Ngày hôm nay, họ hội ngộ để cùng tiễn đưa người bạn cũ một chặng đường cuối cùng.
"Anh Trọng" là người hiền lành, nhân hậu
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Đặng Thị Yến, 78 tuổi, cựu sinh viên lớp Văn khóa 8, Trường đại học Tổng hợp, nguyên phóng viên báo Nhân Dân, nói bà không giấu được nỗi bàng hoàng và xúc động khi nhận được tin người bạn cũ thân thương đã từ trần.
Cựu sinh viên lớp Văn khóa 8 xúc động nhớ về người bạn Nguyễn Phú Trọng
"Suốt từ hôm ấy tôi không ngủ được. Thương anh ấy một nỗi là bản thân tôi thì được về hưu từ năm 2002, mà từ đó đến giờ mấy chục năm anh ấy vẫn phải làm việc rất căng thẳng, chưa được hưởng cuộc sống đời thường với gia đình mà đã vội ra đi", bà nói.
Trong ký ức của bà, "anh Trọng" là người hiền lành, nhân hậu, sống chan hòa với tất cả mọi người.
Nhớ lại lần họp lớp gần nhất vào năm 2022 ngay tại cơ quan báo Nhân Dân, bà Yến kể rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất gần gũi, đến từng người hỏi han.
Sáng nay từ 6h, bà được con đưa đến dự lễ tang và đang chờ hội ngộ cùng nhóm các cựu sinh viên để vào viếng người bạn đồng môn.
Chung cảm xúc khi nhớ về người bạn đồng môn, ông Lê Ngọc Tuyển kể điều đặc biệt khiến ông nhớ mãi là mỗi dịp gặp lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể "nhớ, gọi tên từng bạn" dù lớp rất đông sinh viên.
"Có một lần họp lớp ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, bạn Trọng đến muộn 20 phút. Ngay khi vừa đến nơi bạn xin lỗi thầy giáo chủ nhiệm Hà Minh Đức, đồng thời xin lỗi các bạn vì hôm đó là ngày giỗ của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Bạn Trọng đi dâng hương cho bác Chinh nên đến trễ 20 phút, xin các thầy và các bạn thông cảm.
Khi bạn nói vậy chúng tôi thấy rất cảm động vì dù anh ấy ở vị trí rất cao nhưng rất khiêm tốn", ông Tuyển nói.
Đến tiễn đưa người bạn cũ, ông Tuyển bồi hồi nhớ về kỷ niệm gắn bó những ngày tháng khó khăn:
"Thời sinh viên năm thứ 3 thì bắt đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc, sinh viên chúng tôi phải sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Khi vào làng phải đi qua suối đôi, từ anh Trọng đến tất cả các chú các bác đều phải cởi quần áo dài và bơi qua suối.
Có anh bơi giỏi, anh bơi kém cứ thế dìu nhau qua suối. Cũng có những lúc mọi người phải ra suối để nhận gạo, rồi trở về bếp.
Những ngày đầu phải lên núi chặt tre, nứa để lợp lớp học", ông kể, trong mắt ánh lên nỗi nhớ về những năm tháng đã qua.
"Khi nhận được tin anh Trọng mất, chúng tôi - những người đã gắn bó với nhau suốt quãng thời gian sinh viên - rất thương tiếc. Từ thời sinh viên, anh Trọng đã làm phó bí thư chi đoàn, còn chúng tôi là đoàn viên. Anh Trọng phát biểu rất ngắn gọn, súc tích, sống rất chan hòa với mọi người.
Nhiều nước trên thế giới đánh giá rất cao vai trò vị trí của đồng chí Trọng trên cương vị là Tổng Bí thư, một trong những nhân vật đặc biệt xuất sắc không chỉ nhận được sự kính trọng của nhân dân Việt Nam mà là của nhân dân thế giới", ông bộc bạch.
Những người bạn thời niên thiếu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rơi nước mắt
Còn tại thôn Lại Đà - quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những người bạn từ thuở hàn vi cũng đến từ sớm để tiễn người bạn cũ chặng đường cuối.
Những người bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhau tới lễ viếng, có những người không dùng điện thoại, tự đi xe về nhà cũ tìm nhau. Có người ở TP.HCM, vượt cả nghìn cây số ra Hà Nội.
Ông Vương Khắc Côn (81 tuổi, bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) nhớ trọn vẹn những ký ức thời niên thiếu. Ông luôn nhắc về những ngày lội bộ đi học qua ruộng cà chua, qua sông Đuống, rồi bật khóc.
Ngồi trên chiếc xe lăn, ông Vương Khắc Duy, bạn học từ thời niên thiếu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xúc động:
“Nghe tin anh Trọng mất, tôi khóc suốt đêm, tiếc thương anh không ngủ được, sáng nay tôi đã có mặt ở đây, chờ tới lượt viếng.
Chúng tôi là bạn học rất thân thiết, gắn bó từ thời phổ thông, củ khoai chia đôi, bát nước rau luộc sẻ cùng. Anh Trọng ngồi cùng bàn với tôi, còn tôi là lớp trưởng", ông Duy nghẹn ngào nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận