
Nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn đọc thư cảm ơn sau khi sức khỏe hồi phục tốt - Ảnh: THU HIẾN
"Tôi như được sinh ra thêm một lần nữa", nghệ sĩ Thanh Tuấn nói sau khi trải qua cơn "thập tử nhất sinh".
Chạy đua với cơn nhồi máu não
Ngày 9-4, ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nghệ sĩ Thanh Tuấn đã cất giọng ca cải lương "vàng" để cảm ơn đến các y bác sĩ, khán giả đã luôn sát cánh trong quá trình điều trị bệnh. Với ông, điều này tưởng chừng như không còn cơ hội nhưng kỳ tích đã xảy ra.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn hát cảm ơn y bác sĩ cứu sống khi ông đã ngừng tim - Video: THU HIẾN - BỆNH VIỆN CHỢ RẪY
Chiều 25-3 ông xuất hiện các triệu chứng tức ngực, khó thở, mệt với các triệu chứng nặng ngày càng tăng. Vốn có tiền sử bệnh hẹp mạch vành và bệnh tim thiếu máu cục bộ, gia đình tức tốc đưa nghệ sĩ vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong vòng từ 15-20 phút.
Bác sĩ Trần Thanh Linh - trưởng khoa hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết trong lúc nhập viện tại khoa cấp cứu, nghệ sĩ Thanh Tuấn đã rơi vào tình trạng hôn mê, ngừng tim. Bệnh viện lập tức đã bật báo động đỏ, chẩn đoán sơ bộ với nghệ sĩ Thanh Tuấn là nhồi máu cơ tim cấp.
Lúc này người bệnh đã thiếu oxy não do ngừng tim, suy đa cơ quan, được chuyển thẳng lên khoa hồi sức cấp cứu... Các bác sĩ nhanh chóng hạ thân nhiệt cho bệnh nhân bảo vệ não, hội chẩn liên chuyên khoa, lọc máu liên tục.
"Ngay trong sáng cùng ngày, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực, các biện pháp để cứu nghệ sĩ Thanh Tuấn. Các chuyên khoa được hội chẩn liên như: nội thần kinh, hồi sức cấp cứu, rối loạn nhịp tim...", bác sĩ Linh nói.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thiết lập hệ thống ECMO cấp cứu kết hợp với can thiệp mạch vành ngay tại phòng thông tim. Bên cạnh đó, kết quả chụp mạch vành cũng phát hiện mạch máu nghệ sĩ bị vôi hóa rất nặng, hẹp 90% động mạch...
Để điều trị, các bác sĩ đã chọn phương pháp cắt mảng vôi hóa bằng Rotablator, nong bóng và đặt 3 stent cho nghệ sĩ đồng thời duy trì ECMO bảo vệ não. Cuộc phẫu thuật kéo dài hai giờ đồng hồ rất căng thẳng.
Bằng sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của đội ngũ ê kíp điều trị, hiện tại nghệ sĩ Thanh Tuấn đã có thể tự ăn uống, sinh hiệu ổn định, chức năng tim cải thiện 40%, các cơ quan khác hồi phục gần như hoàn toàn, dự kiến có thể xuất viện trong tuần.
"Các bác sĩ dám nghĩ dám làm"
TS Trương Phi Hùng - phó khoa nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết ê kíp các bác sĩ đã cố gắng cứu sống và bảo tồn những chức năng não của nghệ sĩ. Với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng hô hấp tuần hoàn, choáng tim, tỉ lệ tử vong là 80-90% nếu không xử trí kịp thời.
"Đây là một ca khó, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa. Khi bệnh nhân nhập viện đã may mắn được hạ thân nhiệt ngay lập tức, đặt ECMO để giúp ổn định huyết động, bảo vệ não cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, điều khó khăn hơn là phải can thiệp trên ca bệnh có mạch máu bị vôi hóa rất nặng, sang thương đẩy không đi, ngoằn ngoèo với thời gian gấp rút, nếu làm chậm bệnh nhân có khả năng tử vong. Trong tình huống này bắt buộc phải có ECMO, khi mạch máu đã thông tốt hy vọng cơ tim sẽ hồi phục", TS Hùng nói.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định về trường hợp của nghệ sĩ Thanh Tuấn: "Các bác sĩ đã dám nghĩ dám làm, nếu chỉ muốn an toàn thì ca này sẽ không có kết quả tốt như vậy...".
Tại buổi chia sẻ, nghệ sĩ Thanh Tuấn đã gửi lời cảm ơn đến tập thể y bác sĩ, khán giả đã luôn sát cánh, đưa nghệ sĩ qua cơn "thập tử nhất sinh" giúp ông được "tái sinh" thêm một lần nữa.
Triển khai kỹ thuật khó cứu sống nhiều người bệnh
Bác sĩ CKII Lý Ích Trung - phó khoa can thiệp tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết kỹ thuật khoan cắt mảnh vôi hóa bằng Rotablator đã được bệnh viện triển khai vào những năm 2013.
Hiện tại, tỉ lệ ca khoan cắt ở Chợ Rẫy là cao nhất phía Nam. Chi phí mỗi ca rơi vào khoảng 48 triệu đồng, được BHYT chi trả toàn bộ. Kỹ thuật này có nguy cơ biến chứng, bởi tốc độ mũi khoan trung bình 160.000 - 200.000 vòng/phút.
Mũi khoan rộng khoảng 3 milimet và đi trong lòng mạch máu, có thể gây vỡ mạch máu. Do đó, người thực hiện kỹ thuật này phải dày kinh nghiệm, nên chưa triển khai rộng rãi ở nhiều đơn vị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận