18/05/2022 17:10 GMT+7

Cựu tổng giám đốc VEAM: 'Tôi không có sai phạm gì'

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Trả lời thẩm vấn, cựu tổng giám đốc VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận các cáo buộc và cho hay quá trình đương nhiệm ông đã làm hết trách nhiệm và 'không có sai phạm gì'.

Cựu tổng giám đốc VEAM: Tôi không có sai phạm gì - Ảnh 1.

Bị cáo Hà trả lời thẩm vấn - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 18-5, phiên xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tiếp tục phần xét hỏi.

Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Ngọc Hà (cựu tổng giám đốc VEAM) phủ nhận tất cả cáo buộc về các nội dung sai phạm trong thời gian ông giữ chức tổng giám đốc VEAM.

'Đã thực hiện đúng, không có sai phạm gì'

Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến 2013, VEAM ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỉ đồng. Do Vetranco không có khả năng trả nợ, VEAM bị cưỡng thu 23 tỉ đồng, và phải cho Ventraco vay thêm 52 tỉ đồng để trả nợ, dẫn tới thiệt hại gần 76 tỉ đồng.

Ông Hà, khi đó là chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) của VEAM, bị cáo buộc biết và buộc phải biết việc VEAM bảo lãnh thanh toán cho Vetranco là trái quy định pháp luật, nhưng vẫn tạo điều kiện cho cấp dưới thực hiện.

Trả lời xét hỏi về sai phạm trên, ông Trần Ngọc Hà nói việc bảo lãnh vay (nếu dưới hạn mức quy định) thuộc thẩm quyền của tổng giám đốc là ông Lâm Chí Quang và tổng giám đốc không cần phải báo cáo với HĐTV, vì vậy HĐTV trong đó có cả bị cáo "không hề biết việc này".

'Hạn mức bảo lãnh vay của VEAM là bao nhiêu?', chủ tọa hỏi. Ông Hà nói không nhớ chính xác, khoảng 20% vốn điều lệ tại thời điểm ấy (khoảng 2.300 tỉ), tức hạn mức khoảng 460 tỉ trở xuống.

Ông Hà cho biết mãi đến tháng 9-2013, ông mới được phản ánh và ngay lập tức yêu cầu báo cáo lại toàn bộ, sau đó chỉ đạo ngăn chặn ngay những phát sinh bảo lãnh tiếp theo, chính vì vậy thiệt hại không hết 193 tỉ mà chỉ dừng lại hơn 75 tỉ.

Cựu tổng giám đốc VEAM cho rằng mình không có điều kiện để biết về các khoản bảo lãnh này, do đó nếu có thì chỉ nhận trách nhiệm chung của người đứng đầu về mặt hành chính.

Về cáo buộc năm 2014, VEAM ra nghị quyết về việc đầu tư dự án sản xuất máy kéo hạng trung với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng.

Mặc dù chưa được Bộ Công thương quyết định đầu tư, bị cáo Trần Ngọc Hà với tư cách tổng giám đốc VEAM đã ký, chi hơn 56 tỉ đồng mua quyền sở hữu công nghiệp với máy kéo của Công ty ISEKI (Nhật Bản).

Năm 2018, Bộ Công thương ra văn bản yêu cầu không thực hiện dự án. Việc này dẫn tới VEAM bị thiệt hại hơn 56 tỉ đồng, là số tiền đã thanh toán cho Công ty ISEKI.

Tiếp tục trả lời hội đồng xét xử, ông Hà phủ nhận sai phạm trên và cho biết tháng 4-2017, HĐTV Công ty VEAM biểu quyết thông qua dự án sản xuất máy kéo hạng trung với tỉ lệ 100%.

Theo ông Hà, lẽ ra sau khi biểu quyết thông qua thì chủ tịch HĐTV phải ban hành quyết định đầu tư, "nhưng không hiểu sao sau đó lại không ban hành".

Ông Hà cho rằng việc dừng dự án là trái pháp luật, bởi trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt có hạng mục đầu tư sản xuất máy kéo, nhưng khi dừng dự án lại không xin ý kiến của lãnh đạo Chính phủ.

Bị cáo khẳng định, nếu thực hiện đúng, không dừng dự án trái pháp luật thì không có vụ án này, dự án đã có thể hoàn thành và đi vào hoạt động.

Chủ tọa hỏi: "Bị cáo thấy trong dự án này có sai phạm gì không?". Ông Hà đáp: "Đã thực hiện đúng, không có sai phạm gì".

'Làm tất cả đều rất trách nhiệm, cáo buộc tôi như vậy là không đúng'

Cựu tổng giám đốc VEAM: Tôi không có sai phạm gì - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Ngoài các sai phạm trên, ông Hà còn bị cáo buộc với tư cách tổng giám đốc VEAM đã tự ý quyết định hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc) thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển sản phẩm xe ôtô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Sri Lanka.

Việc này không có nghị quyết của HĐTV của Tổng công ty VEAM, cũng không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt của tổng công ty.

Quá trình thực hiện, Trần Ngọc Hà quyết định việc chuyển tạm ứng cho Công ty T-King tổng số tiền 400.000 USD để T-King nghiên cứu, phát triển các bộ linh kiện xe ôtô tay lái bên phải. Thế nhưng kế hoạch nêu trên sau đó không thực hiện được vì không có tính khả thi, VEAM không thu hồi được khoản tiền đã tạm ứng nên bị thiệt hại gần 10 tỉ đồng.

Ông Hà phủ nhận cáo buộc trên và cho hay hằng năm HĐVT VEAM đều ban hành kế hoạch sản xuất, doanh thu nhưng chỉ ở dạng con số, đơn vị tỉ đồng. Còn tổng giám đốc, khi đó là ông, phải xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể sản phẩm gì.

"Cáo trạng nói tôi không xin phép HĐTV là vô lý, vì thực chất đó là quyền của tôi. Còn việc người kế nhiệm không thực hiện nốt được việc tôi đang làm dở dang, tôi không phải chịu trách nhiệm", ông Hà cho hay.

Cuối phần trình bày, ông Hà nói mình là người "hết sức năng động và đam mê với công việc, dấn thân vì nhận ra những việc có lợi cho công ty".

Chủ tọa tiếp tục truy vấn: "Nếu đúng như bị cáo trình bày từ chiều đến giờ thì với những cáo buộc của viện kiểm sát, bị cáo chẳng có gì vi phạm?". Bị cáo Hà đáp lời: "Tôi nhận thức mình không sai phạm gì, làm tất cả đều rất trách nhiệm, cáo buộc tôi như vậy là không đúng".

Cựu chủ tịch VEAM và đồng phạm gây thiệt hại bao nhiêu? Cựu chủ tịch VEAM và đồng phạm gây thiệt hại bao nhiêu?

TTO - Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, một số người từng là lãnh đạo Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã có nhiều quyết định, chủ trương đầu tư trái quy định gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước.

DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên