Các khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan đều được giải ngân trước khi được phê duyệt?
Ông Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) và ông Võ Tấn Hoàng Văn bị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị mức án chung thân về hai tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bào chữa cho bị cáo Bùi Anh Dũng, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng phần lớn các khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB đã được giải ngân trước khi công tác tham mưu, phê duyệt được thực hiện.
Bị cáo Trương Mỹ Lan hoàn toàn có thể đạt được mục đích của mình mà không cần thông qua ý kiến, phê duyệt của hội đồng quản trị, trong đó có bị cáo Dũng.
Bên cạnh đó, đối với các khoản vay được hội đồng quản trị phê duyệt trước khi giải ngân, bị cáo Dũng chỉ được tiếp xúc hồ sơ do cấp dưới trình lên sau khi “hợp thức hóa” để phù hợp với quy chế cấp tín dụng của SCB và quy định pháp luật về ngân hàng.
Mặc dù là chủ tịch hội đồng quản trị, bị cáo Dũng không được bị cáo Trương Mỹ Lan xem là thân tín, không được tin tưởng, cho đảm nhận nhiệm vụ then chốt, quan trọng nào, đặc biệt là việc rút tiền.
Ông Dũng chỉ là người lao động, làm công ăn lương, thực hiện công việc với tư cách lệ thuộc, không có đủ tài liệu, điều kiện để có thể nhận thức, đánh giá chính xác hành vi của mình.
Từ đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử đánh giá lại vai trò đồng phạm giúp sức không mang tính tích cực cho bị cáo Bùi Anh Dũng; xin xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm khung hình phạt cho bị cáo.
Luật sư Lê Hồng Nguyên (bào chữa cho bị cáo Dũng và bị cáo Văn) cho rằng SCB có những vấn đề mà cơ quan nhà nước không quản lý được, để bà Lan chiếm hơn 90% cho nên bị cáo Dũng và các bị cáo khác ngộ nhận bà Lan sở hữu ngân hàng này.
Những ảnh hưởng của bà Lan đã khiến bị cáo Dũng và bị cáo Văn ngộ nhận mình chỉ làm công ăn lương nên đã không làm theo quy trình mà SCB đưa ra.
Luật sư cho rằng hai bị cáo này đã ‘vi phạm quy định về cho vay’ khi không làm đúng quy trình, gây nên thất thoát, thiệt hại cho SCB.
Tuy nhiên trong quy trình thực hiện phạm tội, thân chủ không giữ vai trò quyết định. Tiền đã xuất ra trước đó.
'Nói SCB nợ tiền thuê nhà của bà Lan là xúc phạm'
Chủ tọa hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn về việc bà Trương Mỹ Lan cho rằng SCB thiếu tiền thuê nhà chưa trả thì ông Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng SCB chuyển hội sở từ đường Trần Hưng Đạo về tòa nhà số 19 Nguyễn Huệ của bà Lan và có trả tiền thuê nhà.
"Bà Lan nói không trả tiền, bị cáo thấy rất xúc phạm. Bị cáo nhớ SCB ký hợp đồng đặt cọc giữ thuê dài hạn. Nhưng bị cáo không nhớ nội dung hợp đồng về năm khấu trừ số tiền đặt cọc đó" - ông Văn nói.
Sau đó, ông Văn tiếp tục bào chữa. Ông cho rằng nguồn tiền trả khoản nợ đề án tái cơ cấu khi đáo hạn gần như không có.
Nếu không có nguồn tiền, lấy đâu mà ngân hàng hoạt động, bị cáo đã nói với ông Đinh Văn Thành, ông Thành nói với bà Lan, bà Lan đưa tài sản vào. SCB bị cuốn vào vòng xoáy cho mượn tài sản của bà Lan.
Tất cả người làm việc ở SCB phụ thuộc vào việc bổ trợ của bà Lan trong việc tái cơ cấu. Bà Lan như người đỡ đầu cho SCB trong việc tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, ông Văn cho rằng Ngân hàng SCB hợp nhất vào ngày 1-1-2012, trong đó nhóm cổ đông Vạn Thịnh Phát do bà Lan dẫn đầu nắm giữ trên 65%, tài sản nhóm Vạn Thịnh Phát đem vào cơ cấu có tòa nhà Times Square, Windsor... dưới sự chi phối kiểm soát của bà Lan.
Đối chiếu theo quy định pháp luật, một nhóm cổ đông kiểm soát phục vụ ngân hàng tái cơ cấu là chưa phù hợp quy định pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước tại thời điểm này có lẽ đã biết chưa phù hợp với quy định. Việc này ảnh hưởng đến tâm lý người làm cho SCB, họ nghĩ rằng có sự ủng hộ nào đó, họ mới dốc sức làm.
Ông Văn nói viện kiểm sát cho rằng ông có trình độ, kiến thức nhưng cố ý phạm tội, phạm tội nhiều lần là chưa thỏa đáng vì ngân hàng là hoạt động lặp đi lặp lại.
Ông Văn mong hội đồng xét xử thông cảm cho đặc thù ngành tài chính và xin được hưởng sự khoan hồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận