn nên việc phục chế cũng dễ hơn" - họa sĩ Trần Ngọc Hưng nhận định.

Theo họa sĩ Nguyễn Tuấn Cường, cấu trúc của sơn mài gồm nhiều lớp khác nhau. Thêm vào đó, qua thời gian sơn sẽ dần bay màu, tính chất cũng khác đi.

Để một lớp sơn mới hòa vào lớp sơn cũ là việc cực kỳ khó. Việc phục chế cần các chuyên gia giỏi, tư liệu gốc phải thật chuẩn và dành nhiều năm để phân tích các lớp sơn. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ mới sửa chữa tranh sơn mài bằng kinh nghiệm chứ chưa áp dụng các phương pháp khoa học tiến bộ.

‘Vườn xuân Trung Nam Bắc’ hỏng vì vệ sinh bằng... nước rửa chén

TTO - Sau sự việc đáng buồn với tác phẩm ‘Vườn xuân Trung Nam Bắc’, cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm kiến nghị cần sớm ban hành văn bản hưởng dẫn về chế độ bảo quản đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên