BS Hà Thị Phi Điệp kiểm tra mức độ hồi phục hoạt động tay, chân của ông Kenin T.Đ - Ảnh: D.THANH
Mới đây, một Việt kiều Mỹ 60 tuổi, đang ngồi chơi cùng bè bạn khi đi du lịch đến TP Quy Nhơn (Bình Định) bỗng dưng bị méo miệng, toàn bộ tay, chân bên trái bị yếu, liệt...
Hơn 300 người được cứu sống kịp thời
Khoảng 23h50, ông được bạn bè đưa đến BVĐK tỉnh Bình Định cấp cứu. Các bác sĩ trực khoa khám đã báo ngay cho bộ phận đột quỵ phản ứng nhanh thuộc khoa thần kinh đột quỵ để cứu chữa. Chỉ 5 phút sau khi được chụp CT, kết luận bị nhồi máu não, ông Kevin được đưa đến khoa thần kinh đột quỵ, được cấp cứu qua kỹ thuật tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch.
"Tôi rất mừng vì đã được cứu sống nhanh chóng. Bốn năm trước, tôi từng bị đột quỵ, liệt hẳn nửa người bên trái, phải nằm bệnh viện ở Mỹ một năm rưỡi để điều trị, tập luyện mới đi lại bình thường được. Nay về nước ăn tết, đi du lịch lại bị trở lại. May mắn là BVĐK Bình Định đã xử lý nhanh chóng, hiệu quả, giúp tôi trở lại cuộc sống bình thường" - ông Kevin nói.
BS CKII Hà Thị Phi Điệp - trưởng khoa thần kinh đột quỵ BVĐK tỉnh Bình Định - cho biết ông Kevin là một trong số hơn 300 bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não cấp đã được bệnh viện này cứu sống trong 3 năm qua nhờ kỹ thuật tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch.
Theo BS Điệp, kỹ thuật này được BVĐK tỉnh Bình Định thực hiện từ tháng 10-2015 đối với bệnh nhân nhồi máu não cấp được đưa đến bệnh viện trong vòng 4,5 giờ tính từ thời điểm bệnh khởi phát. "Nhờ thiết lập được quy trình cấp cứu, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng liên khoa gồm khoa khám, khoa chẩn đoán hình ảnh và khoa thần kinh đột quỵ, nên bệnh nhân được xử lý nhanh chóng, từ khi vào viện đến khi xử lý xong chỉ trong khoảng 40 phút. Nhờ vậy, bệnh nhân được cứu khẩn cấp, phục hồi nhanh chóng sau 1-2 ngày nằm viện và khỏe lại như người bình thường" - BS Điệp cho hay.
Đừng quên "thời gian vàng"
BS Điệp cho biết đột quỵ có thể khiến bệnh nhân tử vong hoặc bị di chứng nặng nề nếu không được chẩn đoán đúng và cấp cứu kịp thời. Bác sĩ khuyên khi một người có các triệu chứng như đột ngột liệt mặt, miệng méo một bên, liệt hoặc yếu một bên tay và chân, nói ngọng hay nói khó hoặc mất hẳn ngôn ngữ thì đó là những dấu hiệu của đột quỵ. "Bệnh nhân cần được đưa ngay đến bệnh viện càng sớm càng tốt, thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ từ khi khởi phát đến khi nhập viện cấp cứu..." - BS Điệp khuyến cáo.
BS Hồ Việt Mỹ - giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định - nói rằng bệnh viện ông là một trong số rất ít đơn vị y tế ở miền Trung và Tây Nguyên thực hiện kỹ thuật tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận hơn 2.500 ca đột quỵ, trong đó hơn 1.000 ca nhồi máu não. BS Mỹ nói khi chưa áp dụng kỹ thuật này thì có những bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não đến trong thời gian vàng vẫn được cấp cứu, điều trị theo phác đồ cũ, khiến họ không có cơ hội được cứu sống nhanh chóng và "phục hồi kỳ diệu" như bây giờ. Nhiều bệnh nhân phải mất hàng tháng, hàng năm để phục hồi sau cấp cứu bằng các biện pháp vật lý trị liệu mà không thể hồi phục được sức khỏe như ban đầu.
Nhờ Bệnh viện 115 chuyển giao kỹ thuật
"Chúng tôi may mắn được các chuyên gia đầu ngành ở Bệnh viện Nhân Dân 115 giúp đỡ, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật này. Hơn nữa, BS Điệp và các bác sĩ, thầy thuốc ở khoa thần kinh đột quỵ rất tâm huyết, chịu học, vượt qua các khó khăn để áp dụng thuần thục kỹ thuật mới. Các khoa liên quan như khoa khám, khoa chẩn đoán hình ảnh cũng đều nỗ lực hết sức, hình thành được chuỗi cấp cứu SOS với tinh thần tất cả vì bệnh nhân" - BS Hồ Việt Mỹ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận