Ngày 10-12-2007, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi (phải) thăm chính thức nước Pháp. Tổng thống Sarkozy long trọng đón tiếp - Ảnh: REUTERS
Văn phòng trung ương Chống tham nhũng - vi phạm tài chính và thuế ở Nanterre đã chính thức cho điều tra cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy về nghi vấn Libya tài trợ chiến dịch tranh cử của ông.
Vụ án của ông Sarkozy gồm ba nhóm: Phía Pháp có ông Sarkozy và bốn cộng sự, phía Libya có nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và bốn cộng sự, nhóm trung gian gồm hai doanh nhân Pháp Ziad Takieddine và Alexandre Djouhri cùng bốn cộng sự.
Làm thế nào ba nhóm này kết nối với nhau và họ đã giữ vai trò gì? Có thể chia hồ sơ Sarkozy -Gaddafi làm bốn giai đoạn.
Giai đoạn một: Tiếp cận
Libya dưới chế độ cầm quyền của đại tá Gaddafi đã bị lên án tài trợ cho bọn khủng bố quốc tế qua các vụ như hai vụ đánh bom ở sân bay Rome (Ý) và Vienna (Áo) ngày 27-12-1985, vụ Lockerbie (chuyến bay 103 của hãng Pan Am bị đánh bom ngày 21-12-1988), vụ đánh bom chuyến bay 772 của hãng UTA ngày 19-9-1989.
Mỹ cấm vận Libya năm 1986, sau đó đến lượt LHQ cấm vận năm 1992. Cuối năm 2004, cấm vận được hủy bỏ do Libya đã thể hiện nhiều thiện chí.
Tháng 11-2004, tức một tháng sau khi cấm vận được dở bỏ, Tổng thống Pháp Jacques Chirac dẫn đầu đoàn doanh nhân thăm chính thức Libya. Lúc bấy giờ hai doanh nhân Pháp Ziad Takieddine và Alexandre Djouhri cạnh tranh nhau môi giới thương mại cho Libya.
Ngày 6-10-2005, ông Sarkozy giữ chức bộ trưởng Nội vụ cùng đi với Giám đốc văn phòng Claude Guéant đến Libya trao đổi về vấn đề nhập cư. Chuyến thăm được Ziad Takieddine chuẩn bị.
Một người quen cũ của Ziad Takieddine cho biết trong chuyến đi này ông Sarkozy đã ngỏ ý đề nghị Libya tài trợ cho ông ra tranh cử tổng thống. Ông Sarkozy đã bác bỏ chuyện này.
Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ở gần nhà vào sáng ngày 21-3. Tối 20-3, ông được về nhà ngủ sau ngày tạm giữ đầu tiên - Ảnh: REUTERS
Giai đoạn hai: Kết nối
Cuối năm 2006, đầu năm 2007 đã có nhiều vụ chuyển tiền từ Libya sang Pháp.
Năm 2012, Abdullah Senussi - cựu chỉ huy tình báo quân sự Libya, khi điều trần trước Tòa án Hình sự quốc tế khẳng định chính ông giám sát việc chuyển 5 triệu euro tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Sarkozy qua trung gian của Claude Guéant và doanh nhân Ziad Takieddine.
Từ tháng 3-2007 đến tháng 7-2007, Claude Guéant (lúc này chuyển sang giữ chức giám đốc chiến dịch tranh cử của Sarkozy) đã thuê một két sắt rất lớn của ngân hàng BNP. Ông này nói trong két chỉ có các bài diễn văn và hồ sơ. Hiện nay chưa rõ két sắt đựng gì.
Theo tiết lộ của trang tin Mediapart, cuối tháng 4-2007 tại Libya, Bộ trưởng Dầu mỏ Shukri Ghanem đã trao đổi với Bashir Saleh (giám đốc văn phòng của Gaddafi) và Thủ tướng Baghdadi Mahmudi về việc đã chuyển 1,5 triệu euro cho ông Sarkozy.
Họ cũng nhắc đến 3 triệu euro do con trai của Gaddafi (Saif al-Islam Gaddafi) chuyển và 2 triệu euro do chỉ huy tình báo Abdullah Senussi chuyển cho ông Sarkozy đồng thời lo ngại số tiền này sẽ bị cắt xén.
Cuộc trò chuyện này được bộ trưởng Shukri Ghanem ghi chép vào sổ tay riêng.
Sarkozy thắng cử tổng thống
Ngày 16-5-2007, ông Sarkozy đắc cử tổng thống Pháp.
Giữa năm 2007-2008, trong các phi vụ bán thiết bị quân sự của Pháp cho Libya, doanh nhân Ziad Takieddine đã nhận nhiều triệu euro tiền huê hồng (tài liệu của Mediapart khẳng định con số 4,5 triệu euro).
Đến ngày 10-12-2007, nhà lãnh đạo Gaddafi thăm chính thức nước Pháp. Tổng thống Sarkozy long trọng đón tiếp. Gaddafi dựng lều riêng trong vườn khách sạn Marigny ở Paris suốt 5 ngày.
Ngày 3-3-2008, Chánh văn phòng tổng thống Claude Guéant đã nhận chuyển khoản 0,5 triệu euro từ người gửi nặc danh và dùng tiền này mua nhà. Ông nói đây là tiền bán hai bức tranh của ông.
Doanh nhân Ziad Takieddine khẳng định đã mang ba va ly tiền mặt trao cho Sarkozy - Ảnh: IP3 PRESS
Hai tháng sau, doanh nhân Alexandre Djouhri bán lại biệt thự ở Pháp cho quỹ đầu tư của Bashir Saleh (giám đốc văn phòng của Gaddafi) với giá 10 triệu euro trong khi biệt thự được định giá chỉ 4,4 triệu euro.
Vụ chuyển nhượng được thực hiện từ hải ngoại. Pháp đang điều tra xem đường dây này có được dùng để chuyển tiền tài trợ của Libya cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy hay không.
Đến ngày 5-3-2011, doanh nhân Ziad Takieddine từ Tripoli trở về Pháp đã bị bắt với 1,5 triệu euro tiền mặt trong va ly. Chưa rõ số tiền này dành cho ai.
Giai đoạn ba: Trở mặt
Tháng 2-2011, quân nổi dậy tấn công chống nhà lãnh đạo Gaddafi ở Libya. Tháng sau, chính Tổng thống Pháp Sarkozy là nguyên thủ quốc gia đầu tiên công nhận Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia của quân nổi dậy và kêu gọi liên minh quốc tế can thiệp quân sự.
Sau đó, Saif al-Islam Gaddafi con trai của Gaddafi đã tuyên bố trên kênh truyền hình Euronews: "Ông Sarkozy phải trả lại tiền đã nhận của Libya để đầu tư cho chiến dịch tranh cử".
Từ tháng 3-2011 đến 10-2011, chiến sự bùng nổ ở Libya. LHQ cho phép không kích vào Libya và Pháp giữ vai trò chủ yếu. Ngày 20-10-2011, Gaddafi thiệt mạng trong một vụ không kích của NATO.
Ngày 28-4-2012, trang tin Mediapart bắt đầu tiết lộ tài liệu của Libya đề ngày 10-12-2006, do chỉ huy an ninh Moussa Koussa ký, nói về thỏa thuận tài trợ 50 triệu euro cho chiến dịch tranh cử của Sarkozy. Hiện nay chưa thể xác nhận tài liệu này thật hay giả.
Một ngày sau, thi thể cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Shukri Ghanem được tìm thấy trên sông Danube ở Vienna (Áo). Nguyên nhân tử vong có vẻ do đau tim nhưng cảnh sát Áo và Interpol vẫn nghi ngờ cái chết này.
Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Shukri Ghanem - người giữ cuốn sổ tay quan trọng, chết trên sông Danube ngày 29-4-2012. Lễ tang ông được tổ chức tại Tripoli - Ảnh: AFP
Giai đoạn bốn: Điều tra
Đến ngày 19-4-2013, cơ quan công tố ở Paris bắt đầu mở cuộc điều tra về nghi vấn Libya tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy.
Hai năm sau, ngày 6-3-2015 Claude Guéant bị truy tố về tội gian dối, sử dụng gian dối và trốn thuế có tổ chức. Các thẩm phán không tin ông này bán hai bức tranh với giá 0,5 triệu euro.
Cuối tháng 3-2015, nhà của doanh nhân Alexandre Djouhri ở Thụy Sĩ bị khám xét theo yêu cầu của Pháp. Djouhri bị bắt ngày 7-1-2018 tại sân bay London (Anh), sau đó bị quản thúc tại gia chờ ngày dẫn độ về Pháp.
Về phần doanh nhân Ziad Takieddine, giữa tháng 11-2016 trang tin Mediapart tiết lộ băng video ông này khẳng định cuối năm 2006 đầu năm 2007 đã mang ba va ly tiền mặt của Libya đến Bộ Nội vụ trao cho Sarkozy.
Tháng sau, đến lượt Takieddine bị truy tố về tội đồng phạm nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để kinh doanh và chiếm đoạt công quỹ.
Và ngày 20-3-2018, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy bị tạm giữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận