Cựu tổng thống Bush cha qua đời ngày 1-12 ở tuổi 94 sau thời gian dài trị bệnh - Ảnh: AFP
Hơn 20 năm sau khi chiếc trực thăng cuối cùng chở người Mỹ rời khỏi nóc tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn (TP.HCM từ năm 1976) vào những giờ phút thất bại không thể tránh khỏi của cuộc chiến phi nghĩa, một chiếc trực thăng khác chở theo những người Mỹ nổi tiếng nhất kể từ 1975 đã đáp xuống ngoại ô Đà Nẵng: cựu Tổng thống và phu nhân.
Dưới thời chính quyền Bush cha (1989 - 1993), những viên gạch đầu tiên trong tiến trình được đặt xuống.
Dù chuyến thăm năm 1995 của ông Bush cha mang tính chất không chính thức, nó đã làm dấy lên những phản ứng trái chiều trong lòng nước Mỹ. Giới nghiên cứu quan hệ Việt - Mỹ giai đoạn sau khi nhìn lại chuyến thăm này đã nhận định đây là tín hiệu báo trước những biến chuyển mạnh mẽ từ Washington, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, đối với một Việt Nam vừa mới "mở cửa".
Chuyến thăm bị ném đá
Tháng 7-1995, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương, gác lại quá khứ thì đến tháng 9 cùng năm, ông Bush cha sang thăm Việt Nam theo diện tài trợ của Citibank - một trong những ngân hàng Mỹ đầu tiên xin phép mở chi nhánh tại Việt Nam sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại năm 1994.
Nhưng một số nghị sĩ bảo thủ, cựu chiến binh và người Mỹ gốc Việt đã phản đối chuyến thăm, gây áp lực đòi ông Bush phải ở nhà, với lý do họ không tin Việt Nam trong vấn đề POW/MIA và một số vấn đề liên quan đến hệ tư tưởng. Bob Barr, một Hạ nghị sĩ của bang Georgia, trình dự luật ngăn chặn việc cấp ngân sách mở đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Jim McGrath, người phát ngôn của ông Bush cha khi đó, xác nhận "cựu tổng thống biết rằng có những cảm xúc mạnh mẽ, nhưng tôi nghĩ ông ấy đã có tính toán kĩ lưỡng mới quyết định rằng ông ấy đi vào thời điểm này hoàn toàn thích hợp". Cựu tổng thống đã tham khảo ý kiến của Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain trước khi đưa ra quyết định, ông McGrath tiết lộ thêm.
"Tôi đã đánh giá tình hình với ông ấy, và nói rằng nếu ông cảm thấy muốn đi Việt Nam, tôi thấy không có gì sai", ông McCain trả lời phỏng vấn New York Times vào tháng 8-1995.
"Đây là một cơ hội quan trọng để cựu tổng thống Bush thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong vấn đề POW/MIA", cựu tù binh chiến tranh Việt Nam khi đó chia sẻ.
Cựu tổng thống Bush cha thăm địa điểm phát hiện hài cốt lính Mỹ ở Đà Nẵng năm 1995 - Nguồn: YOUTUBE
Khi chiếc trực thăng của Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam đáp xuống cánh đồng lúa cách Đà Năng 30km năm 1995, hình ảnh cựu tổng thống Mỹ bước ra trở thành liều thuốc động viên tinh thần mạnh mẽ với những người đang thực hiện sứ mệnh tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ mất tích tại Việt Nam.
Đà Nẵng là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh, nhưng khu vực xung quanh là cơn ác mộng của các binh sĩ Mỹ, khi phải đối đầu với các cuộc tấn công du kích của bộ đội Việt Nam.
Trước đó 25 năm một người nông dân Việt Nam đã tìm thấy thi thể của một binh sĩ Mỹ trôi dạt trên sông ở đây. Những người dân địa phương đã an táng người lính vô danh tại khu vực giờ đang nằm dưới 4m nước. Người lính đó chỉ là một trong số hơn 2.190 trường hợp binh sĩ Mỹ mất tích sau chiến tranh.
Thời điểm ông Bush cha đến thăm, một con đập bằng tre đang được các công nhân Việt Nam và binh sĩ Mỹ xây dựng. Trong nỗ lực hồi hương hài cốt của người lính nói trên, 10.000 bao cát sẽ được đổ xuống con đập, nước sẽ được rút ra trước khi việc đào bới được tiến hành.
Ông George HW Bush năm 1992 - Ảnh: Getty
Việc ông Bush thăm địa điểm này không chỉ dập tắt các ý kiến chỉ trích từ Mỹ, mà theo hãng thông tấn AP, còn chuyển thông điệp của sự cảm thông về số phận của hơn 300.000 người Việt mất tích sau chiến tranh, một con số gấp nhiều lần số người Mỹ mất tích.
"Những nỗ lực chung giữa các binh sĩ, thường dân Mỹ và người Việt Nam cũng là những nỗ lực của Thiên Chúa đem lại bình an cho các gia đình ở Mỹ. Tôi đã nói quá nhiều khi ở Hà Nội rồi, chúng ta cần nhớ rằng vẫn còn rất nhiều người Việt bị mất tích sau chiến tranh và điều đó cũng quan trọng không kém chuyện này", cựu tổng thống Bush phát biểu tại Đà Nẵng năm 1995.
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đón cựu tổng thống Mỹ Bush và phu nhân tại Nhà khách chính phủ trong chuyến thăm năm 1995 - Ảnh chụp màn hình Getty
Người khởi xướng lộ trình bình thường hóa
Sau một số cuộc tiếp xúc cấp bộ trưởng giữa Việt Nam và Mỹ cuối những năm 1980 đầu 1990, chính quyền Bush cha bắt đầu đưa ra một lộ trình cho việc bình thường hóa năm 1991. Những cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam - lúc bấy giờ đã là các Thượng nghị sĩ có tiếng nói như John Kerry, John McCain và cựu Thượng nghị sĩ Bob Smith - có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình tại Quốc hội Mỹ.
Họ phải đối mặt với các chỉ trích, những cuộc cãi vã và chất vấn về mức độ giữ lời hứa của Việt Nam từ các đồng liêu. Nhưng những nỗ lực kiên trì và không ngại khó khăn đó đã đặt nền móng cho những tiến bộ sau này.
Vấn đề được công luận Mỹ quan tâm hàng đầu và gây sức ép lên chính quyền Bush cha là số phận của các tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (vấn đề POW/MIA). Sự chân thành của Việt Nam đã dẫn đến việc Washington quyết định thành lập một văn phòng tạm thời tại Hà Nội năm 1991 để cùng phối hợp trong nỗ lực tìm kiếm. Trong cùng năm 1991, lệnh cấm khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Mỹ thăm Việt Nam chính thức được bãi bỏ.
Dù đề xuất lộ trình bình thường hóa, nỗ lực của chính quyền Bush cha trong việc cải thiện quan hệ với Việt Nam khá dè dặt.
Một phần xuất phát từ việc ông Bush - một thành viên của đảng Cộng hòa, phải thường xuyên làm hài lòng và trấn an các thành phần bảo thủ trong đảng, thậm chí lên tiếng phản đối dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ở một vài thời điểm.
Hãng thông tấn AP của Mỹ bình luận bất chấp những tín hiệu yếu ớt của chính quyền Bush cha, người Việt Nam đã đón nhận và trân trọng các nỗ lực mang tính cầu thị từ phía Washington.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận