Ngày 27-7, bác sĩ Nguyễn Hoàng Duyên - phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu - cho biết bệnh viện này vừa cấp cứu và điều trị thành công một bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt hơn 120 vết sau 20 ngày điều trị tích cực.
Đó là trường hợp của ông P.V.T. (68 tuổi, ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long, Bạc Liêu) nhập viện vào ngày 6-7 với 120 đốt ong vò vẽ đánh trên cơ thể.
Theo người nhà, ong vò vẽ làm tổ trên mái nhà, trong lúc lau dọn mái nhà và rửa máng nước, ông T. không thấy tổ ong nên vô tình đụng phải và bị cả bầy ong lao vào đốt, người nhà phải dùng bình xịt muỗi xịt vào mới giải cứu thành công ông T. khỏi bầy ong đang bu quanh người.
Ông T. được người thân đưa đi cấp cứu với tình trạng lúc nhập viện là khó thở, mạch nhanh, huyết áp tăng, nổi mề đay toàn thân, nhiều vết ong đốt chi chít vùng đầu, mặt, vai, lưng và hai tay.
Chẩn đoán là trường hợp ong đốt mức độ nặng, ông T. ngay lập tức được cấp cứu, hồi sức tích cực, chống sốc phản vệ và làm các xét nghiệm cần thiết. Các kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy bệnh nhân đã bắt đầu có tình trạng rối loạn đông máu nặng và tổn thương đa cơ quan.
Các bác sĩ tại khoa hồi sức tích cực đã phải phối hợp nhiều biện pháp bao gồm điều trị nội khoa tối ưu, lọc máu hấp phụ chất độc, thay huyết tương, lọc máu liên tục với hy vọng có thể giúp người bệnh thoát cơn nguy kịch. Trong quá trình điều trị, tình trạng suy hô hấp của ông T. tiến triển nặng có lúc phải hỗ trợ thở máy không xâm lấn.
Qua gần ba tuần điều trị tích cực, sức khỏe của ông T. hiện tại đã ổn định, không còn mệt, khó thở, vị trí vết đốt giảm đau, giảm sưng nề, tình trạng tổn thương đa cơ quan và đặc biệt là tổn thương thận cấp dần hồi phục khá tốt. Trưa cùng ngày, ông T. đã được cho xuất viện.
Bác sĩ Duyên cho biết các loại ong thường hay đốt người là ong mật, ong bầu, ong vàng, ong vò vẽ. Sau khi đốt, các chất trong nọc ong gây ra phản ứng dị ứng, sốc phản vệ, làm ngưng kết tiểu cầu và gây tắc mao mạch, tổn thương nhiều cơ quan, về lâu dài dẫn đến suy gan, suy thận và có thể tử vong.
Do đó khi bị ong đốt, ngoài việc xử trí vết thương tại chỗ, giảm đau thì người bị ong đốt cần được theo dõi và phát hiện các biến chứng cấp tính khác có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi bị ong đốt kèm theo có biểu hiện nổi mề đay, ngứa, khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu… cần khẩn cấp gọi ngay cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở khám chữa bệnh để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận